Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 16:19 (GMT +7)
Một ngày cùng các cung thủ
Chủ nhật, 27/11/2022 | 07:46:41 [GMT +7] A A
Bắn cung Quảng Ninh đang dần khẳng định thương hiệu với nhiều cung thủ trẻ tài năng, từng giành 2 huy chương bạc ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Thế nhưng để tỏa sáng, đổi màu huy chương ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, các cung thủ phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách về cường độ tập luyện, áp lực, chấn thương...
Đổ mồ hôi trên trường bắn
Chúng tôi có chuyến thăm Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh (phường Đại Yên, TP Hạ Long) - “đại bản doanh” của các VĐV Quảng Ninh. Khác với vẻ ồn ào, sôi động khi tổ chức các giải đấu, Trung tâm khá vắng lặng, im ắng.
Ông Dương Bá Cường, Giám đốc Trung tâm, giải thích: Hiện đa phần vận động viên (VĐV) các môn đi tập huấn ở tỉnh ngoài, phần nữa vì Trung tâm đang "cấm trại" để VĐV chuyên tâm luyện tập. Riêng VĐV bắn cung vừa tập huấn trở về và đã "cấm trại" gần tháng nay rồi.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Trung tâm, chúng tôi tới thăm trường bắn cung cách Trung tâm chỉ vài trăm mét. Trường bắn là một khối nhà lớn, khá khang trang, nằm biệt lập giữa cánh đồng, hướng vào núi. Phía ngoài tường rào quây kín, bảo vệ nghiêm ngặt, rất phù hợp cho các đội tuyển "cấm trại" chuyên tâm tập luyện.
Dù đến từ sớm nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là hàng chục cung thủ đã tập trung, tập luyện. Dẫn chúng tôi tham quan trường bắn, huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh) bảo: Đội bắn cung về sớm sau chuyến tập huấn xa nhà, để các em có sự chuẩn bị tốt, làm quen với sân đấu và cọ xát với các tỉnh thành bạn đến đây tập huấn.
Không khí tập luyện khá sôi động. Tuyển bắn cung Quảng Ninh góp mặt đủ các cung thủ "vàng" như: Lê Phạm Ngọc Anh, Châu Kiều Oanh, Phạm Ngọc Tú... Tất cả đều xếp hàng dài dưới mái sân tập. Không khí buổi sáng khiến buổi tập dường như thoải mái hơn. Cung thủ Châu Kiều Oanh, Lê Phạm Ngọc Anh vui vẻ trò chuyện với bạn tập, còn nhoẻn miệng cười nửa đùa, nửa thật: "Trông vậy thôi nhưng mệt lắm!”.
Ban đầu, tôi thoáng nghĩ bắn cung nhẹ nhàng hơn các môn khác, mưa không tới mặt nắng không tới đầu. Nhưng theo buổi tập, chúng tôi mới thêm hiểu sự vất vả của môn thể thao này. Khi bước vào các lượt bắn, các cung thủ đều tập trung cao độ. Mỗi lượt bắn đều được huấn luyện viên ngồi sau giám sát, kiểm tra kết quả cụ thể bằng ống nhòm. Sau mỗi lượt bắn chừng 10-15 phút, huấn luyện viên yêu cầu các cung thủ dừng bắn để kiểm tra kết quả.
Sau loạt tên đầu, cung thủ trẻ Lê Phạm Ngọc Anh tâm sự: Giai đoạn này, chúng em tập luyện gần như cả ngày, thường thì từ 7h20-11h20 và từ 13h20-17h20, đúng với khung giờ thi đấu của Đại hội, để quen dần.
Sau hơn 1 giờ luyện tập, thực hiện cả chục lượt bắn, khiến các cung thủ thấm mệt, nhễ nhại mồ hôi. Huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn phân tích: Nhìn trông vậy thôi, môn này cần sự dẻo dai, không chỉ là cơ bắp, thể lực mà còn rất mệt mỏi về thần kinh, bởi cần tập trung cao độ. Theo quy định mới, một phát bắn là 30 giây ở nội dung toàn năng, còn 20 giây khi tiến vào các trận chung kết.
Tập trung trong thời gian ngắn để có thể đưa ra quyết định nhanh, tên bay chính xác không hề đơn giản. Tất cả khiến VĐV rất căng, mệt về thần kinh. Cây cung nặng khoảng 5kg nhưng khi kéo căng có lực khoảng 16-17kg nên đòi hỏi VĐV phải có tay khỏe mới nâng và giương cung mà không bị rung. Nếu để rung thì không thể bắn chính xác được. Mà VĐV có thể bắn 6 lượt tên hoặc nhiều hơn tùy vào vòng, nội dung đấu.
Ngoài tập với cung, trước đó, Ngọc Anh cũng như các cung thủ trong tuyển còn phải hoàn thành giáo án để tăng cơ vai, cơ tay với những bài tập như chống đẩy, chống tay, cử tạ; các bài tập thể lực, tập chạy ở sân điền kinh... Lịch tập cứ thế mà kéo dài cả tuần, cả tháng nay thậm chí còn căng hơn khi kề cận Đại hội.
