Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:55 (GMT +7)
Mẹo tránh tắc đường khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023
Thứ 2, 02/01/2023 | 09:12:50 [GMT +7] A A
Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn lái xe an toàn, giảm thiểu thời gian "chôn chân" giữa hàng dài xe cộ trên đường quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch
Bằng cách lên kế hoạch trước cho hành trình của mình và lựa chọn thời gian thích hợp, bạn có thể tránh được hầu hết các trường hợp ùn tắc giao thông nghiêm trọng sau khi trở lại thành phố. Nếu chưa có kinh nghiệm hãy tham khảo một số mẹo tránh tắc đường dưới đây để giúp cho quãng đường di chuyển thuận lợi hơn.
Lên lộ trình thích hợp
Chọn lộ trình thích hợp là điều rất quan trọng khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023. Thông thường, sẽ có nhiều tuyến đường để ra/vào thành phố mà bạn có thể đi, không nhất thiết phải là trục đường chính. Bạn có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc liên tục nhằm lựa chọn cung đường hợp lý nhất trước khi xuất phát.
Cân nhắc thời điểm xuất phát
Tâm lý thông thường của nhiều gia đình là muốn hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ lễ, do đó hầu hết đều trở lại vào ngày nghỉ cuối cùng. Lượng phương tiện ô tô, xe máy quá lớn cùng đổ về thành phố trong một thời điểm sẽ khiến các cửa ngõ kẹt cứng.
Nếu không có việc gì quá cấp thiết, bạn nên thay đổi thời điểm xuất phát để chuyến đi được “dễ thở” hơn. Có thể căn giờ trở lại thành phố vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn để tránh các khung giờ cao điểm (thường là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều). Nếu có thể, hãy tránh lái xe trong thời gian này. Việc sắp xếp thời gian trở lại thành phố sớm hơn hoặc muộn hơn giờ cao điểm 2-3 tiếng là mẹo tránh tắc đường hữu hiệu.
Vạch ra các tuyến đường thay thế
Bạn cần đảm bảo rằng mình có ít nhất một tuyến đường thay thế nếu tắc đường xảy ra. Nếu không thể tránh được việc trễ giờ trong giờ cao điểm, thì các tuyến đường thay thế là hy vọng duy nhất của bạn.
Trước khi bạn đi, hãy tìm kiếm một số tuyến đường, bao gồm tuyến đường nhanh nhất, ngắn nhất và các tuyến đường thay thế có thể đưa bạn xuống các con đường phụ. Bạn có thể thực hiện một trong những lựa chọn thay thế nếu dự kiến bị tắc đường, giúp tiết kiệm thời gian và giảm căng thẳng.
Các tuyến đường thay thế có xu hướng ít tắc nghẽn hơn, nhưng thường sẽ xa và đi lâu hơn một chút. Tuy nhiên, điều đó sẽ không đáng kể so với việc bị "chôn chân" ở giữa đường, điều thường xảy ra sau các kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, nên tránh chọn các lối đường tắt, đường ngoằn ngoèo vì thực tế vào những dịp nghỉ lễ hoặc giờ cao điểm, đường tắt qua các ngõ lại thường bị ùn ứ lâu hơn cả những con đường chính.
Sử dụng GPS và các ứng dụng giao thông để cập nhật tình trạng giao thông
Nhiều hệ thống GPS được tích hợp chức năng giám sát lưu lượng giao thông, thông báo cho bạn khi một tuyến đường bị tắc. Một số ứng dụng thậm chí có thể tự động thay đổi tuyến đường của bạn sang một tuyến khác phù hợp hơn.
Ngoài ra, các công cụ điều hướng được tích hợp trong hầu hết điện thoại thông minh cũng có khả năng phát hiện vấn đề giao thông, giống như thiết bị GPS giúp bạn dễ dàng theo dõi các tuyến đường và dễ dàng đưa ra lựa chọn tuyến đường phù hợp trong quá trình di chuyển.
Nghe radio giao thông trong quá trình di chuyển cũng là một mẹo tránh tắc đường hiệu quả. Nó giúp bạn cập nhật nhanh các thông tin về tuyến đường đang ùn tắc hoặc tai nạn xảy ra. Bạn có thể nhanh chóng loại bỏ các tuyến đó nếu không muốn bị giữ chân lâu hơn ở trên đường.
Đảm bảo phương tiện luôn trong tình trạng tốt nhất
Tình trạng nhiều xe cùng đổ dồn về các tuyến đường cửa ngõ gây ra tắc nghẽn có thể khiến chiếc xe của bạn bị nóng máy, thậm chí chết máy giữa đường. Nếu tình huống này xảy ra, bạn sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để chờ máy nguội và tìm cách khắc phục, và khiến tình hình ùn tắc giao thông càng trở nên phức tạp hơn.
Do vậy, hãy dành một chút thời gian kiểm tra kỹ các chi tiết trên xe trước khi khởi hành để đảm bảo chuyến đi luôn an toàn và không bị trì hoãn.
Không biến mình thành nhân tố gây tắc đường
Khi xảy ra tắc đường, khoảng cách giữa các xe thường bị thu hẹp lại. Trong khi di chuyển, xe phía trước có thể phanh gấp bất cứ lúc nào mà nếu không chú ý, bạn rất dễ đâm vào. Khi đó, lỗi sai hoàn toàn thuộc về bạn do không giữ khoảng cách an toàn.
Vì vậy, bạn nên di chuyển chậm rãi tuỳ vào tình trạng giao thông và cần hạn chế tối đa việc phanh gấp vì sẽ khiến xe phía sau đâm phải, rất mất thời gian để giải quyết.
Và một thói xấu mà nhiều lái xe mắc phải khi đường đông là đi kiểu “điền vào chỗ trống”; hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn sang, tạt đầu xe phía sau để ngoi lên trước. Trên thực tế không hiếm gặp trường hợp ô tô đi cả vào làn khẩn cấp hoặc vào phần đường dành cho xe máy.
Nếu chỉ vì nóng vội mà chuyển làn, tạt đầu các xe khác, bạn sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng và tăng nguy cơ va chạm. Lúc đó, bạn phải mất thêm thời gian để giải quyết.
Để tránh tình trạng tắc đường, hãy cố gắng đi đúng làn và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tuân thủ tuyệt đối sự điều tiết, phân luồng của các lực lượng chức năng. Không nhập làn đột ngột vì sẽ làm chậm toàn bộ luồng giao thông.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()