Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:18 (GMT +7)
Mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng về bảo vệ môi trường
Thứ 4, 11/01/2023 | 12:30:41 [GMT +7] A A
Hợp tác quốc tế, liên vùng về môi trường là một trong những nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) được đề cập trong các Luật BVMT, và là giải pháp quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Chính vì thế, những năm qua Quảng Ninh đã không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng về BVMT. Qua đó, đóng góp tích cực cho thành công chung của các hoạt động BVMT trên địa bàn.
Những năm qua, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Việt Nam đã hợp tác với tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý môi trường với nhiều dự án như: Dự án Bảo tồn Môi trường Vịnh Hạ Long được thực hiện từ năm 2009-2012; Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long giai đoạn 2015-2019; thực hiện các hoạt động thí điểm xây dựng sách trắng về tăng trưởng xanh cho khu vực Vịnh Hạ Long, dự án cố vấn tăng trưởng xanh... Đặc biệt, trong năm 2022, JICA Việt Nam đã đề xuất thực hiện dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải khu vực hang Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long” từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Nhật Bản thông qua Đại sứ quán Nhật Bản; triển khai dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh và hiện thực hóa xã hội không carbon trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Shiga (Nhật Bản) do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ.
Làm việc với tỉnh Quảng Ninh, ông Murooka Maomichi, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh, đây là những yếu tố quan trọng để triển khai các dự án tăng trưởng xanh. JICA sẽ tiếp tục cử chuyên gia tư vấn hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong việc hoạch định chính sách, hành động thiết thực trong phát triển tăng trưởng xanh.
Giai đoạn 2018-2022, Quảng Ninh đã tổ chức xúc tiến mời gọi đầu tư, tiếp và làm việc với 9 đoàn Nhà đầu tư đến từ các quốc gia Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam có kinh nghiệm về các dự án BVMT: Xử lý nước thải, rác thải, chất thải rắn, xử lý bùn, tái chế chất thải từ khai thác than... Trong đó, có các nhà đầu tư: Công ty môi trường Bắc Kinh (Trung Quốc) nghiên cứu dự án Hệ thống xử lý nước thải tại TP Cẩm Phả; Công ty BIGWAY I.T (BWIT) tìm hiểu Dự án xử lí, tái chế chất thải từ khai thác than, khoáng sản để sử dụng trong xây dựng, san lấp mặt bằng, diều chế khí gas và nhiên liệu hóa học sử dụng để phát điện; Tập đoàn Geleximco mong muốn được giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Quảng Ninh; Công ty cổ phần Xây dựng và Công nghệ cao HTC nghiên cứu dự án Nhà máy xử lý bùn cho các thành phố trong tỉnh (đặc biệt là thành phố Hạ Long); Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền tìm hiểu Dự án xử lí nước thải tại TP Cẩm Phả, Vân Đồn; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam tìm hiểu các dự án môi trường; Tập đoàn Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu dự án nước thải tại Cẩm Phả; Tập đoàn AMACCAO nghiên cứu đầu tư Dự án Hệ sinh thái xử lý chất thải rắn khép kín tại Quảng Ninh theo mô hình Ecotown Nhật Bản...
Song song với đó, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác với các nhà đầu tư trong nước để triển khai các dự án BVMT. Hiện nay, tỉnh đang đang triển khai đầu tư xây dựng một số dự án xử lý chất thải rắn như: Sửa chữa, cải tạo lò đốt rác Nhà máy xử lý rác Khe Giang, Đầu tư xây dựng Khu liên hợp CTR Tiên Yên tại xã Đông Hải, Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều với tổng công xuất xử lý toàn Nhà máy giai đoạn 1 là: Công suất xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại là 400.000 tấn /năm, công suất xử lý chất thải sinh hoạt là 20.000 tấn/năm, công suất xử lý nước thải là 500 m3/ngày đêm; dự kiến đi vào vận hành thử nghiệm trong tháng 12/2022.
Quỹ BVMT và phát triển đất tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án đầu tư BVMT trên địa bàn với tổng số tiền cho vay là 30,8 tỷ đồng. Gồm 5 Dự án: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Móng Cái của Công ty cổ phần xử lý chất thải Miền Đông (giai đoạn 1) số tiền vay 5 tỷ; Dự án đầu tư Xe téc chở nước tưới đường dập bụi năm 2019 của Công ty CP than Hà Tu – Vinacomin với số tiền 6 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Móng Cái (giai đoạn 2) của Công ty cổ phần xử lý chất thải Miền Đông, số tiền vay 5 tỷ; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống làm khô rác trước khi đưa vào lò đốt của Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Uông Bí của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Long, số tiền vay 5 tỷ; Dự án Nhà máy xử lý chất thải nguy hại K9, Mông Dương, Cẩm Phả của Công ty TNHH Tái Sinh – TCN, số tiền vay 9,8 tỷ.
Tỉnh cũng chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo quốc tế như là Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Ninh (22/5/2019); Tọa đàm Giải pháp chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Hội thảo kỹ thuật về BVMT nước tại khu vực vịnh Hạ Long (tháng 01/2019), Hội thảo về xây dựng Chương trình hợp tác giữa tỉnh Shiga và tỉnh Quảng Ninh trong BVMT nước (tháng 10/2019)...). Các hoạt động tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Ninh và được các đối tác tin cậy, đánh giá cao về kết quả phối hợp.
Tỉnh Quảng Ninh cũng tham gia ý kiến, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, dự án hợp tác quốc tế về BVMT như: Dự án Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sử dụng ODA vay của Chính phủ Hungary; các dự án sử dụng nguồn vốn phi chính phủ như: Mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long; Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía bắc Việt Nam; Mạng lưới hành động về Tiết Giảm - Tái sử dụng - Tái chế Rác Thải Nhựa (3R) ở Việt Nam; Nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế… Đồng thời, tham gia 3 hội nghị “Hai nước bốn bên”, 3 hội nghị song phương do Tổng cục Hải quan hai nước Việt Nam – Trung Quốc tổ chức trao đổi thông tin chính sách, nhất là phối hợp với các địa phương biên giới của Trung Quốc trong cam kết thực hiện Công ước Basel về vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, hợp tác trong triển khai phòng ngừa và ứng phó sự cố phóng xạ, BVMT xuyên biên giới (ứng phó sự cố môi trường nước, nhập khẩu phế liệu).
Cùng với đó, Quảng Ninh mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác liên vùng về BVMT. Tỉnh đã ký kết Kế hoạch hợp tác BVMT và Quy chế phối hợp thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường liên tỉnh giữa Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang kiểm tra, kiểm soát vận chuyển (ra - vào tỉnh), giám sát môi trường các khu vực phát sinh dịch và thu gom, xử lý tiêu hủy vật nuôi (lợn) bị bệnh do dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với thành phố Hải Phòng xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid – 19 của tỉnh Quảng Ninh. UBND Thành phố Hải Phòng đã đồng ý tiếp nhận và giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng là đơn vị được phép xử lý tiếp nhận, xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid – 19 của tỉnh Quảng Ninh.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()