Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:17 (GMT +7)
Mở lối về cho người lầm lỗi
Thứ 7, 07/10/2023 | 07:54:02 [GMT +7] A A
Những người từng một thời lầm lỗi sau khi trở về với gia đình, cộng đồng, thường gặp không ít khó khăn trong quá trình làm lại cuộc đời. Thấu hiểu được điều đó, thời gian qua cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo, chung tay động viên, giúp đỡ những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm, phấn đấu trở thành công dân lương thiện, được cộng đồng, xã hội ghi nhận.
Thắp sáng niềm tin hướng thiện
Phần lớn những người lầm lỗi khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, không có việc làm và thu nhập. Một trong những giải pháp hết sức quan trọng giúp cho họ hòa nhập cộng đồng một cách bền vững là công tác đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm.
Ông Đoàn Văn Khởi, Bí thư Chi bộ khu 3, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của phường trong công tác quan tâm, hỗ trợ đối với người người lầm lỡ trên địa bàn quản lý, chúng tôi đã thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến người dân về việc tiếp nhận người lầm lỡ tại địa phương, để cùng chung tay giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, thăm hỏi, động viên người lầm lỡ phát huy nghị lực của bản thân, xóa bỏ tự ti, nhận sự chung tay, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng, từ đó ý thức được việc làm lại cuộc đời. Trên địa bàn, những năm qua cũng có một số người lầm lỡ, sau khi trở về cộng đồng đã luôn nhận được sự quan tâm, hỏi thăm, tạo điều kiện tìm việc làm. Nhiều trường hợp có ý chí vươn lên, đã có cuộc sống ổn định.
Để người lầm lỡ sớm tái hòa nhập cộng đồng, nhiều chính sách, mô hình đã được triển khai tại các địa phương, trở thành cầu nối giúp họ hoàn lương. Có thể kể đến như các mô hình: “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng”; CLB “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”; CLB “Bạn giúp bạn”; CLB “Thắp sáng niềm tin”... Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ những người hoàn lương an tâm lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm và phòng ngừa khả năng tái phạm là một trong những cách làm hiệu quả, nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về giúp đỡ đối với người lầm lỡ.
Tới nay, các địa phương trong tỉnh cũng đều xây dựng, duy trì các mô hình với những tiêu chí hoạt động cụ thể, có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Điển hình như, mô hình “Mở lối về cho người lầm lỗi” tại TP Uông Bí đã mang lại những kết quả tích cực. Mô hình được triển khai đến 10/10 xã, phường của thành phố. Từ khi triển khai đến nay, đã có 743 người lầm lỗi được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, trong đó có 242 trường hợp tiến bộ, được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, đủ điều kiện xóa án tích.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và người dân, nhiều cá nhân có quá khứ lầm lỗi đã cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, trở thành những điển hình về tái hòa nhập cộng đồng. Anh Phạm Văn Toàn (SN 1984), trú tại phường Cao Thắng (TP Hạ Long), từng có quá khứ nghiện ma túy. Sau khi chấp hành xong án phạt tù 3 năm về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tháng 4/2016 anh Toàn trở về địa phương. Được gia đình khích lệ, gần gũi, chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, tư vấn tâm lý, động viên, anh Toàn đã cùng vợ mở hiệu cắt tóc, gội đầu tại nhà riêng. Mới đây (tháng 4/2023) được Công an phường và cán bộ Sở LĐ-TB&XH tư vấn, anh Toàn đã lên kế hoạch kinh doanh, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn 50 triệu đồng để mở rộng, phát triển quán.
Hiện 2 vợ chồng anh Toàn kinh doanh ổn định, thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/tháng. “Sự quan tâm, động viên từ gia đình, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương là nguồn động lực rất lớn để bản thân tôi có thể làm lại cuộc đời sau quá khứ lầm lỗi. Từ những sai lầm và kinh nghiệm của bản thân, tôi sẽ tích cực tham gia tuyên truyền về tác hại của ma túy để mọi người có sự nhìn nhận chân thực nhất, từ đó tránh xa ma túy” - anh Phạm Văn Toàn chia sẻ.
