Nhóm của bà Harris đề xuất thay đổi quy tắc tắt mic trong cuộc tranh luận, hy vọng ông Trump bộc lộ những điểm yếu khi không bị kiềm chế.
"Thưa Phó tổng thống, tôi đang nói đấy", bà Kamala Harris nói trong cuộc tranh luận năm 2020 với phó tổng thống Mỹ khi đó là Mike Pence, người đang cố ngắt lời bà.
Câu nói đầy khó chịu của bà Harris khi đó đang giúp giải thích cho diễn biến bất ngờ mới nhất của cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm nay.
Phó tổng thống Kamala Harris dự kiến có cuộc tranh luận trực tiếp với cựu tổng thống Donald Trump trên ABC ngày 10/9. Sáng 26/8, Brian Fallon, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Harris, đề nghị đài ABC thay đổi quy định, thu tiếng cả hai ứng viên xuyên suốt buổi tranh luận, thay vì tắt mic luân phiên khi một trong hai người phát biểu.
Quy định tắt mic này đã được nhóm của Tổng thống Joe Biden thúc đẩy áp dụng trong cuộc tranh luận với ông Trump trên CNN hồi tháng 6, nhằm ngăn cựu tổng thống ngắt lời ông Biden như trong các cuộc tranh luận giữa họ năm 2020.
Việc tắt mic cuối cùng lại có lợi hơn cho ông Trump. Cựu tổng thống nhìn chung giữ bình tĩnh trong khi ông Biden bộc lộ điểm yếu với nhiều lần nói vấp, lúng túng và không rõ ý. Donald Trump Jr., con trai ông Trump, từng ca ngợi hình thức này. "Điều đó giúp bố tôi có kiểm soát và tập trung", anh viết.
Bà Harris dường như muốn Trump có cơ hội nói những gì ông muốn vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc tranh luận sắp tới, để ông hiện lên trước khán giả là người thiếu kiềm chế.
"Rõ ràng chiến dịch tranh cử của bà Harris hy vọng sẽ cho ông Trump cơ hội 'tự hủy hoại' bằng cách liên tục gây gián đoạn phát biểu của đối thủ hoặc bộc lộ những tính cách khó chịu của bản thân", Stephen Collinson, nhà phân tích củaCNN, nhận định.
Phe của ông Trump đang cố bác bỏ đề xuất này. Jason Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump, cho rằng cựu tổng thống đã chấp nhận cuộc tranh luận với bà Harris trên đài ABC theo các điều khoản tương tự như cuộc tranh luận trên CNN với ông Biden. Ông cho rằng việc thay đổi chiến thuật từ phía bà Harris cho thấy quá trình chuẩn bị của ứng viên đảng Dân chủ đang gặp rắc rối.
Ông Trump rất coi trọng cuộc tranh luận, bởi đây có thể là cơ hội tốt nhất để làm suy giảm động lực mà nhóm bà Harris có được kể từ sau khi thay thế ông Biden và đặc biệt là sau đại hội đảng Dân chủ ở Chicago tuần trước. Cựu tổng thống và chiến dịch của ông cũng tin rằng bà Harris chưa sẵn sàng đối mặt áp lực trả lời các câu hỏi về chính sách và theo kịp đối thủ khó đoán như ông Trump.
"Ông Trump rất cần tranh luận. Bà Harris cũng cần tranh luận. Cả hai đều muốn chứng tỏ mình", nhà phân tích chính trị Scott Jennings của CNN, thành viên đảng Cộng hòa, cho hay.
"Việc mở mic suốt phiên tranh luận sẽ kiểm tra mức độ kỷ luật của Trump vào thời điểm các chiến lược gia đang kêu gọi ông tập trung vào chính sách và từ bỏ công kích cá nhân, nhằm mang lại lợi ích cho chiến dịch", Collinson cho hay.
Nhà phân tích của CNN thêm rằng bà Harris cũng muốn có cơ hội thể hiện sức mạnh trước Trump bằng cách lặp lại lời chỉ trích nổi tiếng như trong cuộc tranh luận với ông Pence 4 năm trước.
Những lời công kích của ông Trump nhắm vào giới tính và chủng tộc của đối thủ Dân chủ có thể sẽ khiến các cử tri nữ, cộng đồng thiểu số và người có học thức cao bất bình. Đây là nhóm cử tri có thể rất quan trọng ở các bang chiến trường trong cuộc bỏ phiếu tháng 11.
Nếu ông Trump không kiềm chế bản thân và sa đà vào công kích, ngắt lời đối thủ, cựu tổng thống có thể giúp nhóm bà Harris củng cố thêm bức tranh mà họ đã phác họa về ông tại đại hội đảng Dân chủ tuần trước.
Trong bài phát biểu tại Chicago, bà Harris nói rằng cử tri đứng trước lựa chọn đi theo con đường "hỗn loạn và thảm họa" như trong nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump, hay là lựa chọn trở lại với những giá trị của Mỹ, gồm "sự tự do, cơ hội, sự cảm thông, phẩm giá, công bằng và những năng lực vô hạn".
Bà nhấn mạnh người Mỹ đang có cơ hội quý giá để vượt qua những cay đắng, hoài nghi và các cuộc đấu đá gây chia rẽ.
"Phó tổng thống muốn người Mỹ thấy một Donald Trump không bị trói buộc bởi đó là những gì chúng ta sẽ thấy nếu ông ấy trở thành tổng thống lần nữa. Tôi nghĩ điều quan trọng trong cuộc bầu cử cũng như thời điểm này là người dân Mỹ có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai ứng viên trên sân khấu", Ian Sams, người phát ngôn chiến dịch của bà Harris, nói.
Maria Cardona, nhà bình luận chính trị của CNN, cho rằng có thể còn một lý do khác khiến bà Harris muốn mở mic trong suốt phiên tranh luận. "Bà ấy sẽ có thể ngay lập tức bác bỏ lời đối thủ nếu ông ấy đưa ra những phát ngôn sai lệch", Cardona nói.
Tuy nhiên, việc mở mic không phải là không có rủi ro đối với Phó tổng thống.
Năm 2016, Trump liên tục công kích ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và làm gián đoạn những câu trả lời của bà. Nhiều người nhận định điều đó không tốt cho ứng viên Cộng hòa nhưng một số ý kiến cho rằng ông thể hiện được hình ảnh mạnh mẽ, lấn lướt đối thủ. Cuối cùng, Trump đắc cử tổng thống dù nhiều cuộc khảo sát từng đánh giá thấp cơ hội chiến thắng của ông.
Ý kiến ()