Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:09 (GMT +7)
Móng Cái: Thế mạnh riêng biệt
Thứ 4, 05/03/2014 | 13:12:07 [GMT +7] A A
Với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như những đầu tư không ngừng về hạ tầng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và xây dựng thêm nhiều chính sách mới, ưu đãi hỗ trợ hoạt động giao thương vùng biên, có thể thấy trong những năm trở lại đây Móng Cái đang dần khẳng định những thế mạnh riêng biệt của KKT cửa khẩu.
Lợi thế kết nối với thị trường Trung Quốc
Trong những năm qua, thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Thống kê từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới Việt - Trung tăng với tốc độ trung bình khoảng 23%/năm. Với lợi thế có đường biên dài giáp ranh với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã giúp cho hoạt động giao thương qua cửa khẩu Móng Cái luôn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2008-2013), tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái trong thời gian này đạt 18.070 triệu USD, tăng bình quân 26,25%/năm, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền của tỉnh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng). Thu thuế XNK qua cửa khẩu Móng Cái chiếm 85,3% tổng thu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh và chiếm 28,5% tổng thu XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.
Doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam ký hợp đồng hợp tác kinh tế tại Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung (tháng 12-2013). |
Lợi thế kết nối giao thương qua cửa khẩu Móng Cái đã được nhiều chuyên gia của Việt Nam cũng như Trung Quốc đánh giá rất cao. Phát biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thương mại - du lịch biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc)” diễn ra vào tháng 12-2013 vừa qua, đồng chí Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Móng Cái có lợi thế về KKT cửa khẩu riêng biệt mà không phải địa phương vùng biên nào cũng có. Đó là những thể chế, chính sách tương đối hài hoà cho sự phát triển KKT cửa khẩu. Thêm vào đó là những đầu tư không ngừng về cơ sở hạ tầng cửa khẩu. Đây là những điều kiện quan trọng để hoạt động kinh tế ở đây luôn giữ được nhịp độ phát triển, giúp cho hoạt động giao thương của hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sôi động hơn”. Liên quan đến nội dung này, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh tới việc thành lập khu hợp tác qua biên giới tại Móng Cái. Ông Tống Chí Dũng, chuyên gia Viện Nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, Bộ Thương vụ Trung Quốc cho biết: “Hàng ngày có hơn 20.000 người dân hai bên qua lại cửa khẩu để tiến hành các hoạt động giao thương, chưa kể các nhà đầu tư lớn, quan trọng. Vì thế theo tôi hai nước Trung Quốc - Việt Nam cùng xây dựng Khu hợp tác qua biên giới Đông Hưng - Móng Cái là phù hợp với xu thế phát triển kinh tế. Việc xây dựng thí điểm Khu hợp tác sẽ trở thành sân chơi và cách thức để hai bên tăng cường quan hệ, tập trung các nguồn lực một cách có hiệu quả; phát huy tốt hiệu ứng hiệp đồng, hình thành cực tăng trưởng trong khu vực; tăng cường hội nhập cho hai nước, đặc biệt là cho kinh tế vùng biên giới, thực hiện mục tiêu đôi bên cùng có lợi”.
Phát huy thế mạnh riêng biệt
Có thể thấy, chủ trương đẩy mạnh phát triển thành phố cửa khẩu Móng Cái đã được Chính phủ đồng ý từ rất sớm. Đáng chú ý, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 99/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Theo đó, mục tiêu phát triển sẽ xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái thành một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Móng Cái sẽ là một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa ASEAN - Trung Quốc, Trung Quốc - ASEAN; Trung tâm du lịch lớn của khu vực các tỉnh phía Bắc có khả năng gắn kết được với các địa phương để tạo thành tuyến du lịch động lực của toàn vùng… Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái tại Quyết định 2629/QĐ-TTg ngày 31-12-2013. Việc đồng ý về mặt chủ trương cũng như việc xây dựng lộ trình phát triển KKT cửa khẩu là nền tảng quan trọng giúp cho khu vực vùng biên này phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Hiện nay Móng Cái đã được xác định là một trong 2 trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí quan trọng trong trục kinh tế trọng điểm “Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”. Móng Cái còn là cửa khẩu quốc tế có vị trí quan trọng trong giao thương hàng hoá trên tuyến hai hành lang kinh tế: “Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc)” và “Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Lạng Sơn (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc)”, đồng thời tiếp tục mở rộng ra tuyến vành đai kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ (các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Quốc và các tỉnh ven Vịnh Bắc Bộ Việt Nam). Với lợi thế đó cùng với hướng phát triển kinh tế được coi là đã định hình rõ nét, việc kết nối KKT cửa khẩu với thị trường ASEAN của thành phố cửa khẩu Móng Cái rất có triển vọng. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì: “Các hoạt động giao thương tại KKT cửa khẩu Móng Cái hiện nay vô cùng thuận lợi không chỉ giữa hai địa bàn giáp ranh đường biên là TP Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) mà còn rất thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung do các thể chế, chính sách ở đây ngày càng rộng mở, thông thoáng”.
Được biết, đến thời điểm này, TP Móng Cái đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT với đơn vị tư vấn McKinsey - một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch. Bản quy hoạch này đã được tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch. Hiện UBND thành phố đang trong giai đoạn đàm phán, thương thảo hợp đồng với tư vấn McKinsey để triển khai những kế hoạch tiếp theo. Song song với đó, trong giai đoạn 2013-2015, Móng Cái là một trong 8 KKT cửa khẩu được Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các KKT cửa khẩu. Có thể thấy, trong một tương lai không xa sẽ là sự bứt phá rất lớn trong hoạt động kinh tế tại KKT cửa khẩu Móng Cái.
Vân Du
Liên kết website
Ý kiến ()