Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:32 (GMT +7)
Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày xã Phong Dụ
Chủ nhật, 16/01/2022 | 13:44:28 [GMT +7] A A
Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày nằm ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Ở nơi đó còn có đình Đồng Đình, một ngôi đình cổ xưa có niên đại hàng trăm năm bên con sông Tiên Yên nước trong xanh suốt bốn mùa.
Năm 2018, tại khu vực đình Đồng Đình, huyện Tiên Yên đã xây dựng Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày trên diện tích 17.625m2 gồm hạng mục bãi đỗ xe, nhà văn hóa kiến trúc nhà sàn 2 tầng, 5 gian và nhiều hạng mục khác. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành nơi vui chơi của bà con các dân tộc xã Phong Dụ. Hàng năm (trừ thời điểm phòng chống dịch) cứ sau Tết Nguyên đán lại diễn ra Lễ hội đình Đồng Đình. Lễ hội gồm các nghi lễ đặc trưng của người dân tộc Tày như lễ “lẩu then”, lễ dâng hương, lễ cúng thần và phần hội gồm đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi gói bánh, thi trưng bày mâm cỗ, thi trình diễn trang phục dân tộc.
Vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) đã chọn Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình để ghi hình một chương trình văn hóa mang tên "Làng vui" là gameshow dành cho những nông dân thời đại 4.0. Chương trình thực hiện nhằm quảng bá con người, địa danh lịch sử, văn hóa, món ăn ở mỗi làng quê. VTV3 đã quyết định chọn xã Phong Dụ ghi hình, vì theo họ nơi đây có cảnh đẹp hữu tình, có những ngọn đồi xanh, dòng sông Tiên Yên uốn khúc, những phong tục tập quán đặc sắc của người Tày, người Dao, người Sán Chỉ... Đặc biệt những người nông dân ở đây rất giỏi tăng gia sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, trong đó gà Tiên Yên nổi tiếng trong cả nước.
Trong chương trình Làng vui có cảnh bơi mảng của các cô gái Tày, Dao của xã Phong Dụ trên con sông Tiên Yên thật lãng mạn. Khi ánh nắng chiếu xuống, dòng sông như được rắc đầy một lớp bạc óng ánh. Những hàng cây bên bờ sông thay áo mới trong nắng xuân tạo ra nhiều cảnh sắc nên thơ.
Ở Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày còn có ngôi đền cổ gọi là đình Đồng Đình. Theo cuốn “Lịch sử xã Phong Dụ” tập 1, thì đình Đồng Đình có từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ 19, do một quan khâm sai đại thần có tên là Lê Bắc Kỳ trấn an vùng Đông Bắc lập nên. Hiện ngôi đình chỉ còn ngôi miếu nhỏ và bờ tường rêu phong. Trên khu vực nền đình mọc lên cụm cây si, tán si xòe rộng hàng ngàn mét vuông tạo cảnh quan hùng vĩ xanh tươi.
Trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cùng vào cuộc xây dựng và phát triển Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày thành khu du lịch. Xây dựng lại đình Đồng Đình to lớn hơn phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước. Dòng sông Tiên Yên sẽ được khai thác với các hoạt động đua thuyền, chèo thuyền trên sông, câu cá... Nơi đây sẽ có những ngôi nhà sàn mang bản sắc dân tộc, du khách đến trải nghiệm còn được thưởng thức các món ăn địa phương như: Gà Tiên Yên, cá suối và nhiều ẩm thực OCOP khác của huyện Tiên Yên và các địa phương khác của tỉnh.
Du khách có dịp đến với Đồng Đình, nếu không có dịch Covid-19 thì nơi đây cũng có nhiều hoạt động văn hoá khá hấp dẫn. Sau Tết Nguyên đán là Lễ hội đình Đồng Đình, du khách sẽ được cùng vui với bà con trong các bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, nghe người Tày hát then, người Dao hát pả dung, người Sán Chỉ hát soóng cọ. Vào những ngày thường, có thể thưởng thức các món ăn vùng miền như gà Tiên Yên, bánh cốc mò hay cùng bơi mảng trên sông thật thơ mộng với các cô gái Tày, Dao, Sán Chỉ rất vui tươi và mến khách.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()