Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 01:18 (GMT +7)
Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Liêu: Tích cực gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống
Chủ nhật, 17/09/2023 | 10:23:34 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bình Liêu đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xoá bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội địa phương trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống.
Xác định rõ vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vì vậy, cùng với sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, huyện, các cấp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thống nhất các nội dung tuyên truyền cho nhân dân, hội viên, đoàn viên gắn với hình thành, duy trì các mô hình bảo tồn, gìn giữ văn hóa cụ thể phù hợp với từng đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ.
Với tinh thần xung kích, tiên phong, các cấp bộ Đoàn huyện Bình Liêu đã tích cực triển khai nhiều mô hình, hoạt động vừa định hướng, tạo điều kiện cho thanh niên được tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, vừa phát huy sức sáng tạo trong tham gia bảo tồn văn hóa. Huyện Đoàn Bình Liêu đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, trường học tuyên truyền cho đoàn viên, thanh thiếu nhi về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thông qua tổ chức các chương trình ngoại khóa tham quan, tìm hiểu thực tế tại các bản văn hóa người Tày (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao (xã Đồng Văn)...
Các cơ sở Đoàn còn huy động đoàn viên thanh niên tham gia đội văn nghệ tại các thôn, khu phố, thường xuyên tập luyện các điệu múa, làn điệu dân ca, tái hiện các nghi lễ truyền thống, tham gia phục vụ các dịp lễ hội của địa phương như Lễ hội đình Lục Nà, Ngày Kiêng gió, Hội Soóng Cọ và đi biểu diễn, giao lưu tại các sự kiện văn hóa của tỉnh.
Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã chủ động vận động hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa từ chính trong sinh hoạt gia đình cho đến cộng đồng thông qua hoạt động thêu dệt, may mặc, nấu ăn đến cưới xin, ma chay, lễ hội...
Đồng chí Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Liêu, cho biết: Cùng với thành lập và duy trì các CLB hát then - đàn tính của phụ nữ Tày, CLB thêu thổ cẩm của phụ nữ Dao, CLB bóng đá nữ, hát Soóng Cọ của phụ nữ Sán Chỉ, các cấp Hội Phụ nữ địa phương cũng vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn làm dịch vụ du lịch cộng đồng thông qua việc xây dựng, kinh doanh các homestay. Tại homestay này, chính các hội viên, phụ nữ trở thành hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đến du khách về văn hóa, trang phục, ẩm thực truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tham mưu UBND huyện lần đầu tiên tổ chức hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất”. Từ đây, góp phần lan tỏa, nhân lên tình yêu, sự trân trọng của mỗi người dân, đặc biệt là các hội viên phụ nữ, với trang phục dân tộc nói riêng, văn hóa truyền thống quê hương nói chung.
Để tiếp tục góp phần xây dựng nền văn hóa bản sắc riêng có của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong những năm tiếp theo, huyện Bình Liêu đã xây dựng đề án “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ tập tục; tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2023-2025” để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bà Hoàng Thị Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Liêu, cho biết: Các nội dung đề án do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tham mưu xây dựng trên cơ sở khảo sát tình hình thực tế, kết quả triển khai vận động nhân dân xoá bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu tại địa phương thời gian qua. Mục tiêu của đề án từ nay đến năm 2025, huyện sẽ triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động xây dựng 100% gia đình đoàn viên, hội viên có lối sống văn minh, thực hiện tốt các phong trào thi đua tại thôn, bản, khu phố; mỗi thôn, bản, khu phố xây dựng mẫu 80% hộ gia đình hội viên, đoàn viên, 40% dòng họ là điển hình trong việc thực hiện cải tạo, xoá bỏ tập tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu. Mỗi xã, thị trấn xây dựng 60% thôn, bản, khu phố thực hiện điểm các nội dung của đề án... Qua đó, góp phần làm tốt hơn công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()