Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:04 (GMT +7)
Nông nghiệp hữu cơ - nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững
Thứ 4, 02/03/2022 | 08:44:31 [GMT +7] A A
Với đặc tính là không sử dụng hóa chất, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích đối với sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tại Quảng Ninh, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện từng phần với sản lượng, quy mô, chủng loại còn hạn chế. Vì vậy, để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp hữu cơ, tỉnh cần có định hướng phát triển rõ ràng với các cơ chế chính sách đột phá, khả thi hơn.
Lợi ích từ thực tế
Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nền nông nghiệp sạch, những năm qua, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh việc sản xuất VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh, thu nhập cho người nông dân. Đến nay tỉnh đã chứng nhận được 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên. Năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn việc trồng lúa truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 10-15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10-30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Điều quan trọng là sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Điển hình như tại TX Đông Triều, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất đạt từ 58-60 tạ/ha. Ngoài tăng hiệu quả kinh tế 20-30%, sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho môi trường đất, nước được cải thiện, các loài sinh vật như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng.
Còn tại Công ty Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) thực hiện chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, áp dụng hệ thống chăm sóc tự động nhập khẩu, phần mềm quản lý theo dõi lý lịch, sức khỏe hàng ngày của vật nuôi, thức ăn có nguồn gốc… nên khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm gần 1.500 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn so với chăn nuôi thông thường từ 25-30%. Điều quan trọng nhất là đàn lợn ở đây có sức đề kháng tốt nên đây cũng là một trong những trang trại lợn hiếm hoi trên cả nước “miễn nhiễm” với dịch tả lợn châu Phi trong suốt hơn 2 năm qua.
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán dao động từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Theo bà Hoàng Thị Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc cây quế Quảng Ninh có mặt ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới đã giúp sự thay đổi về tư duy và hành động của người dân miền Đông trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế. Ngày càng có nhiều người dân chú trọng việc tăng cường độ phì nhiêu của đất, không sử dụng phân bón tổng hợp mà thay vào đó là sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thậm chí là tự tay phát, nhổ cỏ bằng phương pháp thủ công. Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm 700-1.000 tấn quế hữu cơ được xuất bán ra thị trường nước ngoài.
Lĩnh vực thủy sản hiện cũng đã ghi nhận mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí) cho thu hoạch được hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), sản lượng lúa đạt 1,8-2,0 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ mô hình này mang lại hơn 300 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) khẳng định: Từ những mô hình ở các lĩnh vực trên cho thấy, sản xuất hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích rất lớn so với sản xuất thông thường khi cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán ổn định môi trường an toàn và bảo đảm cho sức khỏe con người. Thông qua việc sản xuất hữu cơ đã tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác khi chỉ được sử dụng các nguồn hiện có, các vật tư đạt chuẩn.
Cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn
Mặc dù hiệu quả từ sản xuất hữu cơ đã ngày càng được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất nhỏ bé, hạn chế. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh mới chứng nhận được 45ha lúa hữu cơ với sản lượng khoảng 150 tấn tại TX Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế hữu cơ với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Còn ở những lĩnh vực khác vẫn chưa được chứng nhận hoặc chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ NN&PTNT.
Ở góc độ của một người làm thực tế, ông Lê Văn Quý (xã Tràng Lương, TX Đông Triều) cho biết: Để trồng thành công được 15ha ổi theo quy trình VietGAP chúng tôi đã phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe trong kỹ thuật sản xuất như từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch. Còn đối với hữu cơ thì tiêu chuẩn phải cao hơn nữa khi phải đáp ứng một loạt các tiêu chí là không phân bón hóa học, không chất diệt cỏ, không thuốc trừ sâu độc hại, không chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và cần phải có thời gian để cải tạo chất đất, nguồn nước… Như vậy, sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, chi phí cao và từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch. Do đó, chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân trong việc thuê đất dài hạn, vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Bởi vậy để nhân rộng sản xuất hữu cơ, việc kiên trì và bền bỉ được xác định là yếu tố hàng đầu. Ngoài ra là chi phí để có được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chi phí quảng bá, tiếp thị để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khiến cho không ít đơn vị e dè khi lựa chọn nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ. Phần lớn các doanh nghiệp, người sản xuất đều cho rằng, nếu không được “tiếp sức”, việc duy trì các mô hình sản xuất hữu cơ cũng khó mà bền vững.
