Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng nhen nhóm xu hướng tăng trong những ngày đầu tháng 12 và bất ngờ tăng mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tuần này.
Giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại hiện đã tăng 350-380 đồng so với tuần trước. Tỷ giá USD/VND bật tăng từ 22.835-22.855 đồng vượt qua ngưỡng tâm lý 23.100 đồng và có lúc lên vùng giá 23.150-23.200 đồng. Như vậy, tiền đồng đã mất giá khoảng 1,1% chỉ trong vòng 1 tuần và 2% tính từ đầu năm, đảo ngược xu hướng mạnh lên của tiền đồng trong phần lớn thời gian của năm nay.
Tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố cũng tăng mạnh 110 đồng trong vài ngày, lên 22.237 đồng vào sáng nay (8/12).
Theo đánh giá của giới ngân hàng, đây chỉ là hiện tượng tạm thời xuất phát từ nguồn cung USD không dồi dào nhưng nhu cầu dồn mạnh tại một thời điểm.
Một trong những nhu cầu USD lớn trên thị trường được nhiều chuyên gia lý giải đến từ phía Kho bạc Nhà nước. Nói với VnExpress, lãnh đạo cơ quan này cho biết không nắm trái phiếu ngoại tệ nên không có nhu cầu USD đáo hạn trái phiếu quốc tế, tuy nhiên vẫn phát sinh nhu cầu ngoại tệ để chi ngân sách.
Trên thực tế, tỷ giá ổn định và đi xuống trong nhiều tháng gần đây khiến các nhà băng thực hiện các lệnh short (bán ra) USD. Khi giá USD trên thị trường quốc tế quay đầu tăng, họ phải cover trạng thái ngoại tệ (tăng mua vào) khiến nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến giá USD tăng mạnh chỉ trong một tuần, theo suy đoán của lãnh đạo một nhà băng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh vốn, tiền tệ và Dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường giai đoạn cuối năm không được dồi dào như kỳ vọng của thị trường.
Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến ngày 30/11, cán cân thương mại tháng 11 xuất siêu 1,3 tỷ USD, tính chung 11 tháng đầu năm, xuất siêu 1,46 tỷ USD. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước đó lần lượt là gần 11 tỷ USD và 19 tỷ USD. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu ngoại tệ từ lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch đến từ du khách quốc tế, tiếp tục bị sụt giảm nặng.
Ông Khoa cũng cho biết, yếu tố mùa vụ dịp cuối năm khiến nhu cầu thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, tăng lên khá nhiều. Ngoài ra, thống kê của Bloomberg cho thấy, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán trong tuần đầu tháng 12, với mức bán ròng lũy kế từ đầu năm tới nay đạt mức kỷ lục gần 2,7 tỷ USD.
"Những yếu tố về nguồn cầu từ cả phía doanh nghiệp trong nước lẫn nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã phần nào gây áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn", ông Khoa nói.
Bên cạnh đó, biến động trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Với tuyên bố mới nhất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed về việc từ bỏ quan điểm về lạm phát chuyển giao và chuyển sang tăng tốc độ giảm quy mô mua tài sản, đồng USD đã có xu hướng mạnh lên trở lại từ đầu tháng 12. Chỉ số USD Index đã tăng 0,33% kể từ đầu tháng 12.
Tất cả những yếu tố đó khiến thị trường ngoại hối trong nước vô hình chung chịu khá nhiều áp lực, ông Khoa cho biết.
Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá bán ngoại tệ giao ngay hỗ trợ ở mức giá 23.150 đồng với hiệu lực từ ngày 8/12, cũng phần nào góp phần giải tỏa áp lực tỷ giá trong vài ngày qua, đưa cặp tỷ giá USD/VND dần hạ nhiệt về vùng giá 23.070-23.100 đồng.
Theo giám đốc khối của HSBC, sau những biến động đến từ các yếu tố mang tính chất thời điểm, mùa vụ, xu hướng tỷ giá nhiều khả năng sẽ dần ổn định trở lại.
Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, theo sát diễn biến của thị trường nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ như những ngày qua, ông Khoa cho rằng cũng có thêm lý do để tin tưởng về sự ổn định trở lại của tỷ giá trong thời gian gần.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ hôm 3/12 trình lên Quốc hội báo cáo bán thường niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Trong đó, cơ quan này tái khẳng định lại kết luận hồi tháng 4, rằng Việt Nam không thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988.
Các yếu tố vĩ mô khác như dòng vốn FDI, kiều hối từ đầu năm đến nay vẫn cho thấy sự ổn định. Các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) khá sôi động trong năm nay bất chấp hạn chế của dịch bệnh. "Đây cũng là cơ sở để thấy rằng mức độ biến động tỷ giá tại thời điểm này là chưa đáng quan ngại", ông Khoa nhìn nhận.
Ý kiến ()