Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:19 (GMT +7)
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên
Thứ 5, 28/09/2023 | 12:20:51 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri Đông Triều tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Công an tỉnh về tình trạng mua bán, chứa chấp, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tình hình sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy tẩm ướp, pha trộn trong thanh thiếu niên.
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh trả lời:
Tình hình và các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy:
Trước đây, địa bàn Quảng Ninh luôn được xác định là địa bàn trọng điểm về trung chuyển ma túy quốc tế, nhất là từ khu vực "Tam giác vàng" vào biên giới các tỉnh miền Trung Việt Nam, trung chuyển qua địa bàn Quảng Ninh sang Trung Quốc. Từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, lực lượng chức năng 2 nước đã siết chặt công tác quản lý người, hàng hóa qua biên giới, công tác tuần tra kiểm soát được tăng cường nghiêm ngặt, chặt chẽ, phía Trung Quốc đã xây dựng hàng rào bằng thép cao 4m, có dây thép gai và hệ thống camera giám sát và cột đèn rọi công suất lớn, đồng thời, do công tác đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an tỉnh Quảng Ninh liên tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy, "Năm hành động phòng, chống ma túy"... nên tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ, các vụ phát hiện chủ yếu là mua bán, tàng trữ nhỏ lẻ, liên tỉnh, nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ các tỉnh lân cận, giáp ranh; chưa phát hiện, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có một số vấn đề đáng lưu ý như:
* Số vụ, số đối tượng phát hiện bắt giữ xử lý tội phạm về chứa chấp, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh tăng cao so với giai đoạn trước (2019: 31 vụ 67 đối tượng; 2020: 46 vụ 163 đối tượng; 2021: 46 vụ 163 đối tượng; 2022: 67 vụ 199 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2023: 54 vụ 162 đối tượng = 80,6% về số vụ, 81,4% về số đối tượng so với cả năm 2022, tăng 35% về số vụ, 33,8% về số đối tượng so với 6 tháng đầu năm 2022). Do lực lượng chức năng tăng cường bắt giữ, xử lý nên quy mô, tính chất, số đối tượng tham gia có xu hướng giảm và địa điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đa dạng hơn, có xu hướng dịch chuyển từ các quán bar, karaoke sang khách sạn, chung cư, phòng trọ, lán trại công nhân... Địa bàn phát hiện bắt giữ, xử lý các vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu thuộc 4 thành phố và 2 thị xã, cụ thể: Hạ Long 13 vụ, Đông Triều 10 vụ, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên mỗi nơi 7 vụ, Uông Bí 4 vụ, Vân Đồn 3 vụ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà mỗi nơi 1 vụ.
Về nguồn ma túy thẩm lậu vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT phần lớn do khách lén lút mang vào hoặc nhân viên của cơ sở “lấy hộ” khi khách có nhu cầu để sử dụng, có một số trường hợp đối tượng bán ma túy trà trộn để hỏi trực tiếp nhu cầu của khách tại các cơ sở này để cung cấp, bán ma túy; cùng với đó, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường vì lợi nhuận có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thậm chí "tiếp tay" cho các đối tượng sử dụng trái phép ma túy hoạt động... Tuy nhiên, để xử lý hình sự chủ cơ sở về tội "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy" là rất khó, vì những đối tượng chủ cơ sở, quản lý đa số là những đối tượng có nhiều "va chạm xã hội" nên có những phương thức, thủ đoạn tinh vi để "lách luật" đối phó với cơ quan chức năng. Các loại ma túy tổng hợp sử dụng trong các quán bar, karaoke, vũ trường là... là thuốc lắc (MDMA) và ketamine ngoài ra còn một số loại ma túy có nguồn gốc từ Trung Quốc được ngụy trang dưới dạng trà sữa, nước vui (bản chất của trà sữa, nước vui này được pha chế từ thuốc lắc và một số phụ gia khác).
Nguyên nhân số vụ, số đối tượng phát hiện bắt giữ xử lý tội phạm về chứa chấp, tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh tăng cao là:
- Về quy định của pháp luật: Căn cứ Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 và Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao v/v giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (trong đó có 11 nội dung liên quan đến tội phạm ma túy), các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh) ban hành Thông báo liên ngành số 258/TBLN, ngày 21/10/2022 về Kết luận cuộc họp lãnh đạo 3 ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án về giải quyết vụ án "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Theo đó, "đối với trường hợp có hành vi cùng góp tiền đi mua ma túy, góp ma túy, chuẩn bị địa điểm, dụng cụ sử dụng ma túy... để cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy, nhóm gồm từ 2, 3, 4 đối tượng trở lên là thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Do đó nhiều trường hợp trước đây chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, sau khi áp dụng Thông báo liên ngành số 258/TBLN thì xử lý hình sự về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo (năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, Tỉnh tổ chức 5 Hội nghị chuyên đề, 1 Chương trình tôn vinh về phòng, chống ma túy, qua đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cơ bản tháo gỡ, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy; đặc biệt là Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm Chỉ thị 36, ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 5/5/2023 về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới" với quyết tâm chính trị rất cao, nhất là chỉ tiêu về xây dựng "Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy", tiến tới xây dựng "Huyện không có tệ nạn ma túy"...
