Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:40 (GMT +7)
Mãi ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về báo chí
Thứ 4, 03/06/2015 | 04:54:14 [GMT +7] A A
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa của thế giới mà còn là người sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam. Được Bác Hồ đặt nền móng và vun đắp, những năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chỉ có “một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính điều này đã thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, tìm ánh sáng soi đường để đưa dân tộc ra khỏi đêm trường nô lệ. Cách đây hơn 100 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bước chân lên con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin với một ý chí nung nấu vì dân vì nước, với đôi bàn tay và câu nói đã đi vào lịch sử: “Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để sống, để đi và để quay về cứu đồng bào mình”. Những năm bôn ba qua nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Pháp và Liên Xô đã giúp Người phát hiện ra chân lý cách mạng: Con đường giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, do giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất lãnh đạo. Người đã lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Từ đó, báo chí đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng của Người. Người làm báo ở mọi nơi, mọi lúc, ngay trong hoạt động thực tiễn và đấu tranh cách mạng. Từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (năm 1920), Bác Hồ cũng bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng, trong đó nổi bật là tờ Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Đây là tờ báo đầu tiên do Người sáng lập ở Paris (Pháp), tờ báo mà Nguyễn Ái Quốc vừa là người sáng lập, vừa là chủ bút, là cây viết chính và kiêm luôn cả nhiệm vụ phát hành. Mục đích của Le Paria là tố cáo tội ác xâm lược của bọn thực dân đế quốc, thức tỉnh người lao động ở các thuộc địa hướng tới giác ngộ, tập hợp lực lượng giải phóng dân tộc. Tờ báo Thanh niên, được Người sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1925 được coi là tờ báo khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sau này, những tờ báo trụ cột của báo chí cách mạng nước ta như: Cứu quốc, Nhân dân, Hà Nội mới, Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản hiện nay)… đều có dấu ấn của Bác Hồ: Là người sáng lập, đặt tên, chỉ đạo nội dung và cộng tác viết bài thường xuyên.
Trải qua nửa thế kỷ làm báo, từ năm 1919 cho đến những ngày cuối đời, nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một gia tài báo chí đồ sộ: Hàng nghìn bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, với nhiều thể tài, nhiều văn phong khác nhau, viết trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đó thực sự là một di sản vô cùng quý báu, là mẫu mực của báo chí cách mạng trên mọi phương diện: Văn phong, thể tài, tính chiến đấu, tính nhân dân. Xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm báo chí của Người chính là lý tưởng của một nhà báo chân chính: Làm báo để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Kể từ khi Bác Hồ viết bài báo đầu tiên, kể từ ngày Bác khai sinh ra nền báo chí cách mạng, báo chí Việt Nam hôm nay đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng nội dung và hình thức, tính chuyên nghiệp và đội ngũ những người làm báo, với đủ các loại hình: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Báo chí đã có những cống hiến lớn lao và xứng đáng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thế hệ luôn tuân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi nhà báo là một chiến sĩ cách mạng và cây bút, trang giấy chính là vũ khí đấu tranh sắc bén. “Bài báo là tờ hịch cách mạng”, người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Trong những ngày tháng 6 lịch sử này, những người làm báo chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những bài học quý giá mà nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại từ cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Người, cùng nhau tìm hiểu di sản báo chí đồ sộ, phong phú của Người để từ đó, đúc rút cho mình những điều sâu sắc và bổ ích nhất của nghề báo. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay đang đòi hỏi mỗi người làm báo luôn phải đề cao trách nhiệm công dân, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phải luôn đau đáu với câu hỏi mà Bác Hồ đã dạy chúng ta mỗi khi cầm bút: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?”.
Theo TS. Lê Doãn Hợp (Nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT)
Liên kết website
Ý kiến ()