Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 10:21 (GMT +7)
Móng Cái: Hướng đến một thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại
Chủ nhật, 11/10/2015 | 09:06:59 [GMT +7] A A
(Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành uỷ Móng Cái, trao đổi với PV Báo Quảng Ninh)
Với vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, TP Móng Cái trước đây cũng như hiện nay luôn được tỉnh và Trung ương đặc biệt quan tâm. Theo các Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố giữ vai trò trung tâm hạt nhân và trung tâm động lực, là một trong 2 mũi đột phá trong chiến lược phát triển của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Với “sứ mệnh lịch sử” quan trọng như vậy, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV sắp diễn ra, việc định hướng phát triển Móng Cái như thế nào cho phù hợp chính là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự...
TP Móng Cái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Giang |
Trò chuyện với chúng tôi trước ngày lên đường tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Tỉnh uỷ viên khoá XIII, Bí thư Thành uỷ Móng Cái, đã chia sẻ những suy nghĩ trăn trở của mình về điều này...
- Nếu nhìn lại cả chặng đường kể từ thời mở cửa, có thể nói, Móng Cái đã từ một xuất phát điểm thấp, nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong 2 trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của tỉnh. Vậy trên “cái nền” ấy, trong 5 năm qua (2010-2015), Móng Cái đã có những bước phát triển mới như thế nào, thưa đồng chí?
+ Đúng là so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Móng Cái bắt đầu công cuộc đổi mới với một xuất phát điểm thấp hơn. Cho mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, Móng Cái vẫn còn là một huyện nghèo, thuần nông, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh biên giới, đang phải nhận trợ cấp ngân sách Nhà nước, thì đến nay Móng Cái đã nhanh chóng phát triển với những thành tựu vượt bậc trên mọi lĩnh vực, từng bước trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, một trung tâm kinh tế của tỉnh…
Nhưng ở đây cũng phải nói rằng, không phải con đường phát triển của Móng Cái trong những năm qua lúc nào cũng “bằng phẳng”, không gặp khó khăn; thậm chí tôi nghĩ có những chặng, “con đường” đó còn rất “gập ghềnh, trắc trở”... Như những năm từ 2010-2015 vừa qua chẳng hạn; đây là giai đoạn mà Móng Cái phải đối mặt với rất nhiều thách thức; nhất là những khó khăn mang tính đặc thù của một địa phương biên giới do những diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông và những thay đổi chính sách biên mậu của cả nhà nước ta và nước láng giềng. Những khó khăn ấy đã tác động trực tiếp, nhiều mặt tới thành phố. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là trong tình hình như vậy, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Móng Cái đã không chỉ “trụ vững”, mà còn thu được những thành tựu rất đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, từ kinh tế - văn hoá - xã hội, đến AN-QP, đối ngoại... Trong khuôn khổ một cuộc trao đổi ngắn, tôi không thể nêu một cách đầy đủ, toàn diện những việc đã làm được trong suốt 5 năm, nhưng chỉ cần đưa ra đây một số số liệu đã được đề cập trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ thành phố (diễn ra dịp cuối tháng 7 vừa qua) cũng có thể thấy điều đó. Chẳng hạn như trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố đạt 16,4%, gấp 1,23 lần so với giai đoạn 2006-2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 3.100 USD/người, gấp 1,82 lần so với năm 2010. Tính chung 5 năm (từ 2010-2015) Móng Cái là một trong 3 địa phương của tỉnh có tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất, với mức tăng bình quân trên 4,5%/năm…
- Có “bí quyết” nào để Móng Cái có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển nhanh, mạnh, vững chắc như vậy trong 5 năm vừa qua, thưa đồng chí?
+ Khi nói đến “bí quyết” phát triển người ta thường hay nhắc tới ba yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà”. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, cùng những cơ chế chính sách đặc thù mà Trung ương và tỉnh dành cho Móng Cái (có thể được ví như “Thiên thời, địa lợi”) thì “nhân hoà” chính là sự đồng thuận, đoàn kết và khát vọng vươn lên của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương… Và tôi cho rằng, Móng Cái những năm qua, về một mức độ nào đó, có thể nói đã hội tụ được cả 3 yếu tố ấy.
- Đồng chí có thể nói cụ thể hơn?