Xác định tội phạm, tệ nạn ma túy là nguồn cơn của các loại tội phạm khác; đấu tranh với tội phạm chứa chấp, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy là giải pháp đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm các loại tội phạm về trật tự xã hội... do đó, các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an luôn tập trung đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với loại tội phạm này.
* Thời gian gần đây, tình hình ma túy mới, ma túy núp bóng, pha trộn dưới dạng đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu diễn biến phức tạp. Qua đấu tranh cho thấy các loại ma túy trên được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng hoặc trái phép ở một số nước trên thế giới (trong đó có Trung Quốc), sau đó được các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng (tuy nhiên không qua đường biên giới Quảng Ninh mà qua điều tra xác định nguồn gốc đưa vào Quảng Ninh được mua tại các tỉnh, thành phố phía Bắc), hoặc các đối tượng trực tiếp đóng gói, pha trộn chất ma túy chủ yếu là MDMA (thuốc lắc) với các chất phụ gia, hương liệu, nhưng không có địa chỉ sản xuất, thời gian sản xuất với các tên gọi đa dạng như “Nước dâu”, “Nước Nho”, “Bánh cần”, thuốc lá điện tử “Pod chill”, các loại thảo mộc có chứa chất ma túy mới ADB-Butinaca...
6 tháng đầu năm đã phát hiện 10 vụ 26 đối tượng mua bán trái phép ma túy mới loại ADB-Butinaca và một số loại ma túy dạng cần sa tổng hợp. Điển hình: ngày 26/5/2023, CATP Hạ Long phát hiện bắt giữ, xử lý hình sự 1 nhóm gồm 10 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thuốc lá Chill, tổng số tang vật thu giữ 1057 điếu thuốc lá Chill và 8,5kg thực vật khô có chứa chất ma túy (đáng chú ý, các đối tượng khai nhận đã cùng nhau bán qua mạng xã hội khoảng 1 vạn điếu thuốc lá cho khách, chủ yếu cho các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh).
* Tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng trẻ hóa, nhất là người sử dụng ma túy tổng hợp.
Đến ngày 10/6/2023, toàn tỉnh có tổng số 1.923 người nghiện có hồ sơ quản lý; trong đó số ở ngoài xã hội là 862 người (gồm 830 người đang điều trị tại các cơ sở điều trị methadone, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện), trong cơ sở giam giữ là 482 người, Cơ sở cai nghiện là 579 người, số người sử dụng trái phép chất ma túy là 780 người (trong đó, lập mới hồ sơ quản lý 656 người sử dụng trái phép chất ma túy), người quản lý sau cai nghiện là 433 người. Số có biểu hiện ngáo đá, loạn thần do sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh là 94 người.
So với thời điểm thống kê tháng 6 năm 2022, số người nghiện tăng 2,8% (1923/1971), số người sử dụng trái phép chất ma túy tăng 212% (780/250). Số người nghiện ma túy tại cộng đồng giảm 9,7% (862/955). Nguyên nhân số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tăng là do lực lượng chức năng triển khai cao điểm tổng rà soát, phát hiện lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy.
Qua công tác thống kê, rà soát cho thấy, đa số các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đều biết tác hại của ma túy nhưng vẫn sử dụng hoặc tò mò, thử để cho biết, cho "oai", cho "hòa đồng" với với bạn bè. Số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, xuất hiện nhiều chất ma túy tổng hợp mới, nhất là các loại ma túy được tẩm ướp, pha trộn dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử như đã phân tích nêu trên.
* Ngoài ra, tình trạng sử dụng trái phép “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử vẫn diễn ra tại một số quán bar, pub, lounge, club, vũ trường... Việc sử dụng tập trung chủ yếu ở giới trẻ, lứa tuổi từ 16 đến 35 tuổi. Với thủ đoạn tuyên truyền hút thuốc lá điện tử, “bóng cười”, shisha là lành mạnh, không độc hại, không nghiện, không vi phạm pháp luật, lại thể hiện “đẳng cấp” nên thu hút nhiều khách hàng sử dụng. Tại các cơ sở kinh doanh (bar, pub, lounge, club, vũ trường...) thuốc lá điện tử, “bóng cười”, shisha không được bày bán công khai nhưng lại được nhân viên “mời, chào”, bán cho khách theo “combo” (gồm đồ uống, trái cây, “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử...) hoặc bán riêng theo nhu cầu của khách. Để trốn tránh cơ quan chức năng, thuốc lá điện tử, bình chứa khí N2O và việc san, chiết khí N2O được thực hiện tại các kho, phòng chứa nằm ngoài cơ sở kinh doanh. Hiện tại các chất này chưa nằm trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định nên khó khăn trong việc điều tra, xử lý tận gốc.
