Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:48 (GMT +7)
Mê tín tràn vào lễ hội
Thứ 6, 03/02/2023 | 15:12:55 [GMT +7] A A
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về lễ hội. Ông trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh những lát cắt về sự bất cập, biến tướng và cả những giá trị tích cực lễ hội đem lại cho đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.
- Sau ba năm tạm dừng do dịch bệnh, các lễ hội bùng nổ trở lại. Ông có cảm nhận thế nào về không khí lễ hội đầu xuân Quý Mão?
- Tôi nhận được thư mời của nhiều ban tổ chức lễ hội khác nhau, sắp sửa ba lô về với bà con, bè bạn, anh em, những người đã sát cánh cùng tôi trong việc phục dựng lễ hội cũ, thực hành lễ hội mới mà tôi là tác giả và đạo diễn cách đây 7 năm. Thật là hào hứng!
Đầu tiên là chuẩn bị một tâm thức đi hội. Đến đó, mình góp phần làm cho lễ hội tốt lên trong sự trân trọng con người với con người, con người với của “hồi môn tinh thần” là các di sản mà ông bà đã chắt bóp để lại. Đến đó để biết cảnh đời và có thể giúp đỡ một ai đó khó khăn hơn mình, dù là không nhiều. Đến đó để biết đời mình trăm năm là phù vân, giá trị lễ hội ngàn năm vẫn chảy trong huyết quản văn hóa quốc gia - dân tộc. Đến đó để chiêm nghiệm rằng, văn hóa Việt Nam sẽ không đứt rễ và “xô giạt văn hóa”.
- Nhắc tới lễ hội nhiều người tỏ ra không vui, cho rằng việc phục dựng nhiều lễ hội là sai lầm vì hiện tượng thương mại hóa lễ hội tràn lan. Là nhà nghiên cứu dân gian, quan điểm của ông thế nào về tinh thần tổ chức các lễ hội hiện nay?
- Giữa hệ giá trị lễ hội và việc thương mại hóa một cách tiêu cực lễ hội là hai điều khác nhau. Quả thật, chúng tôi từng quan tâm đến hiện tượng những nhóm lợi ích chung lưng đấu cật dựng nên không gian tín ngưỡng và tôn giáo, chạy di tích văn hóa lịch sử, mở mùa lễ hội và kinh doanh “buôn Thần bán Phật”. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc nhân lễ hội để đấu thầu, “chặt chém” khách đi hội khiến cho chuyện “vui như trẩy hội” trở thành “bực như đi hội”.
Trong cuộc chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tư tưởng con người cũng biến đổi theo. Cả tốt lẫn xấu đều ào ạt, xô bồ. Điều này đang được pháp luật, dư luận xã hội và đạo đức con người từng bước điều chỉnh. Nhưng chắc chắn không vì thế mà ai đó cho rằng “phục dựng nhiều lễ hội là sai lầm”.
Lễ hội truyền thống có cả một hệ giá trị đáng quý rất cần bảo tồn, phát huy, phát triển như: cảm hứng hướng nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tinh thần đồng thuận cộng đồng, động thái trình diễn tổng hợp (đám rước, nghi lễ, trò diễn, dân ca, sân khấu, trang trí, triển lãm, ẩm thực, giao tiếp, lễ nghĩa), tinh thần khẳng định cá nhân và nhu cầu hạnh phúc được khẳng định và tôn trọng, mở rộng quan hệ xã hội qua giao tiếp đón khách, sự nghỉ ngơi vui chơi sau thời gian gắng gỏi làm ăn, khơi dậy những mong cầu, kỳ vọng trong tương lai, sự hưởng thụ toàn dân những trình diễn nghệ thuật... Vấn đề ở đây là tổ chức lễ hội thế nào chứ không nằm ở chỗ “phục dựng nhiều lễ hội”.
- Dường như hiện tượng thương mại hóa lễ hội ngày càng phổ biến, nhiều nơi biến lễ hội thành nơi trục lợi, cầu xin, cúng lễ tràn lan, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Trong nhiều điều bất cập của lễ hội có tệ mê tín. Lễ hội cũng là một phương thức phản ánh cuộc sống. Trong sự tích hợp nhiều thành phần hoạt động khác nhau của cuộc sống, những tiêu cực cũng được phản ánh vào đó. Giữa tín ngưỡng và mê tín không phải bao giờ ranh giới cũng mạch lạc.