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, cùng những cơ chế chính sách đặc thù mà Trung ương và tỉnh dành cho Móng Cái (có thể được ví như “Thiên thời, địa lợi”) thì “nhân hoà” chính là sự đồng thuận, đoàn kết và khát vọng vươn lên của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương… |
+ Cụ thể như trong việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược tại địa phương, thì thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hoàn thành đúng tiến độ việc lập các quy hoạch chiến lược Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái với tầm nhìn dài hạn do tư vấn hàng đầu quốc tế thực hiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh cải cách hành chính (là địa phương đầu tiên xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công và chính quyền điện tử cấp huyện), phát triển nguồn nhân lực; hay như việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, đảm bảo tính bền vững, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và tạo thế chủ động; theo đó từ chỗ gần như chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế then chốt là Thương mại - XNK, thì nay đồng thời với việc tiếp tục khai thác các thế mạnh của kinh tế biên mậu, thành phố đã quy hoạch căn cơ, dành nhiều sự ưu tiên phát triển cho những lĩnh vực có lợi thế so sánh khác như: Du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo.v.v.. Trong đó, đáng chú ý là về du lịch, thành phố là một trong những địa phương đi đầu xây dựng và triển khai Đề án phát triển sản phẩm du lịch, lập hồ sơ đề nghị tỉnh công bố 3 tuyến 12 điểm du lịch, kiên quyết lập lại trật tự môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn, tìm mọi biện pháp tiện lợi hoá thủ tục thông quan xuất nhập cảnh, đề xuất với tỉnh và Trung ương kéo dài thời gian mở cửa khẩu v.v.. Chính từ đó, tổng lượng khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái 5 năm qua đạt trên 3,5 triệu lượt người, tăng bình quân 16,1%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách du lịch ước đạt 796.282 lượt người, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2014… Cũng như vậy, trong lĩnh vực công nghiệp, thành phố đã tập trung GPMB tạo quỹ đất sạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Và cũng xin lưu ý là gắn với quá trình đầu tư và phát triển của Tập đoàn Texhong tại KCN Hải Yên, giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm qua của Móng Cái đạt gần 9.800 tỷ đồng, tăng bình quân 100,7%/năm (tăng 18,26 lần so với giai đoạn 2005-2010). Đây là lĩnh vực có mức tăng trưởng ấn tượng, tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Móng Cái theo hướng nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đạt 39% (khu vực nông nghiệp giảm dần (chỉ còn 10,4%), khu vực dịch vụ chiếm 50,6%) và tiếp tục được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Móng Cái trong những năm tới khi các hiệp định FTA và TPP đi vào thực hiện…
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động thương mại - XNK cơ bản được duy trì. Tổng giá trị hàng hoá qua cửa khẩu Móng Cái trong 5 năm đạt 23.136,4 triệu USD, tăng 1,8 lần so với nhiệm kỳ trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong 5 năm đạt 34.453 tỷ đồng, tăng bình quân 5,3%/năm. Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ bình quân đạt 11,2%/năm.
Thêm một điểm nữa mà tôi nghĩ là cũng cần được nhấn mạnh khi nói về hoạt động đầu tư của Móng Cái trong 5 năm qua; đó là với mục tiêu giảm dần tỷ trọng đầu tư từ ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công, thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hoá hình thức huy động vốn, mà trọng tâm là hình thức hợp tác công - tư (PPP) để đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi, bến cảng, bến thuỷ nội địa, các điểm thông quan, xuất nhập khẩu hàng hoá…, với tổng mức đầu tư đã thực hiện trên 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến sự thành công của mô hình “Đầu tư công - Quản lý tư” đối với Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ, mô hình “Đầu tư tư - Quản lý công” đối với Khu bến bãi km3+4 Hải Yên v.v..
Đó là mới chỉ nói về một số hoạt động nổi trội trong lĩnh vực kinh tế, còn những lĩnh vực khác nữa như về văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới v.v. cũng có bước phát triển rõ nét, an sinh xã hội được chăm lo, quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc v.v.. Tất cả đều nhằm khai thác mọi tiềm năng thế mạnh (cả về “ngoại lực” và “nội lực”) để phát triển, tạo tiền đề cho việc xây dựng Móng Cái thành một thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực trong tương lai…
- Đồng chí vừa nói đến việc xây dựng Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại trong tương lai. Đây cũng là một trong những nội dung mang tính chiến lược trong các quy hoạch phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy theo đồng chí, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là gì?
+ Hai quy hoạch chiến lược (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) mà thành phố đã tập trung nguồn lực thuê tư vấn quốc tế lập vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những bước mang tính đột phá để làm công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, là cơ sở thuyết phục trong hoạt động xúc tiến, thu hút các nguồn lực đầu tư... Hiện thành phố đang gấp rút triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức công bố công khai Quy hoạch chiến lược của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 10-2015… Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án hạ tầng động lực, chiến lược (Cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân 2, khu hợp tác kinh tế song phương, khu công nghiệp Hải Yên giai đoạn 2, 3…). Tiếp tục giữ vững sự ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển…
- Để thực hiện được những mục tiêu mang tính chiến lược này, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Với Móng Cái thì sao, thưa đồng chí?
+ Cũng như ở mọi địa phương khác, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ và chính quyền TP Móng Cái luôn chú trọng điều này. Đặc biệt với Móng Cái, do đặc thù là thành phố biên giới, nên vấn đề củng cố “Thế trận lòng dân” “Cột mốc lòng dân” lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không “an dân” được thì mọi mục tiêu, ý tưởng dẫu tốt đẹp đến mấy cũng khó mà thành hiện thực. Những năm qua, với những thành tựu thu được toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội v.v., đời sống người dân Móng Cái đã không ngừng nâng cao. Trước đây người ta ra Móng Cái là để buôn bán kiếm tiền, nhưng không có ý định “an cư”… Còn bây giờ, càng ngày Móng Cái càng trở nên hấp dẫn, đã và đang dần trở thành “nơi đáng đến và đáng sống” trong nhận thức của không chỉ người dân, mà cả của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư v.v.. Và thêm nữa, trong bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người thì việc xây dựng được đội ngũ cán bộ hội đủ cả phẩm chất, năng lực, tác phong công tác… là vô cùng quan trọng. Do đó, thành phố đã kiên trì, mạnh dạn, quyết liệt đổi mới toàn diện các khâu trong công tác cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tinh giản bộ máy biên chế…
Tôi nghĩ đó chính là những dấu hiệu tốt đẹp nhất, là kết quả của những quyết sách đúng đắn của tỉnh và Trung ương, cũng như sự nỗ lực cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Móng Cái đã làm được trong những năm qua…
- Xin cảm ơn đồng chí!
Trung Luận (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()