Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:22 (GMT +7)
Khuyến khích tái chế và tái sử dụng chất thải
Thứ 4, 05/04/2023 | 13:26:06 [GMT +7] A A
Thời gian qua, việc tăng cường các giải pháp giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức tiêu dùng, kinh doanh và tăng cường năng lực quản lý, phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải tới môi trường và đảm bảo được sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Quyết định đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như phấn đấu tới năm 2025 đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Hiện thực hoá mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Nghị quyết có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững KT-XH của Quảng Ninh nói chung, công tác bảo vệ môi trường nói riêng.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các nội dung, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, phát huy vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ. Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCN, chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra…
Cùng với đó, Sở TN&MT cũng đang tiến hành triển khai 3 dự án liên quan đến lĩnh vực này. Đó là: Dự án điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quảng Ninh; Dự án điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ sau xử lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ; Dự án xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần quan trọng để đánh giá tổng thể tiềm năng tái chế, tái sử dụng trong chất thải, giảm thiểu phát thải và tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải đạt mục tiêu kép về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH tỉnh bền vững.
Cùng với đó, Sở cũng đang tham mưu cho tỉnh tăng cường sử dụng khoảng 10 triệu m3 đất đá thải mỏ từ bãi thải phục vụ làm vật liệu để san lấp mặt bằng các dự án, công trình, nhằm hạn chế việc khai thác đất đồi phá vỡ cảnh quan môi trường và ảnh hưởng môi trường; tăng cường tái sử dụng nước thải mỏ, đồng thời tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ khoa học: Nghiên cứu thiết lập mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng để ứng dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu sử dụng tro bay, xỉ đáy tại Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả để sản xuất vật liệu xây dựng; nghiên cứu và phát triển ứng dụng bê tông chất lượng cao sử dụng hàm lượng tro bay lớn trong các kết cấu công trình ven biển và hải đảo… Đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào vận hành các khu xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh, gồm: Khu xử lý chất thải rắn tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long; khu xử lý chất thải rắn xã Tràng Lương, TX Đông Triều; khu xử lý chất thải rắn Cầu Cao, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu, đề xuất cập nhật, tích hợp nội dung quy hoạch chất thải rắn vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải trong sản xuất cũng đang được các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp, mô hình như: Đẩy mạnh việc triển khai chương trình “Nói không với túi nilon” trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp như than, nhiệt điện, xi măng… nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ để giảm thiểu phát thải và tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; tổ chức các hội nghị, hội thảo nâng cao nhận thức tiết kiệm trong lĩnh vực công nghiệp; mở các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực của người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, cơ sở lưu trú; tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Anh Đỗ Quang Huy, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Xi măng Hạ Long, cho biết: Từ năm 2021, Công ty CP Xi măng Hạ Long đã triển khai thí điểm việc sử dụng rác thải để thay thế một phần nhiên liệu than để làm chất đốt. Các loại rác thải như: Vải, giấy, nhựa, giầy dép được đơn vị thu gom từ một số nhà máy, khu tập kết rác trên địa bàn để đưa vào lò đốt. Hiện, Công ty đang tiếp tục mở rộng kết nối thu gom rác tại các nhà máy, xí nghiệp, đồng thời đầu tư dây chuyền máy móc để xử lý, hướng tới mục tiêu trong năm 2023 sẽ nâng tỷ lệ thay thế nhiên liệu lên khoảng 10% trong quá trình sản xuất.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()