Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:03 (GMT +7)
Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản năm 2023 Kỳ vọng mở ra những cánh cửa rộng lớn cho sự hợp tác và phát triển bền vững
Chủ nhật, 12/11/2023 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là nơi ghi dấu ấn mối quan hệ ngoại giao và hợp tác, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Ở vùng đất này, những dấu ấn của tình hữu nghị Việt – Nhật vẫn còn in đậm trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản đang mở ra những cánh cửa rộng lớn cho sự hợp tác và phát triển bền vững.
Được khánh thành năm 1978, Cung Văn hóa lao động Việt Nhật là công trình do tổ chức Công đoàn SOHYO Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho công nhân vùng mỏ. Đây là địa điểm đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng của tỉnh, là nơi tổ chức hàng nghìn chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật của công nhân lao động; nơi ươm trồng hàng ngàn tài năng nghệ thuật của vùng than.
Cùng với đó, cầu Bãi Cháy – công trình được khánh thành năm 2006 cũng được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đây không chỉ là dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng mà còn trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản, trở thành một kỳ quan mới của Hạ Long.
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với các địa phương, tổ chức của Nhật Bản đã được nâng lên một tầm cao mới. Thực chất và hiệu quả hơn. Để tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư về định hướng phát triển nhất quán, ổn định, Quảng Ninh đã thuê các tư vấn hàng đầu thế giới lập đồng thời 7 quy hoạch chiến lược. Trong đó có 2 đơn vị tư vấn hàng đầu đến từ Nhật Bản là Nickken Sekkei và Nippon Koei. Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh đã xác định Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu trong thu hút đầu tư. Ngay từ năm 2013, Quảng Ninh và JETRO Hà Nội đã thành lập Hội đồng cố vấn để hỗ trợ, hợp tác thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh và xây dựng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đó, năm 2017, tỉnh thành lập riêng biệt Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) trực thuộc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA).
Đặc biệt, Nhật Bản là thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư lớn từ các Tập đoàn hàng đầu của Nhật có vai trò dẫn dắt “Sếu đầu đàn”. Cụ thể, hiện Quảng Ninh có 173 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần13,92 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản đứng thứ ba với 12 dự án với số vốn đăng ký 2.394.287.160 USD chiếm 17,21% vốn đầu tư toàn tỉnh khối FDI.
Trong 12 dự án, có 8 dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) với tổng số vốn đăng ký đạt 125.440.000 USD; 4 dự án đầu tư ngoài KCN, KKT với tổng số vốn đăng ký đạt 2.268.847.160 USD. Các dự án tập trung vào các ngành, lĩnh vực gồm: 8 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký đạt 123.945.000 USD; 1 dự án sản xuất điện với tổng số vốn đăng ký đạt 1.998.000.000 USD; 1 dự án hoạt động tư vấn quản lý với tổng số vốn đăng ký đạt 350.000 USD; 1 dự án nông lâm nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 2.000.000 USD; 1 dự án xây dựng với tổng số vốn đăng ký đạt 269.992.160 USD. Dự án đầu tư lớn nhất là Nhà máy điện khí LNG với tổng vốn đầu tư 1.998 triệu USD.
Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 2 chương trình/dự án/phi dự án ODA Nhật Bản đang triển khai gồm: Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long sử dụng vốn vay JICA, tổng mức đầu tư 3.194,0 tỷ đồng tương đương 143 triệu USD, thời gian thực hiện 2015-2024 (dự án chưa triển khai xây lắp do Hiệp định vay vốn cho hạng mục tư vấn của dự án đã hết hạn từ 30/6/2023, chủ đầu tư đang nghiên cứu đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền kế hoạch triển khai thống nhất với nhà tài trợ gia hạn Hiệp định).
Dự án, phi dự án thứ 2 là Cố vấn tăng trưởng xanh cho tỉnh Quảng Ninh. Tổng kinh phí viện trợ 9.416,076.258 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 4/2021-12/2023. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển nâng cao năng lực của cán bộ công chức; cải thiện các cơ chế, chính sách, của tỉnh về tăng trưởng xanh; thông qua phi dự án cử chuyên gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong 2 năm để tư vấn các chính sách vĩ mô; phát triển bền vững (SDGs), kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2025; chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia… để lồng ghép các chính sách tăng trưởng xanh cho mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh có 7 khoản viện trợ gồm 6 chương trình/dự án và 1 khoản viện trợ phi dự án, được thực hiện bởi 6 cơ quan, tổ chức nước ngoài với tổng giá trị các khoản viện trợ đạt trên 2,2 triệu USD. Đa số các dự án viện trợ tập trung vào các lĩnh vực: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ người nghèo, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán qua biên giới, phụ nữ và trẻ em nông thôn, các đối tượng yếu thế trong xã hội...
Trong đó, có 3 dự án được viện trợ bởi Nhật Bản, như: Năm 2018, tiếp nhận dự án “Mua sắm thiết bị khám chữa bệnh chuyên khoa mắt tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Ninh” với vốn viện trợ không hoàn lại từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam là 89.730 USD tương đương 2.038.665.600 VNĐ; Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt tiếp nhận dự án “Xây dựng nhà học bộ môn cho trường tiểu học Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà” với vốn viện trợ không hoàn lại từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam là 86.606 USD tương đương 1.999.742.000 VNĐ; Năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt tiếp nhận dự án Nâng cao năng lực xử lý nước thải đảo Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, vốn viện trợ là 1.585.000.000 VNĐ do Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh luôn nhất quán với quan điểm phát triển là: Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; huy động phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm “Nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực. Sự kết hợp giữa tiềm năng vững chắc của Quảng Ninh và sức mạnh, kinh nghiệm của các nhà đầu tư Nhật Bản tạo nên nền tảng vững chắc cho một hành trình phát triển đầy cơ hội và thành công. Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản năm 2023 sẽ lan tỏa một thông điệp Quảng Ninh: Hãy cùng nhau viết nên câu chuyện mới, mở ra những cánh cửa rộng lớn cho sự hợp tác và phát triển bền vững.
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt như: Du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hà Tiên
Liên kết website
Ý kiến ()