Vượt khó, lên dây bắn ra... huy chương
Dù tập luyện vất vả, cường độ cao nhưng điều chúng tôi cảm nhận được chính là tinh thần, sự quyết tâm của mỗi cung thủ. "Tuy vất vả vậy nhưng đối với các VĐV bắn cung, điều đáng ngại nhất là chấn thương" - huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn chia sẻ.
Ở tuyển bắn cung, có lẽ ai cũng biết câu chuyện cung thủ trẻ Lê Phạm Ngọc Anh vượt qua nỗi sợ, khắc phục khiếm khuyết. Ngọc Anh được huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn phát hiện khi mới học lớp 7, với tố chất về sức khỏe, sự chăm chỉ tự giác, đặc biệt là tinh thần, ý chí rất tốt. Tuy nhiên, chính cung thủ giàu tiềm năng này lại có những khiếm khuyết nhất định: Nhược điểm ngón tay cong, cánh tay ngắn đã nhiều lần khiến Ngọc Anh bị chấn thương. Nhiều khi Ngọc Anh phải nhịn đau để tập và thi đấu.
Ở môn bắn cung, khi giương cung, mũi tên bay đi, dây cung sẽ theo đà bật lại một lực lớn. Khiếm khuyết ngón tay cong, cánh tay ngắn khiến Ngọc Anh rất đau khi chịu lực phản hồi, thậm chí nhiều lần chảy máu. Điều này rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý nên có những thời điểm áp lực tâm lý khiến em bắn không tốt. Những tưởng khó khăn này sẽ khiến Ngọc Anh bỏ cuộc, nhưng nhờ sự chấn chỉnh về kỹ thuật của huấn luyện viên đã giúp em vượt qua nỗi sợ và đạt tiến bộ lớn.
Không chỉ có vậy, cung thủ còn phải đối mặt với những tác động chấn thương về tâm lý. "Không như các môn thể thao khác như điền kinh, đua thuyền, môn bắn cung có những đặc thù. VĐV môn khác có thể duy trì được thể lực, phong độ khi đạt được trình độ nhất định. Thế nhưng ở bắn cung, cung thủ có thể vừa thi đấu tốt, có điểm rơi phong độ tốt, đạt thành tích cao ở một giải đấu nhưng có thể mất hút, không thể bắn được ở giải đấu ngay sau đó" - Huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn chia sẻ.
Điều này khiến cung thủ khủng hoảng, mất tự tin. Đó là trường hợp của cung thủ Phạm Ngọc Tú. Thi đấu tốt ở các giải tiền Đại hội, tuy nhiên, Tú đang phải nỗ lực chạy đua với thời gian, tìm lại phong độ. Để sớm phục hồi, huấn luyện viên quan tâm điều chỉnh phù hợp, kịp thời mà không gây áp lực, thúc giục, đề ra các bài tập để VĐV lấy lại sự cảm giác, sự tự tin.
"Em đang tập trung hết sức để lấy lại phong độ, cảm giác thi đấu. Điều mà em mong muốn là được tranh tài, thể hiện ở một sự kiện thể thao đỉnh cao như Đại hội Thể thao toàn quốc lần này" - cung thủ Phạm Ngọc Tú bày tỏ.
Chúng tôi cảm nhận được chính là quyết tâm, nghị lực trong ánh mắt của mỗi cung thủ. Có lẽ đối với họ, nghiệp thể thao đã "ăn" vào máu. Những phẩm chất, những nỗ lực vượt bậc mà mỗi cung thủ sở hữu và được rèn giũa qua thời gian đã giúp họ vượt qua khó khăn, áp lực.
Có lẽ vì đó mà tuyển Bắn cung Quảng Ninh đã gây dựng được thương hiệu. Huấn luyện viên Đặng Thị Nhàn đã đào tạo được một đội ngũ trẻ tài năng, trình làng được nhiều cung thủ triển vọng với các tên tuổi như: Lê Phạm Ngọc Anh, Châu Kiều Oanh, Phạm Ngọc Tú...
Để tiếp sức cho các cung thủ trước sự kiện thể thao lớn, ông Dương Bá Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm cũng quan tâm trang bị thay báng cung, bộ phận quan trọng điều chỉnh lực bắn và độ chính xác của tên, trang bị tên mới cho các cung thủ. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất về tập luyện, cơ sở vật chất, dinh dưỡng... để VĐV phát huy hết thế mạnh, tỏa sáng ở kỳ đại hội này".
Huấn luyện viên trưởng Đặng Thị Nhàn chia sẻ thêm: Đội cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ đầu năm, liên tục có những chuyến tập huấn ở ngoài tỉnh, dự các giải đấu tiền đại hội. Nhờ sự trưởng thành của các cung thủ, đội cũng có sự chuẩn bị tốt về con người. So với các kỳ đại hội trước, lực lượng ở đại hội này đã đông hơn nhiều.
Nếu năm 2018, tham gia đại hội, Quảng Ninh mới có 8 cung thủ thì đại hội năm 2022 đã có 22 cung thủ. Ngoài cung 3 dây - nội dung sở trường của bắn cung Quảng Ninh, còn tham gia cung 1 dây nam nữ. Đồng thời, các nội dung cung 3 dây đơn, đồng đội và đôi nam nữ đều có những nhân tố chất lượng để đặt niềm tin.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()