Anh Phạm Văn Tám (SN 1985) trú tại thôn 3, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà), có tiền án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và bị phạt tù 7 năm. Tháng 4/2019 anh Tám chấp hành xong án phạt về địa phương, được UBND xã Quảng Phong gặp gỡ, tư vấn tâm lý, hướng dẫn các thủ tục về lưu trú, cấp căn cước công dân... Tháng 12/2019 anh Tám mua xe tải tự kinh doanh, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Tới tháng 1/2022, anh Tám được Hội Nông dân xã Quảng Phong tư vấn, hướng dẫn trồng cây ăn quả, nuôi gà, lợn và đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn, được Ngân hàng CSXH huyện giải quyết cho vay 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua gà giống. Đến nay mô hình của gia đình anh Tám đã bước đầu cho kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập từ việc bán sản phẩm cây ăn quả và gà của gia đình anh đạt 80 triệu đồng. Qua đó giúp anh và gia đình có thu nhập ổn định, tư tưởng vững vàng, không còn sa ngã vào tệ nạn xã hội.
Các đoàn thể, tổ chức của tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, khu dân cư về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp luật, tọa đàm, tạo điều kiện tư vấn việc làm cho người sau cai nghiện, người lầm lỡ; tới thăm hỏi, động viên, gặp mặt... để họ có tư tưởng, tâm lý thoải mái. Từ đó, giúp cho họ có cuộc sống ổn định hơn và không còn tư tưởng tái phạm.
Điển hình như phát huy vai trò thanh niên xung kích, tình nguyện, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên có quá khứ lỗi lầm, thanh niên cai nghiện ma túy tại cộng đồng; đảm nhận các mô hình can thiệp tại cộng đồng, đội hình thanh niên xung kích tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; các hoạt động hướng vào phần việc cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực...
Đồng thời, tích cực giúp đỡ thanh niên lầm lỡ tham gia các hoạt động xã hội, nhất là những hoạt động tình nguyện, văn hoá, thể dục thể thao do đoàn thanh niên tổ chức. Từ đó giúp họ có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, tránh xa tệ nạn xã hội, tránh tái phạm tội.
Cơ hội mới từ những chính sách đặc thù
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo khảo sát của Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), thực tế công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện, người lầm lỡ vẫn là một quá trình khó khăn, gian nan, vất vả. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng và không hề đơn giản đối với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương để giúp cho họ có cơ hội ổn định cuộc sống.
Mặc dù đã tích cực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn học nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, nhưng kết quả còn chưa được như kế hoạch, mục tiêu đề ra. Theo báo cáo, thống kê của các địa phương, vẫn còn trên 40% số người lầm lỗi về địa phương chưa có việc làm ổn định. Tính đến hết 6/2023, các địa phương trong tỉnh đang áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với 440 người, trong đó đã hỗ trợ cho 134 người tái hòa nhập cộng đồng được dạy nghề, tạo việc làm.
Để từng bước khắc phục, đưa công tác phòng chống, cai nghiện ma túy và đào tạo nghề cho người nghiện ma túy, người lầm lỡ trên địa bàn tiếp tục đạt hiệu quả cao, tỉnh đã chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù riêng. Điển hình như Kế hoạch số 104/KH-UBND (ngày 27/5/2021) của UBND tỉnh và Kế hoạch số 2519/KH-LĐTBXH (ngày 26/7/2021) của Sở LĐ-TB&XH về đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025...
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết 144/2018/NQ-HĐND quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh khóa XIII ban hành từ năm 2018.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2023 với 18 chính sách hỗ trợ cho 7 nhóm đối tượng. Theo nghị quyết mới, ngoài việc tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ người cai nghiện, phụ cấp đặc thù cho cán bộ người lao động làm công tác cai nghiện; nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy đã được bổ sung.
Sự quan tâm, ban hành những chính sách mới của tỉnh, sẽ là “tiền đề” quan trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người cai nghiện ma túy, người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ có cơ hội lựa chọn biện pháp điều trị, cai nghiện phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của gia đình, bản thân. Đồng thời, động viên, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng chuyên trách trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý, làm công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người lầm lỡ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Qua đó, sẽ giúp hạn chế tối đa tác hại do tội phạm, tệ nạn ma túy gây ra, ngăn chặn tốc độ gia tăng người nghiện mới, đảm bảo an ninh, trật tự, tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()