Mê tín tràn vào lễ hội - một không gian giàu tín ngưỡng, khó quản lý vì quá đông đảo và quá nhiều hoạt động khác nhau: bói toán, xem tướng, xin xăm, xóc thẻ, cướp lộc... Có những lễ hội, nhiều người tổ chức các hoạt động mê tín như cắt tiền duyên, cắt vong và thu tiền rất cao, rõ ràng đó là hoạt động “buôn Thần bán Phật” cần bài trừ. Không thể lấy cái cớ là vì người dân có nhu cầu nên “phục vụ”. Luật pháp Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng bài trừ mê tín.
Không bớt số lượng, chỉ nên chỉnh quy mô Trước ý kiến về việc có nên bớt số lượng lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao đổi với PV Tiền Phong rằng, các địa phương phải thực hiện chức năng kiểm kê, phân cấp quản lý lễ hội theo Nghị định 110 về tổ chức, quản lý lễ hội. “Chúng ta chỉ nên xem xét thay đổi quy mô, hình thức tổ chức phần hội trong lễ hội để phù hợp với thực tiễn địa phương. Các giá trị văn hóa phải bảo tồn và phát huy”, bà Ninh Thị Thu Hương nói. |
- Một số lễ hội kéo dài 3 tháng liệu có còn phù hợp với nhịp sống đương đại? Có nên đặt vấn đề “co ngắn” lễ hội lại thay vì để diễn ra miên man suốt nhiều tháng không, thưa ông?
- Lễ hội được kéo dài 3 tháng chính là mùa đi lễ chùa Hương, Yên Tử... Gọi là mùa đi lễ chùa Hương thì đúng hơn. Ở đây dùng khái niệm “lễ hội” là dùng với nghĩa một từ vựng mở rộng.
Chúng ta tưởng tượng, so với trước 1945, dân số hiện nay tăng hơn 4 lần, điều kiện giao thông tiện lợi hơn 10 lần. Nếu tất cả dồn vào thời gian đi lễ là ba ngày hoặc một tuần thì chắc chắn không gian không chứa đủ, phương tiện sẽ tắc nghẽn, tình hình sẽ lộn xộn vì quá tải.
Có điều chắc chắn là không có ai trong ba tháng đó, đi lễ cả mươi ngày. Người ta đi một lần còn về làm ăn buôn bán chứ. Nói con số ba tháng kể cũng hãi thật, nhưng người ta chỉ đi một đợt vài ngày thôi. Nhưng với 3 tháng, tổng lượng người đi rất lớn, chắc phải ngang với những đợt hồi hương vĩ đại của tín đồ Hồi giáo.
- Lễ hội với đại đa số người Việt vẫn là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng. Tuy nhiên sau bao nhiêu năm, các lễ hội vẫn còn bất cập, hình ảnh chưa đẹp. Làm thế nào để có một mùa lễ hội văn minh và phù hợp với bối cảnh hiện nay?
- Về những bất cập trong các lễ hội rất nhiều: đông đúc chen lấn, cờ bạc, rượu chè, ách tắc giao thông, an ninh lộn xộn, bạo lực bởi tranh giành cướp lộc, nạn chặt chém các dịch vụ, cá độ ăn tiền, mê tín dị đoan, hành động phản cảm... Qua một thời gian, chính quyền và ban tổ chức lễ hội từng bước chấn chỉnh và đỡ dần.
Chúng ta hướng đến một lễ hội thành tâm, an toàn, văn minh, vui vẻ, hòa nhã, lịch sự, kính trọng thần thánh, tôn trọng con người. Tuy nhiên, không thể ảo tưởng tất cả người tham gia lễ hội được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng, một cõi thần tiên. “Đông như hội” mỗi người một kiểu, mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi kỳ vọng, mỗi ứng xử khác nhau.
Lễ hội cổ truyền là một loại di sản văn hóa, tổ chức UNESCO có những quy định rất đúng đắn, đó là sự quan hệ biện chứng giữa 4 nhiệm vụ: Thấu hiểu - bảo tồn - phát huy - quảng bá. Tiên quyết là sự thấu hiểu, bởi có thấu hiểu thì mới chỉ ra được cốt lõi, ý nghĩa và giá trị của lễ hội... Để làm được các nhiệm vụ đó, cần ở thiết chế những định hướng, kế hoạch cụ thể và những con người thực thi có năng lực, có sự tận tụy và hiệu quả trong công việc.
Cảm ơn ông!
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()