Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:21 (GMT +7)
Mô hình của đặc khu kinh tế
Thứ 5, 20/03/2014 | 14:25:15 [GMT +7] A A
Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ đề thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế- Kinh nghiệm và cơ hội được các nhà khoa học, các diễn giả quốc tế và trong nước tập trung thảo luận, trao đổi là xây dựng mô hình của đặc khu kinh tế- kinh nghiệm của các quốc gia đi trước; những thách thức phải đối mặt khi phát triển mô hình đặc khu kinh tế; cơ hội của Quảng Ninh khi tiếp cận với mô hình đặc khu kinh tế…
Theo GS Trang Tông Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới, Trường đại học Hạ Môn (Trung Quốc) thì Trung Quốc cũng đã có những quá trình phát triển các đặc khu kinh tế khá lâu dài. Trong quá trình này, không phải mô hình nào cũng thành công. Những đặc khu thành công là những đặc khu có thể chế, chính sách phù hợp với những yếu tố xu thế đầu tư. Ông Trang Tông Minh cho rằng, kinh nghiệm đặc khu của Trung Quốc chính là lấy sáng tạo để thúc đẩy cải cách. Khi mô hình có tác dụng lớn thì mới nhân rộng ra các mô hình khác. Mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc ban đầu mở rộng tại các địa bàn ven biển, sau đó đến ven sông và bây giờ là đến các vùng đồng bằng- có thể nói là sự cải cách rất toàn diện. Đến năm 2011, cả Trung Quốc đã có 10 khu thử nghiệm cải cách kinh tế đồng bộ. Hiện Trung Quốc đang tính đến việc xây dựng thí điểm tự do mậu dịch- đặc khu kiểu mới của Trung Quốc.
Các diễn giả, nhà khoa học tọa đàm về mô hình đặc khu kinh tế |
Bàn về vấn đề thu hút nhà đầu tư vào các khu kinh tế, bà Laura Stone, Tham tán Thương mại đại sứ quán Mỹ cho biết: Phần lớn các công ty đều rất lo lắng về hạ tầng tại các khu kinh tế. Vì nếu hạ tầng chưa hoàn thiện thì họ cũng không thể triển khai hoạt động. Điện cũng là vấn đề cần được coi trọng, tuy nhiên, nhiều nơi lại chưa được chú trọng thật sự. Nhà đầu tư cần đảm bảo có điện 24/24h. Cả vấn đề về nước, viễn thông cũng hết sức nên được lưu tâm. Đó là những điều kiện để doanh nghiệp tìm hiểu khi tham gia vào khu kinh tế. Đặc biệt là các công ty sản xuất tại Mỹ, đây là yếu tố hàng đầu. Các công ty đầu tư đều mong muốn có được sự minh bạch trong đầu tư, họ muốn môi trường đặc khu cần thông thoáng, cởi mở và minh bạch về mặt chính sách.
Các diễn giả bàn về mô hình đặc khu kinh tế. |
Còn theo ông Jong Cheol Lee, Cao ủy Khu Kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc thì: Khu Kinh tế tự do Incheon, Hàn Quốc có nhiều ưu đãi, khuyến khích từ phía Chính phủ. Ngoài ra, có nguồn nhân lực dồi dào, có quỹ đất và từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu. Incheon kêu gọi nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng. Mô hình hợp tác này đã mang lại lợi ích rất tốt. Quảng Ninh muốn phát triển đặc khu kinh tế cũng phải tính toán rất kỹ đến các yếu tố này.
Cùng nội dung thảo luận, GS. Ravni Thakur, Đại học Delhni Ấn Độ cho biết: Ấn Độ có trên 580 khu vực KT tự do trên toàn quốc. Nhưng Ấn Độ lại không thành công trong việc xây dựng đặc khu KT theo hướng công nghiệp. Khu vực KT tự do vẫn chủ yếu dựa vào sự thành công trong phát triển CNTT. Ấn Độ rất muốn tạo ra nền tảng sản xuất tại các khu kinh tế. Phải có đam mê và tầm nhìn thì mới có thể chạm ngưỡng thành công khi phát triển các đặc khu kinh tế. Và Quảng Ninh cũng cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển ngành nghề nào phù hợp trong lộ trình phát triển đặc khu kinh tế.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các chuyên gia diễn giả tham dự cũng đã thảo luận một số nội dung về yếu tố xây dựng đặc khu kinh tế như: Những hỗ trợ của Chính phủ trong xây dựng đặc khu kinh tế, môi trường đặc khu kinh tế, minh bạch trong thu hút đầu tư; làm sao thu hút được nhân tài… Đáng chú ý, vấn đề thu hút nhân tài đã được các đại biểu thảo thuận khá sôi nổi. GS Trang Tông Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới, Trường đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho biết: Tại Hạ Môn đang thu hút nhân tài bằng cách nâng cao tài chính cho nhân tài, cùng với đó, tạo nền để gia đình của họ có những điều kiện tốt nhất.
Kết thúc phiên họp I, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Vai trò của đặc khu trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế cần phải được định hình rõ và xác định rõ tính cạnh tranh trong phát triển. Đơn cử như để có chính sách kêu gọi nhân tài về đặc khu, cần phải xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Muốn vậy, đặc khu cũng phải được vận dụng cơ chế đó. Tức là, đặc khu phải có được những “quyền tương đối” để thực thi. Về các vấn đề hạ tầng, chính sách kêu gọi đầu tư cũng cần phải tính toán kỹ để đưa vào đặc khu kinh tế…
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()