Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:52 (GMT +7)
Ứng dụng KHCN trong công tác bảo vệ môi trường
Thứ 2, 17/04/2023 | 08:13:57 [GMT +7] A A
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN, cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để xây dựng một tương lai xanh. Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm triển khai các giải pháp ứng dụng KHCN vào lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.
Hoạt động KHCN đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường của tỉnh thời gian qua. Quảng Ninh đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; tập trung nghiên cứu công nghệ tiên tiến, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường...
Với định hướng đó, hiện nay các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đều rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho môi trường trong quá trình hoạt động. Đến nay, đã có 7 KCN gồm: Hải Yên (TP Móng Cái), Texhong (huyện Hải Hà), Cái Lân, Việt Hưng (TP Hạ Long), Đông Mai, Sông Khoai, Nam và Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) hoàn thành xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động và trạm xử lý nước thải tập trung.
Các trạm đều đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, liên tục. Đồng thời, dữ liệu từ các trạm được truyền trực tuyến về Sở TN&MT quản lý, theo dõi, giám sát. Chỉ số nước thải tại các KCN khi xả thải ra môi trường đều đảm bảo theo quy định. Định kỳ hằng năm, chủ đầu tư hạ tầng KCN, các dự án thứ cấp, cùng các đơn vị liên quan đã chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường KCN, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn môi trường.
Quảng Ninh là địa phương có vùng khai thác than với phạm vi rộng, trải dài từ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, đã có tác động làm thay đổi môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến cân bằng của tự nhiên. Với chiến lược phát triển sản xuất luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, những năm qua ngành than đã tập trung đầu tư đổi mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò với công nghệ tiên tiến; áp dụng công nghệ mới trong khâu sàng tuyển, lắp đặt hệ thống băng tải ống vận chuyển than, hệ thống băng tải kín tránh gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương kiểm soát bụi, khí thải, để làm giảm tối đa lượng bụi phát tán vào môi trường. Điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 là một trong những đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường. Theo đó, đơn vị đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cải tiến thiết bị, công nghệ, để đưa hệ thống ESP (hệ thống cân bằng điện tử) vào vận hành ngay khi bắt đầu khởi động; hoàn thành chuyển đổi sử dụng nhiên liệu đốt kèm trong lò từ dầu FO sang dầu DO, giải quyết dứt điểm tình trạng khói sẫm màu trong quá trình khởi động, cũng như trong quá trình vận hành, nếu xảy ra sự cố sẽ giúp tổ máy khôi phục vận hành trở lại rất nhanh vì hiện tượng tắc nghẽn vòi dầu không còn.
Còn đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khoáng sản khác, phải kể đến Công ty CP Viglacera Hạ Long đã điều chỉnh chất lượng nguyên liệu, lựa chọn tốc độ lò nung phù hợp; quản lý chất lượng nhiên liệu than, chất lượng dầu trong từng lò nung; thay đổi tỷ lệ phụ gia... nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền là đơn vị sử dụng công nghệ sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện....
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn. Tiêu biểu là các mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… không những góp phần bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn bền vững. Đối với lĩnh vực y tế, đến nay các cơ sở y tế trong tỉnh đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định, sử dụng hệ thống công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang để xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm.
Cùng với việc ứng dụng KHCN để bảo vệ môi trường trong các ngành, lĩnh vực, tỉnh cũng tập trung vào việc đầu tư và đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 165 trạm quan trắc môi trường tự động. Tất cả các dữ liệu về các thông số không khí, nước mặt, nước biển, khí thải, nước thải… được quan trắc tự động liên tục và truyền về trung tâm giám sát theo thời gian thực cho phép cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực đặt trạm quan trắc, giúp kiểm soát tốt các nguồn phát thải. Từ đó, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn chặn hoạt động phát thải vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam ra môi trường…
Để khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng về cơ chế chính sách cho KHCN như: Thành lập Quỹ phát triển KHCN Quảng Ninh, chính sách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và thu hút nhân tài của tỉnh; ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh...
Với những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường bằng KHCN, Quảng Ninh đang hướng tới một tương lai phát triển xanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()