Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:39 (GMT +7)
Mạnh tay xử lý tài xế chống đối khi vi phạm giao thông
Thứ 3, 27/07/2021 | 09:21:35 [GMT +7] A A
Tình trạng các lái xe, chủ xe liên hệ, thông báo với nhau để đối phó, né tránh chốt kiểm soát của lực lượng chức năng khá phổ biến.
Gần đây, khi ra quân xử lý phương tiện vận tải quá khổ, quá tải, lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) đường bộ vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của nhiều tài xế. Không chỉ là “chây ỳ”, tìm cách né tránh xử lý vi phạm, các tài xế còn có hành vi điều khiển phương tiện bỏ chạy, gây nguy cơ TNGT rất cao.
Tài xế, chủ xe “làm trò” né xử lý vi phạm
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên các tuyến đường dẫn hầm đường bộ phía Nam hầm Hải Vân - Túy Loan, QL1 ở Đà Nẵng thời gian gần đây, khi bị kiểm tra, xử lý, hàng loạt tài xế có hành vi né tránh, chây ỳ. Thậm chí, nhiều người còn chống đối, điều khiển phương tiện bỏ chạy.
Tại Km 26+600 đường dẫn hầm đường bộ phía Nam hầm Hải Vân - Túy Loan, đoạn qua xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vào cuối tháng 6/2021, lực lượng Thanh tra đường bộ Cục QLĐB III phát hiện xe ben chở vật liệu xây dựng BKS 43C - 148.95 đang di chuyển hướng Bắc - Nam có dấu hiệu vi phạm và ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra.
“ Hiện nay, quy định của pháp luật đối với những hành vi chống đối, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng tương đối đầy đủ. Đây là nhóm hành vi coi thường, thậm chí thách thức pháp luật, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không lường trước được cho chính người vi phạm và những người tham gia giao thông khác. Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật để có mức xử phạt nghiêm khắc và tương xứng hơn. Đối với những người tái phạm nghiêm trọng nhiều lần, cần xem xét những chế tài xử lý nghiêm khắc để bảo vệ cộng đồng. ” |
Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển vào khu vực cân tải trọng xe, tài xế xe ben này bất ngờ bẻ lái, vù ga, quay đầu xe bỏ chạy, không hợp tác xử lý vi phạm.
Hành vi quay đầu xe bỏ chạy của tài xế xe ben này gây ra tình huống rất nguy hiểm, khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát phương tiện và trên tuyến nhiều phương tiện giao thông đang lưu thông qua lại, gây nguy cơ TNGT.
Tại vị trí cây xăng Hòa Hiệp, tuyến đường Trường Chinh (QL1) qua địa phận xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Thanh tra đường bộ cũng phát hiện xe ben BKS 43C - 224.26 chở đá xây dựng có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng, che chắn không đảm bảo vệ sinh môi trường và ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Tuy nhiên, sau khi dừng phương tiện, tài xế xe ben này đóng chặt cửa xe, rời khỏi hiện trường, bất hợp tác với lực lượng chức năng.
Tương tự, trước đó tại Km 26+100, tuyến đường dẫn phía Nam hầm đường bộ Hải Vân - Túy Loan, lực lượng Thanh tra đường bộ liên tiếp phát hiện các xe tải BKS: 92C - 138.70, 92C - 160.01, 75C - 098.12 và xe đầu kéo BKS 75H - 001.81 kéo rơ-moóc mang BKS 75R - 006.32 đang lưu thông từ hướng Quảng Nam ra Thừa Thiên - Huế có dấu hiệu, hành vi vi phạm giao thông và ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra, cân tải trọng xe.
Tuy nhiên, các lái xe đều khóa cửa xe, rời khỏi hiện trường, “chây ỳ” thực hiện yêu cầu đưa xe lên cân tải trọng kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Nói về hành động quay đầu xe bỏ chạy, tài xế Phạm H. điều khiển xe ben BKS 43C - 148.95 (thuộc Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Trang, địa chỉ Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lý giải là do sợ bị xử phạt, trong khi hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.
Trong khi đó, đa phần các chủ xe cho rằng, với lỗi vi phạm quá khổ, quá tải thường bị xử phạt với số tiền lớn, trên dưới 100 triệu đồng. Cùng với đó là tài xế bị tước GPLX trong nhiều tháng nên cả lái xe, chủ xe thường tìm cách né tránh xử phạt khi bị phát hiện vi phạm.
Cần mạnh tay xử lý
Theo ông Tán Hoàng Trưng, Chi Cục trưởng Chi Cục QLĐB III.1 (Cục QLĐB III), thời gian qua, việc kiểm soát, xử lý xe quá tải trên các tuyến đường gặp không ít khó khăn.
Tình trạng các lái xe, chủ xe liên hệ, thông báo với nhau để đối phó, né tránh chốt kiểm soát của lực lượng chức năng khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, có hành vi chống đối lực lượng chức năng.
Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN), đối với các trường hợp tài xế không chấp hành kiểm tra tải trọng xe, có hành vi chống đối, bất hợp tác như quay đầu xe bỏ chạy, không phối hợp với lực lượng chức năng, đơn vị sẽ xác minh và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục QLĐB III sẽ có văn bản thông báo và đề nghị đơn vị quản lý phương tiện đến làm việc. Sau đó, tùy vào mức độ hành vi vi phạm sẽ có văn bản đề nghị đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan, Sở GTVT địa phương xem xét xử lý, thu hồi phù hiệu, tước phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải...
Đồng thời, thông báo trên hệ thống đăng kiểm từng trường hợp cụ thể, để hệ thống đăng kiểm có thông tin cảnh báo đến đơn vị quản lý phương tiện, chủ xe.
Luật sư Duyên Trần, Công ty Luật Hợp danh FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho hay, thời gian gần đây, không khó bắt gặp trường hợp người tham gia giao thông có các hành vi chống đối khi có hiệu lệnh của lực lượng TTGT, CSGT. Các hành vi này đang diễn biến khá phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau.
Không đơn thuần là hành vi không hợp tác khi có tín hiệu của lực lượng chức năng như bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe, đóng cửa xe không hợp tác, không xuất trình các giấy tờ xe, rời bỏ hiện trường, không đưa xe lên cân để kiểm tra tải trọng… mà còn là các hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Theo luật sư Duyên Trần, so với Nghị định 46, Nghị định 100 đã tăng nặng hơn mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Ngoài ra, trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 hoặc Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()