Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 00:11 (GMT +7)
Luật Đất đai (sửa đổi): Người dân đặc biệt quan tâm quy định thu hồi đất, bồi thường
Thứ 3, 21/02/2023 | 10:30:56 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến đồng thuận với nguyên tắc bồi thường bảo đảm "người có đất bị thu hồi có chỗ ở, và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" tại Điều 90 của dự thảo luật.
Cần quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất
Chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ hết thời hạn lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Hiện đang là giai đoạn cao điểm triển khai chủ trương này.
Ghi nhận tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương cho thấy đóng góp cho 9 nhóm nội dung trọng tâm, nhân dân nhiều nơi đặc biệt quan tâm tới các qui định về thu hồi đất, và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư,... cũng như phương pháp định giá đất, bảng giá đất được qui định trong dự thảo luật.
Các ý kiến tâm huyết đang được tiếp thu và sẽ được tổng hợp để cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý tốt nhất dự án Luật đất đai sửa đổi, đảm bảo hài hòa các lợi ích của các chủ thể liên quan, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, các quy định đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước với quyền lợi của người dân là vấn đề giành được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Nhiều ý kiến cho rằng từ thực tiễn 10 năm thực thi Luật Đất đai 2013 cho thấy, đã có những bất cập, không những làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mà còn làm lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, cản trở sự phát triển của đất nước.
Minh định trong các khái niệm, lượng hóa thay vì định tính trong các quy định cũng là vấn đề nhận được nhiều đề xuất khi đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Còn tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Luật đất đai (sửa đổi) diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng tiếp tục đóng góp ý kiến cho các qui định về thu hồi đất. Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với số lượng hạn chế các dự án thực sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với nguyên tắc "bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" được đề cập tại Điều 90 của dự thảo luật. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị nguyên tắc này cần được qui định cụ thể và đo lường được.
Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng đều đánh giá việc soạn thảo theo tinh thần nếu bố trí tái định cư thì nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, cần phải quy định chi tiết nội dung này hơn.
Khi nhà nước thu hồi đất thì mức giá đền bù sẽ như thế nào? Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Nhiều ý kiến đánh giá cao chủ trương này và cho rằng tinh thần đổi mới công tác quản lý chính sách đất đai của Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo cần có qui định cụ thể hơn về cách thức xác định giá để đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan.
Phát huy việc lấy ý kiến trực tuyến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Với việc bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều, bãi bỏ 8 điều, giữ nguyên 48 điều, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân, được đánh giá là đã cập nhật khá sát với thực tiễn. Tuy nhiên, cũng còn 1 số vấn đề nhận được những ý kiến trái chiều. Ví dụ như qui định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp có liên quan đến đất đai, Dự thảo lần này giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án bất luận có hay không có giấy tờ.
Bên cạnh các hội nghị trực tiếp, việc tiếp nhận trực tuyến ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua nền tảng công nghệ cũng đang được phát huy. Ở Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 2 tuần tổ chức, đã có hơn 600 ý kiến được tiếp nhận qua kênh này. Điều này cho thấy, sự quan tâm và chung tay của nhân dân với một vấn đề lớn của đất nước.
Trên 1.500 ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin Chính phủ
Công tác tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân sẽ kết thúc vào ngày 15/3 tới đây. Không còn nhiều thời gian, nhưng nếu biết kết hợp nhiều cách thức thì công tác lấy ý kiến cho một dự án luật quan trọng này sẽ còn phát huy hiệu quả hơn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 20/2 đến 15/3, cơ quan này sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại 8 tỉnh, thành phố chia theo các khu vực trên cả nước.
Do vậy, trong các tuần tới đây, sẽ là cao điểm để tiếp thu trí tuệ tập thể của nhân dân, của các chuyên gia, nhà khoa học…
Tất cả đang nỗ lực để có được một dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện, chất lượng, khoa học, đồng bộ khả thi hơn để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()