Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:39 (GMT +7)
Đưa đặc sản mắm tép Ngọc Vừng thành sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 03/04/2022 | 13:27:09 [GMT +7] A A
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào, mắm tép làm từ đặc sản tép tươi Ngọc Vừng (Vân Đồn) nức tiếng, đã được cải tiến quy trình, chắt lọc tinh hoa nghề, đầu tư chế biến thành sản phẩm OCOP tiện dụng, chất lượng. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã đảo cũng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển sản xuất của địa phương.
Là xã đảo tiền tiêu nằm giữa biển khơi, Ngọc Vừng được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tép tự nhiên với sản lượng lớn, đạt trung bình khoảng 50 tấn/mùa. Có lẽ, nhờ các yếu tố mùa vụ tự nhiên, nguồn nước mặn, sạch, xa bờ mà tép Ngọc Vừng nức tiếng là một đặc sản thơm ngon, béo, dày mình... hơn nhiều nơi khác. Vì thế, mà tép cũng được người dân khéo léo chế biến thành các sản phẩm mắm mang hương vị đặc trưng. Nghề làm mắm tép đã thành nghề truyền thống lâu đời của xã.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã và cũng là người gắn bó lâu đời với xã đảo, với nghề làm mắm nơi đây, cho biết: Ngoài nguồn nguyên liệu phong phú, chất lượng, sở dĩ sản phẩm này được đánh giá cao bởi việc chế biến đã được người dân đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thế hệ.
Để sản xuất quy mô, một tổ hợp HTX được thành lập, tập hợp 60 xã viên là các hộ có truyền thống, trình độ tay nghề cao trong chế biến... Theo đó, các hộ đã chuẩn hóa quy trình sản xuất, chắt lọc các tinh hoa nghề của từng hộ để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Nhờ đó đã hình thành một quy trình chế biến chuẩn và nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu tới khâu chế biến, thành phẩm...
Theo quy trình đó, để có sản phẩm ngon, nguyên liệu được lựa chọn theo chuẩn gắt gao, chỉ nhập tép vào đúng vụ từ tháng 5 tới tháng 8 Âm lịch hàng năm, là thời điểm tép nhiều, tươi ngon, ngọt và béo nhất. Tép ngon nhất được đánh bắt ở bãi cát trắng Trường Chinh, ở khu vực xa bờ hơn như hòn Chèo Cóc, Chèo Vàng, Phượng Hoàng...
Ngay sau khi được đưa vào bờ, tép được sơ chế đãi, rửa sạch rồi đưa vào từng ang, chum sành ướp muối với tỉ lệ 6/1 (6 bát tép, 1 bát muối). "Mắm tép ngon chỉ hoàn toàn được chế biến bằng tép và muối biển. Tép sau khi thu hoạch được sàng sảy, rửa lại bằng nước mặn sạch, để ráo, tuyệt đối không được dính nước ngọt rồi cho vào muối theo tỷ lệ 1/6. Hỗn hợp tép muối sẽ được đánh tơi rồi phơi trong cái nắng giòn của đảo.
Để đạt chất lượng tốt, thông thường nước đầu sau 1 ngày ướp, chượp được chắt ra, gạn bỏ. Sau 10 ngày, mắm nổi lên thì liên tục khuấy đến khi mắm dẻo không nổi lên nữa mới thôi. Để mắm ngon nhất, chín và chuyển sang vị ngọt, ánh tím, thông thường phải ủ, phơi nắng trong 1 tháng, có nơi ủ dòng trong 3 tháng” - chị Hoàng Thị Hương (thôn Ngọc Nam), hộ giàu kinh nghiệm làm mắm chia sẻ.
Điểm khác biệt với nhiều nơi là mắm tép ở Ngọc Vừng ngày nay vẫn được chế biến theo phương pháp chứa trong ang, chum sành truyền thống; lựa loại muối tốt nhất ở Cát Bà có độ mặn cao, lại không chát... Với cách làm này tuy sản lượng không cao nhưng lại giúp mắm được ướp nhuyễn, chín đều.
Nhờ quy trình chặt chẽ, mắm tép Ngọc Vừng là hỗn hợp sánh quện cái nắng, gió và con tép tươi; có màu sắc bắt mắt, mùi vị đặc trưng so với mắm ở các địa phương khác như: Hải Phòng, Thanh Hóa... Ngoài ra, từ mắm tép, người dân địa phương còn sáng tạo, ướp dài tới 6 tháng để mắm ngấu, chắt ra thành các sản phẩm mắm chắt độ đạm cao. Mắm chắt từ tép muối có vị thơm, sánh, trở thành thứ đặc sản tuyệt ngon, không dễ mua được.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Phát huy thế mạnh này, HTX đang quan tâm đầu tư máy móc, nghiên cứu thiết kế bao bì, nhãn mác hợp quy chuẩn, đảm bảo VSATTP... để đưa ra thị trường một sản phẩm thơm ngon đạt tiêu chuẩn mang thương hiệu Mắm tép Ngọc Vừng. Hiện HTX và Hội Nông dân xã đang phối hợp xây dựng sản phẩm, thương hiệu, dự kiến hoàn thiện sản phẩm trong tháng 6 tới.
Hàng năm, sản lượng mắm tép của HTX đạt từ 30-50 tấn, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, bán vào các nhà hàng hoặc bán cho nhiều người đặt mua xuất khẩu...
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()