Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:18 (GMT +7)
Mã số vùng trồng: "Vé thông hành" cho nông sản xuất ngoại
Thứ 6, 11/03/2022 | 07:25:23 [GMT +7] A A
Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Nếu không được cấp mã số vùng trồng thì nông sản Quảng Ninh sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường quốc tế, thế nhưng hiện tại việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản của tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn.
Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe nhất về ATTP mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, hằng năm, Sở NN&PTNT đều có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Từ năm 2018 đến tháng 12/2019, Quảng Ninh đã chính thức có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt, chôm, xoài, chuối, mít, dưa hấu, phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân của tỉnh, bởi lẽ, quả thanh long và quả vải đều là những loại quả được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng nhưng lại có thời gian thu hoạch rất ngắn (25-35 ngày), sản lượng lớn nên nếu không được tiêu thụ kịp thời, sẽ khiến cho giá thành bị sụt giảm.
Ngoài thanh long và vải, Quảng Ninh cũng có diện tích lớn trong trồng na, ổi, cam... thế nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn không có thêm một vùng trồng trọt nào được cấp mã số vùng trồng. Nguyên nhân là nhiều vùng trồng không đạt điều kiện về diện tích (6-10ha/mã) do chuyển đổi trồng cây khác; người dân và các địa phương chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại; khi được cấp mã vùng trồng rồi, địa phương cũng chưa có sự quan tâm, giám sát, kết nối tiêu thụ, liên kết giữa vùng trồng với các cơ sở đóng gói nên người nông dân vẫn không tìm được đầu ra cho xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ cho thương lái trong nước. Những điều này đã khiến cho người nông dân không mặn mà với việc được cấp mã số vùng trồng.
Ông Đoàn Quang Ngọc (phường Phương Đông, TP Uông Bí) cho biết: Từ năm 2014, tôi đã đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ theo cách trồng giàn, tưới nhỏ giọt và áp dụng kỹ thuật sử dụng đèn để chiếu sáng bổ sung, nhằm kích thích cho cây thanh long ra hoa, quả trái vụ. Đến nay, 2ha cho thu hoạch ổn định với 50 tấn quả. Với mong muốn quả thanh long Uông Bí được xuất khẩu ra nước ngoài, có giá bán cao hơn trong nước, tôi đã đáp ứng đủ các tiêu chí trong sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Thế nhưng, hiện sản phẩm vẫn chủ yếu do thương lái đến thu mua vì chúng tôi không biết tìm đến đơn vị nào để được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
Trong khi đó, tại các vùng trồng nông sản khác trong nước, việc cấp mã số vùng trồng luôn được các địa phương xác định đây là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính như: Nga, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc... Nhất là thời kỳ Covid-19 và hậu Covid-19. Câu chuyện về gần 90.000/215.000 tấn vải Bắc Giang được xuất khẩu thành công với tổng doanh thu trên 6.800 tỷ đồng ngay trong tâm dịch Covid-19 năm 2021 là một ví dụ điển hình về những lợi ích thiết thực khi quả vải Bắc Giang có đầy đủ giấy thông hành về cấp mã số vùng trồng, cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có sự liên kết chặt chẽ với những đơn vị xuất khẩu.
Khẳng định về tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: Cấp mã số vùng trồng là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản và là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, để được cấp mã số, người dân không phải mất bất cứ một khoản chi phí nào mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, ATTP, kiểm soát sinh vật gây hại. Do đó, các địa phương cần phải quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Các vùng trồng đã có đầy đủ chứng nhận, song làm thế nào để có thể tiêu thụ thuận lợi, sản phẩm có thể xuất khẩu được thì cơ quan quản lý ở địa phương đóng vai trò quyết định.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()