Những nội dung như "thần chú giúp con hết bướng bỉnh", "tuyệt chiêu giúp con tự giác học bài", "kiểm soát cơn tức giận" nói đúng những gì Hoàng Oanh, ở Sơn Tây, Hà Nội đang gặp với cậu con trai 10 tuổi của mình. Gần đây cậu bé có xu hướng chống đối mẹ.
"Vì những kiến thức đã nhận được nên khi họ mời đăng ký khóa học 500.000 đồng tôi cũng tham gia coi như cảm ơn", người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ.
Từ khi đóng phí, chị được đưa vào một phòng zoom, hàng ngày vào các ca sáng, trưa và tối đều có những học viên chia sẻ thay đổi của bản thân. Oanh bị thuyết phục và chi tiền nhiều hơn sau khi nghe chia sẻ của một học viên là thợ may tự kể là "trước đây ăn nói thô kệch, sau một năm học như thành con người khác".
Cùng sự chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên và thủ thuật thao túng tâm lý như "số lượng có hạn", "đăng ký ngay được giảm 50%" khiến chị Oanh liên tục đăng ký các khóa học khác với học phí tăng dần lên 1,5 triệu đồng, 8 triệu đồng, 220 triệu và 270 triệu đồng.
Sự việc chỉ dừng lại khi anh Thanh, chồng chị Oanh phát hiện vợ vay nợ khắp nơi. "Ban đầu tôi cứ nghĩ vợ đi học nuôi dạy con và quan hệ vợ chồng nên ủng hộ, nhưng các khóa sau này biến tướng sang học làm giàu", anh Thanh cho hay.
Người chồng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn và thấy rất nhiều người khác cũng chi số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để học như vợ anh. Tiền mất mà sự thay đổi chưa thấy đâu, nhiều nhà vợ chồng lục đục, bỏ nhau.
Hai tháng nay anh phải bớt việc, ở nhà nhiều hơn để giám sát và trấn an vợ, kiểm soát tài chính và liên hệ người thân quen không cho chị vay tiền. "Tôi phải dọa sẽ thông báo với ông bà ngoại về khoản 500 triệu đồng học phí mà không có sự đồng ý tôi, lúc này cô ấy sợ mới dừng học", anh chia sẻ.
Ở Kon Tum, Khánh Ngân, 31 tuổi, đã tham gia nhiều khóa nuôi dạy con kể từ khi mang thai 6 năm trước. Thời điểm dịch Covid-19, khi sinh con thứ hai chị học nhiều nhất. Lúc này con gái đầu có biểu hiện như trầm cảm, thường xuyên khóc lóc vì nghĩ cha mẹ không yêu mình nữa. Ngân luôn yêu thương và chăm sóc nên không lý giải được tại sao cô bé lại không thương em và hiểu cho cha mẹ.
Trong số cả chục khóa đã học, Ngân cho biết những khóa tốt, không chỉ giúp cô thay đổi tư duy, được chữa lành, còn cho các kiến thức áp dụng vào dạy con. Nhưng có khóa đúng kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".
Điển hình một khóa năm 2021 theo một người tự xưng "giảng viên NLP" (Neuro-Linguistic Programming: lập trình ngôn ngữ tư duy). Ban đầu Ngân nghe buổi vài miễn phí, chỉ khơi lên các vấn đề và nỗi đau, không cho giải pháp. "Tôi muốn dứt điểm nên đã đăng ký một khóa học NLP để được chữa lành và dạy con với chi phí 50 triệu đồng", Khánh Ngân, chủ một cửa hàng thuốc thú y chia sẻ.
Sau ba tháng học, kết quả nhận lại không như mong muốn nên Ngân thắc mắc thì được chất vấn "Có làm đủ bài tập thực hành không?". Họ tiếp tục gợi ý đăng ký các khóa học mới.
Lúc này cô cũng nhận ra các dấu hiệu họ "làm vì tiền". Cô cũng biết được không ít người đã bán đất, vay ngân hàng để học, đến khi nhận ra mình bị lừa thì khóc lóc, van nài đòi lại tiền mà không được.
Tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM cho biết đã nghe nhiều về các khóa nuôi dạy con "quảng cáo trên trời, chất lượng dưới đất" này qua các phụ huynh.
Có một người mẹ tìm đến bà Thúy sau khi học một khóa 100 triệu đồng với quảng cáo "cam kết bảo hành trọn đời" mà không có kết quả. "Mỗi một đứa trẻ là một cá thể khác nhau, thậm chí mỗi giai đoạn mỗi khác nên không có một công thức chung nào, nhưng họ lại cam kết bảo hành trọn đời mà nhiều phụ huynh vẫn tin theo", chuyên gia chia sẻ.
Nuôi dạy con trong xã hội ngày nay đặt cha mẹ vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Trong một nghiên cứu năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu Pew với gần 3.000 phụ huynh Mỹ, 2/3 cho biết nuôi dạy con khó hơn họ nghĩ và 1/3 nói khó khăn hơn rất nhiều so với mong đợi. Họ phải dành nhiều thời gian và tiền bạc cho con cái hơn thế hệ trước và áp lực nặng nề khi phải liên tục giảng dạy và tương tác với con.