Nhiệm vụ giải pháp:
Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai các biện pháp "giảm cung", kết hợp với "giảm cầu" và "giảm tác hại của ma túy".
Về giảm cung: Công an tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, lập án đấu tranh, trấn áp quyết liệt với loại tội phạm này với tinh thần "không khoan nhượng, không có vùng cấm". Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng công an đã tham mưu triển khai hiệu quả 4 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy, đồng thời, triển khai hiệu quả công tác rà soát, giải quyết các điểm, tụ điểm về ma túy trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý tổng số 290 vụ 748 đối tượng; xử lý hình sự 273 vụ, 568 đối tượng (tuy giảm 18,5% về số vụ, giảm 6,7% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 - là Năm hành động phòng, chống ma túy của Công an tỉnh; song vẫn là tăng cao so với giai đoạn trước).
Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai cao điểm đợt tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến "bóng cười", shisha, thuốc lá điện tử (từ 20/4/2023 đến 15/7/2023). Từ khi triển khai cao điểm đến nay, toàn tỉnh bắt giữ, xử lý 61 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 890 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 916 triệu đồng; tang vật thu giữ 815 bình khí N2O, 1.961 vỏ "bóng cười" 28 bình và 26 hộp thuốc shisha, 3.921 sản phẩm thuốc lá điện tử và 1.488 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử và nhiều tang vật khác có liên quan.
Về các biện pháp "giảm cầu" và giảm tác hại của ma túy: Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh chỉ đạo biên soạn tài liệu, tăng cường triển khai công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng trong toàn tỉnh và tổ chức các Hội nghị, buổi tuyên truyền trực tiếp về phòng, chống ma túy cho các đối tượng có nguy cơ cao, như học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; sử dụng mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy...
Lực lượng Công an phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế tăng cường công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, áp dụng các biện pháp cai nghiện, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện. Toàn tỉnh đã lập 160 hồ sơ chuyển Tòa án đề nghị áp dụng biện pháp đi cai nghiện bắt buộc, vận động 143 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện, lập hồ sơ quản lý 656 người sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện ma túy cho 308 người, tăng 10,8% (308/278). Tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho 95 người cai nghiện.
1. Một số khó khăn, vướng mắc:
Các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn chưa thực sự được triệt tiêu tận gốc rễ, nhất là mặt trái nền kinh tế thị trường, phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, mạng internet... mà công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này còn chưa theo kịp tình hình; trong khi nhận thức pháp luật của một bộ phận hgười dân còn hạn chế, nhất là trong thanh thiếu niên, dẫn đến phạm tội, vi phạm pháp luật, sử dụng trái phép chất ma túy.
Công tác kiểm tra, xử lý, nhắc nhở đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện được quan tâm thực hiện nhưng nhiều cơ sở kinh doanh sau kiểm tra, viết cam kết vẫn tái phạm do các nguyên nhân như chủ cơ sở sợ mất khách, ảnh hưởng đến doanh thu, chưa quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, dung túng bao che cho các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp... Do vậy các nhóm đối tượng vẫn có những điều kiện hoạt động tổ chức sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Thực tế hiện nay các loại ma túy pha trộn trong đồ uống, thực phẩm thường được đóng gói, pha trộn rất tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường, trong khi đó các phương tiện, trang thiết bị kĩ thuật hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng thực tiễn.
Công tác rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được tiến hành toàn diện, triệt để trên toàn tỉnh; công tác phối hợp, cung cấp thông tin về người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy còn hạn chế, chưa chặt chẽ dẫn đến còn sót, lọt các đối tượng trong diện rà soát.
2. Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới:
Tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32- CT/TU, ngày 5/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, trong đó chú trọng thực hiện công tác xây dựng “Xã, phường, thị trấn không có ma túy”, hướng tới xây dựng “Huyện không có ma túy” trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các đợt cao điểm rà soát thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy, với quan điểm là "không khoan nhượng, không có vùng cấm" đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật về ma túy, giải quyết các điểm, tụ điểm về ma túy.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và các đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Tăng cường ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo trong tuyên truyên phòng chống tác hại của ma túy, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Bên cạnh đó triệt để khai thác thông tin về hình ảnh các đối tượng, tập trung vào các trang fanpage, các hội nhóm kín do các đối tượng lập ra để rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy, chia sẻ các thông tin, hình ảnh về các loại ma túy... để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.
Phối hợp các sở, ngành chức năng liên quan siết chặt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong thẩm định, cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến ma túy và các vi phạm về kinh doanh “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử...
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()