Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 11:48 (GMT +7)
Lòng tự trọng nghề nghiệp của người thầy thuốc
Chủ nhật, 24/02/2013 | 03:58:17 [GMT +7] A A
Không biết ngành Y tế đã từng có một cuộc điều tra xã hội học trên diện rộng nào để xem thử trong số những người đang hành nghề y hiện nay có bao nhiêu người nhớ một cách đầy đủ 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác Y tế Việt Nam hay chưa. Nhưng tôi dám chắc, nếu có thì con số này hẳn là sẽ rất thấp so với tỷ lệ chung.
Tất nhiên, không phải cứ thuộc 12 điều y đức là có thể trở thành một người thầy thuốc chân chính, bởi từ việc "biết bổn phận" đến việc "làm đúng bổn phận" là cả một quá trình. Ấy là chưa kể, 12 điều y đức mà Bộ Y tế ban hành xét cho cùng cũng không nằm ngoài những quy phạm đạo đức hành nghề của người thầy thuốc từ xưa đến nay, không ngoài những gì được ghi trong lời thề Hippocate mà bất cứ một sinh viên Y khoa nào lúc ra trường cũng phải long trọng tuyên thệ…Nói vậy để thấy rằng, với bất cứ một người làm công tác y tế nào, cho dù họ có thuộc hay không thuộc 12 tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, thì họ vẫn hiểu y đức là cái gì và phải làm như thế nào thì mới là người thầy thuốc có y đức !
Nhưng tại sao hiện nay người ta vẫn nói nhiều về sự xuống cấp y đức của một bộ phận không nhỏ những người làm công tác y tế? Có rất nhiều ý kiến, có người cho rằng vì đồng lương của cán bộ, nhân viên ngành y hiện nay quá thấp đã dẫn đến tình trạng này! Lại có ý kiến cho rằng vì sự thiếu kiểm tra, giám sát, chưa có những hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc với những ai hành nghề y không thực hiện đúng y đức v.v.. và v.v.. Có thể đây cũng là những lý do, nhưng chắc chắn không phải là những lý do cơ bản, mang tính quyết định. Không thể dùng mệnh lệnh, dùng chế tài để xử lý theo quy phạm đạo đức! Cái quyết định, tôi nghĩ chính là ở bản thân mỗi một cán bộ, nhân viên y tế; đó là ý thức về bổn phận, về trách nhiệm, là lòng tự trọng nghề nghiệp của người thầy thuốc! Với nghề nào cũng cần có lòng tự trọng nghề nghiệp, nhưng với nghề y thì không chỉ là lòng tự trọng mà còn là lòng kiêu hãnh nữa! Lê Hữu Trác, "Ông tổ" của ngành Y Việt Nam, đã từng nói: "Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng"...
Tiếc thay, không phải ai đang hành nghề y hiện nay cũng ý thức được điều đó, cũng thấy mình đáng kiêu hãnh khi làm cái nghề cao quý này. Vì thế, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm nghề y; đặc biệt là với những học sinh, sinh viên, những thầy thuốc tương lai, khi họ quyết định "dấn thân" vào nghề này. Và một điều cũng rất đáng lưu tâm, để điều chỉnh các quy phạm đạo đức, không thể bằng các chế tài, các biện pháp xử phạt theo pháp luật. Từ đó, tạo ra áp lực xã hội (bằng dư luận, bằng truyền thông v.v..) để tôn vinh những người thầy thuốc chân chính, đồng thời loại trừ những kẻ "liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý" như lời Lương y Lê Hữu Trác nói, là rất cần thiết.
Năm 2013 được UBND tỉnh chọn là năm tập trung nâng cao y đức. Thiết nghĩ, đây trước hết là trách nhiệm, bổn phận của ngành Y tế trong việc nâng cao lòng tự trọng nghề nghiệp cho mỗi một cán bộ, nhân viên trong ngành; đồng thời cũng là trách nhiệm của cả xã hội trong việc tôn vinh người thầy thuốc chân chính, tôn vinh y đức…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()