Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:58 (GMT +7)
Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm đảo Ngọc Vừng: 60 năm ấy biết bao nhiêu tình
Thứ 7, 03/09/2022 | 07:30:44 [GMT +7] A A
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm nhân dân, cán bộ và bộ đội xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn (ngày 12/11/1962), trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã đảo, hình ảnh Bác vẫn luôn in đậm.
Bác vẫn còn mãi trong lòng người dân
Nhớ lại phút giây thiêng liêng trong đời gặp Bác Hồ cách đây 60 năm, bà Nguyễn Thị Lan (năm nay 72 tuổi, ở xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) không thể nào quên được hình ảnh thân thương, giản dị của vị Lãnh tụ kính yêu.
"Hôm đó, mùa đông trời se lạnh, thấy chiếc máy bay trực thăng kêu ù ù đậu xuống khu ruộng bằng phẳng cách bãi biển (bãi biển Trường Chinh ngày nay - tác giả) khoảng 300m, tôi nghe cô giáo dặn, các em ăn mặc chỉnh tề, lát nữa được gặp Bác Hồ. Tôi chỉnh trang phục, đeo khăn quàng chạy ra chỗ cây đa cạnh khu bộ đội đóng quân. Khi đến tôi thấy có rất nhiều bạn học sinh và nhân dân có mặt ở đó. Học sinh chúng tôi có khoảng 30 người...
Bác lại gần hỏi cháu nào thuộc 5 điều Bác dạy. Anh Nguyễn Minh Trang, 15 tuổi, là Liên đội trưởng, đứng nghiêm và đọc thuộc 5 điều Bác dạy. Anh Trang đọc xong, Bác Hồ vỗ tay, khen anh Trang và tất cả các cháu học sinh đều thông minh. Bác phát kẹo cho chúng tôi. Đó là hình ảnh đẹp nhất, trang trọng nhất và mãi không phai mờ trong tâm trí tôi...".
May mắn, vinh dự và tự hào như bà Lan, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sửu, bà Phạm Thị Quyển (ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) được gặp Bác Hồ cách đây 60 năm. Ông Sửu và bà Quyển sinh ra tại xã đảo Ngọc Vừng. Khi Bác Hồ về thăm đảo cả hai mới 13 tuổi, đang là học sinh.
Ông Sửu kể: "Bác đến thăm đơn vị bộ đội, kiểm tra chỗ ăn, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân tại đây. Khi ra ngoài doanh trại cạnh cây đa nơi bằng phẳng nhất có các cán bộ chiến sĩ, nhân dân, học sinh đang tập trung, Bác bắt tay các cụ già, hỏi thăm mọi người dân. Bác nghe học sinh đọc 5 điều Bác Hồ dạy và phát kẹo...".
Bà Quyển thì bảo nhớ như mới hôm qua: "Lúc máy bay hạ cánh thì mọi người dân tập trung đến rất đông. Tôi chạy ra, ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy máy bay to thế. Khi Bác gặp gỡ các học sinh, tôi đứng ngay cạnh nghe Bác Hồ nói các cháu chăm ngoan, nỗ lực học tập để xây dựng đảo...".
Tại xã đảo, Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân: “Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân; dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo; bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp nhân dân sản xuất và xây dựng HTX. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu".
Xã Ngọc Vừng nằm trong quần đảo Vân Hải, có thương cảng Vân Đồn, án ngữ đường hàng hải quốc tế vào cảng Cửa Ông, Hòn Gai, Hải Phòng và đường hàng không. Máy bay Mỹ muốn vào đánh phá Vùng mỏ và nhiều địa phương ở miền Bắc đều phải đi qua vị trí chiến lược quan trọng là Ngọc Vừng. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngọc Vừng là một trong những mục tiêu địch đánh phá ác liệt, thậm chí là hủy diệt.
Thực hiện lời dạy của Người
Thực hiện lời dạy của Bác, những học sinh vinh dự được gặp Bác Hồ ngày 12/11/1962 đã ra sức học tập, thi đua lao động, đều trở thành những thanh niên ưu tú, nhiều người xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Những người ở lại thì đánh giặc trên chính quê hương của mình. Giai đoạn chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của giặc Mỹ ở miền Bắc (1968-1973), ông Nguyễn Thanh Sửu là Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã, chỉ huy khẩu đội súng máy 12,7 ly.
Vào ngày 24/12/1972, hai chiếc máy bay của Mỹ từ biển vào đánh phá Ngọc Vừng, quân và dân trên đảo đã đánh trả quyết liệt. Các chiến sĩ dân quân tại đồi Điếm Canh do ông Sửu chỉ huy với 120 viên đạn đã bắn rơi chiếc máy bay F4 của giặc Mỹ, là chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh. Trong đó quân, dân xã đảo Ngọc Vừng bắn rơi 23 chiếc máy bay các loại. Năm 1973, Ngọc Vừng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Lan từ năm 1969-1973 là cán bộ đoàn xã, vận động 100% nam thanh niên lên đường nhập ngũ, nữ thanh niên tham gia dân quân chống địch đánh phá. Một số học sinh được gặp Bác Hồ năm xưa đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu.
Những học sinh còn lại đều phấn đấu trưởng thành. Ông Nguyễn Thanh Sửu được Nhà nước cử đi học, sau này trở thành lãnh đạo chủ chốt huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô. Bà Nguyễn Thị Lan là lãnh đạo xã Ngọc Vừng thời kỳ đổi mới. Ông Nguyễn Minh Trang từng là lãnh đạo huyện Vân Đồn, Sở KH&ĐT. Một số người khác giữ vị trí chủ chốt của huyện, của tỉnh, lực lượng vũ trang…
Sau khi đất nước hòa bình, Ngọc Vừng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Là xã đảo, việc đi lại chủ yếu phương tiện tàu, thuyền, ảnh hưởng đến giao thương, xã chưa có điện lưới. Ngọc Vừng khi ấy chỉ có vài trăm nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm nghề biển theo cách manh mún, tự cung tự cấp; tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhiều người dân không bám trụ được phải chuyển vào đất liền sinh sống...
Với truyền thống anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã từng bước vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2015, Ngọc Vừng có điện lưới quốc gia, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Về Ngọc Vừng trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, hai bên đường bê tông là những rặng hoa khoe sắc sặc sỡ dưới nắng vàng, tô thắm cho diện mạo tươi mới của làng quê nông thôn mới thanh bình. Các khu di tích lịch sử được đầu tư, tôn tạo: Khu di tích lưu liệm Bác Hồ (tại thôn Bình Hải) đã hoàn thành 3 giai đoạn đầu tư gồm khuôn viên, vườn cây, ao cá, khu trưng bày… đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu; đình Ngọc Vừng, Cột cờ chủ quyền quốc gia, trận địa 12,7 ly…
Ngọc Vừng hiện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu không ngừng tăng. 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách xã tăng 210% so với chỉ tiêu huyện giao, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Ngọc Vừng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Ngô Quốc Vượng cho biết: Mục tiêu của xã trong xây dựng nông thôn mới là hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Với lợi thế khác biệt so nhiều địa phương khác trong huyện, Ngọc Vừng phấn đấu trở thành viên ngọc sáng vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()