Kỷ nguyên công nghệ, đại dịch, bạo lực và bắt nạt cũng góp phần khiến việc làm cha mẹ khó hơn.
"Có cầu ắt có cung nên chục năm trở lại đây, đặc biệt trong và sau Covid-19 bùng nổ các khóa học dạy con. Nở rộ là tốt, chỉ nguy hiểm là có những nơi kém chất lượng, treo đầu dê bán thịt chó, kiếm tiền trên nỗi đau và nỗi sợ của người khác", bà Thúy nói.
Theo phó giáo sư Trần Thành Nam, hiệu phó trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, các khóa học nuôi dạy con đang là một thị trường kinh doanh béo bở. Có nhiều người tham gia một khóa học, đọc một số cuốn sách đã tự xưng chuyên gia, mở lớp để dạy người khác.
Những người không có trình độ đi dạy giống như giáo viên lên lớp dùng bằng giả. Khi thiếu kiến thức, dạy sai, đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, có thể gây ra tổn thương sức khỏe tinh thần cho trẻ. Chưa kể họ tận dụng các khóa này để tận thu, khiến các bố mẹ này không dứt ra được dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Ở một khía cạnh nào đấy, nhiều vụ việc đã trở thành hành vi lừa đảo, phạm pháp.
"Đang có lỗ hổng về mặt quản lý, chúng ta cần có cơ chế quản lý chặt hơn, đặc biệt là thị trường liên quan đến giáo dục về các chủ đề liên tục, học tập suốt đời để đảm bảo không gây hại cho cộng đồng", ông Nam nói.
Bà Thúy khuyên các phụ huynh muốn đi học cần phải tìm hiểu khóa đó ai dạy, họ có chuyên môn liên quan đến nội dung dạy không, có bao nhiêu năm kinh nghiệm thực tiễn, thậm chí tìm hiểu cả vợ chồng, con cái người dạy.
Tiếp theo cần tìm hiểu thông tin khóa học có đúng không. Nhiều chương trình áp dụng mô hình đa cấp nên có thể chính những người xung quanh là cò mồi, chân rết của nhóm này. Cần phải tìm hiểu thông tin đa dạng, có cả đánh giá tốt xấu, đồng thời nên đọc thông tin trên các nguồn đáng tin cậy. Mỗi người cần phải rèn tư duy phản biện trong thời đại này.
"Nuôi dạy con là một quá trình không có chuyện ăn xổi. Những cách trị cho con hết bướng, nghe lời răm rắp có thể chỉ là chiêu thức tạm thời, không giải quyết được vấn đề vốn cần kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ, có trường hợp cần trị liệu tâm lý chuyên sâu chứ không thể giải quyết bằng vài bí quyết, lời khuyên chung chung cho mọi cha mẹ được", tiến sĩ Thúy nói.
Cũng đầu tư vào học nuôi dạy trẻ, Thu Hồng, người sáng lập một trung tâm tiếng Anh ở TP HCM cho biết các khóa học giúp cô hiểu tâm lý các độ tuổi, cách trò chuyện và đồng hành với các bé, nhờ đó giúp học sinh đam mê học tập, phụ huynh tin theo lâu.
"Nhưng đi học nuôi dạy trẻ cần phải tỉnh táo. Rất nhiều khóa hiện nay biến tướng theo mô hình đa cấp, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia", Hồng nói.
Cô từng tham gia một khóa học hai ngày, chi phí chục triệu đồng của một người tự xưng "kỷ lục gia thế giới, chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về huấn luyện cha mẹ chuyển đổi và nuôi dạy con trẻ thành công". Vào học cô thấy nội dung chủ yếu nằm trong các cuốn sách nuôi dạy con của nước ngoài. Nhóm của người này có một đội ngũ hỗ trợ cực mạnh, cuối buổi học họ thúc ép học viên một cách dồn dập khiến bạn cảm thấy ngại nếu không đăng ký khóa tiếp theo 200 triệu đồng.
Hồng nói không có có tiền, họ lại hối thúc "em hãy chứng minh mình không trì hoãn, em làm được", những ngày sau liên tục gọi điện mời mọc. "May mắn tôi biết kiểm soát, chứ không lại bể nợ", cô chia sẻ.
Với chị Oanh, thời điểm cuối năm nay khó khăn hơn mọi năm do không có tiền tiếp tục kinh doanh, khoản nợ vay đi học cũng chưa biết lúc nào trả được. Nhiều khi chị tự dằn vặt mình nhẹ dạ cả tin vào lời họ.
"Giờ tôi đã biết không có chuyện bỏ vài trăm triệu ra học ba cái thứ linh tinh đấy là lột xác, đổi đời được", bà mẹ ba con nói.
Ý kiến ()