Ví dụ thực tế là Công ty CP Terranique tại thôn Đồng Vang (xã Sơn Dương, TP Hạ Long), năm 2014, công ty này đã gây tiếng vang khi là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chứng nhận sản xuất trồng trọt hữu cơ với diện tích 2,5ha. Tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ áp dụng là tiêu chuẩn EU (châu Âu) và tiêu chuẩn USDA (Mỹ). Các loại cây trồng sản xuất hữu cơ chủ yếu là rau xanh, dưa chuột, cà chua, củ cải đỏ, hành, tỏi, đậu hạt các loại. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cao lên tới 8 tỷ đồng mà quá trình sản xuất và tiêu thụ không được thuận lợi nên chỉ sau một thời gian, công ty đã phải tạm dừng sản xuất.
Thực tế trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí cao hơn so với sản xuất thông thường, nhưng đây lại là điều kiện tất yếu khi Việt Nam ngày càng hội nhập. Bởi phát triển theo hướng này sẽ tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế… Ðây là chủ trương lớn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền và địa phương trên cả nước.
Quảng Ninh đang là một địa phương có tốc độ phát triển KT-XH vào loại nhanh của cả nước. Đi cùng với đó, nhu cầu sử dụng đất đai phục vụ các nhiệm vụ phát triển cũng rất lớn. Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng trong tương lai Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo công nghệ… Do vậy, trong những năm tới nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác là rất lớn, nhất là tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên.
Theo dự báo của Sở TN&MT, đến năm 2025, diện tích cần phát triển thêm đất đô thị mới 7.294ha, đến năm 2030 là 10.941ha; tổng diện tích đất ưu tiên phát triển các khu công nghiệp đến năm 2025 là 9.501ha, đến năm 2030 là 14.251ha. Như vậy thì đến năm 2025, tổng diện tích đất nông nghiệp có khoảng 461.000ha, thì đến năm 2030 sẽ chỉ còn khoảng 307.000ha. Ngoài bị thu hẹp diện tích, sản xuất nông nghiệp còn đối mặt với sự biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, mưa lũ làm giảm nghiêm trọng năng suất cây trồng, tăng áp lực dịch hại trên cây trồng.
Trước những áp lực này, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng cần thực hiện các giải pháp để chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện tại sang phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, hài hòa với thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.
Được biết, để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, Đề án này xác định quy mô và phân vùng phát triển sản phẩm, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Bao gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... Đề án cũng đã xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, danh mục mô hình sản xuất hữu cơ thí điểm, kinh phí thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 15-20% giá trị trên một đơn vị sản phẩm trở lên so với sản xuất theo phương thức thông thường. Mục tiêu của Đề án đặt ra là trong thời gian tới sẽ sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn giúp mở rộng thị trường sản phẩm không những trong và ngoài tỉnh mà có thể mở rộng ra thị trường ngoài nước. Trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh như trà hoa vàng, rau quả, thủy sản để nâng giá trị đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng sản phẩm nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ nông sản. Đã có 150ha lúa (Đông Triều), gần 80ha sản xuất rau (Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà…), trên 47ha chè (Hải Hà), 311ha na (Đông Triều), 395ha vải (Đông Triều, TP Uông Bí), 51ha cây có múi (Vân Đồn, Hải Hà…) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây chính là tiền đề tốt để chuyển sang phương thức sản xuất hữu cơ. Nếu Đề án được tỉnh phê duyệt với những cơ chế chính sách đột phá, trong thời gian tới, chắc chắn bức tranh nông nghiệp của Quảng Ninh sẽ khởi sắc hơn.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, đến nay cả nước có khoảng 240.000ha canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20.000 lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sau 10 năm, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ của nước ta tăng trên 223.000ha. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế lớn như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc... |
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()