Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) ngày 20/12 một lần nữa thất bại trong nỗ lực thông qua nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đệ trình, liên quan tới xung đột Hamas - Israel.
Dự thảo nghị quyết này kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh để cho phép viện trợ nhân đạo chuyển tới Dải Gaza. Một điểm mới trong văn kiện là triển khai cơ chế cho phép Liên Hợp Quốc giám sát cung cấp viện trợ trong khu vực. Đây là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán tuần này ở HĐBA, vì giống như Israel, Mỹ từ chối chuyển giao quyền giám sát viện trợ cho LHQ, theo giới quan sát.
Các cường quốc thế giới đã nhất trí nhóm họp lại vào ngày 21/12 để có thêm một ngày thảo luận, chỉnh sửa dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo Mỹ sẽ không bác bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày cho biết phái đoàn Mỹ tại LHQ đang "tiếp tục làm việc mang tính xây dựng với một số quốc gia để giải quyết một số vấn đề tồn đọng trong dự thảo nghị quyết của HĐBA". Đề cập tới cơ chế giám sát được đề xuất, ông Blinken tuyên bố "chúng tôi muốn đảm bảo nghị quyết và những điều khoản trong đó thực sự hiệu quả và không gây bất kỳ tổn hại nào cho nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo hoặc khiến nó trở nên phức tạp hơn".
Những điểm chính trong dự thảo, đã qua chỉnh sửa gần như liên tục trong 48 giờ qua, là lời kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp và lâu dài, cho phép viện trợ nhân đạo được phân bổ ngay lập tức dưới sự giám sát của LHQ. Dự thảo nhấn mạnh quan ngại sâu sắc của HĐBA về tình hình nhân đạo ở Gaza và hậu quả nghiêm trọng của chiến sự với dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nó cũng đề cập nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nhân viên y tế, nhân đạo, cũng như yêu cầu các bên tuân thủ nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Việc Mỹ phản đối dự thảo về ngừng bắn nhân đạo của HĐBA đã phơi bày những bế tắc tại cơ quan hàng đầu LHQ. Thái độ bác bỏ của chính quyền Tổng thống Joe Biden với các biện pháp liên quan tới ngừng bắn, chấm dứt chiến sự hay viện trợ nhân đạo đã trì hoãn và cản trở hoạt động của cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới.
Lịch trình họp và điều trần bình thường của LHQ gần đây liên tục thay đổi, chương trình nghị sự đôi khi bị gián đoạn để có thời gian đàm phán thêm về nghị quyết liên quan đến Gaza, nhưng đều không thể vượt qua được sự phản đối từ Mỹ, thành viên thường trực có quyền phủ quyết của HĐBA. Bất cứ nghị quyết nào bị Mỹ phủ quyết đều không thể được thông qua.
Bế tắc ở HĐBA cũng cho thấy tình cảnh ngày càng bị cô lập của Mỹ trong tổ chức quốc tế này, khi các nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng nếu các bên không đạt được thỏa hiệp, nghị quyết sẽ được đưa ra bỏ phiếu, bất chấp nguy cơ nó bị Washington phủ quyết.
Mỹ ngày càng đơn độc trong nỗ lực ủng hộ Israel tại Liên Hợp Quốc. Chính quyền Tổng thống Biden đã hai lần phủ quyết nghị quyết của HĐBA liên quan tới xung đột Israel - Hamas ở Gaza, ngay cả khi Mỹ bày tỏ lo ngại về thương vong dân thường ngày càng tăng.
Nếu các nhà ngoại giao không thể tìm được giải pháp trước khi HĐBA phải bỏ phiếu, Washington sẽ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục ủng hộ Israel và chọc giận đại đa số quốc gia thành viên LHQ, hay khiến đồng minh lâu năm ở Trung Đông thất vọng.
Quan chức Mỹ nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ giúp mang tới chiến thắng cho Hamas và giúp nhóm vũ trang người Palestine duy trì khả năng quân sự trong khu vực. Họ cũng lo ngại về việc thiết lập cơ chế của giám sát viện trợ của LHQ. Hiện tại, Israel đang giám sát một lượng nhỏ nguồn viện trợ nhân đạo và nhiên liệu cho Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah từ Ai Cập và cửa khẩu Kerem Shalom do Israel kiểm soát.
Gần 20.000 người đã thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương ở Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát. Số thương vong tăng nhanh đã thúc đẩy nhiều lời kêu gọi chấm dứt chiến sự và khiến đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield rơi vào tình thế khó xử.
"Mọi người ở New York đều cho rằng điều này phụ thuộc vào quyết định của ông Biden. Rõ ràng bà Linda Thomas-Greenfield muốn đạt thỏa thuận. Song khi Israel vận động Nhà Trắng bác bỏ các dự thảo nghị quyết, điều này cuối cùng phụ thuộc vào chính ông Biden", Richard Gown, chuyên gia của LHQ trong Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói.
Một quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng và đại sứ đều cố gắng tìm kiếm một giải pháp mà họ không phải dùng quyền phủ quyết.
Các nhà ngoại giao LHQ ngày 19/12 đã loại bỏ từ "ngừng bắn" khỏi dự thảo nghị quyết mà UAE đề xuất, thay vào đó yêu cầu "đình chỉ khẩn cấp các hành động thù địch để cho phép tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở, cũng như đề ra các bước hướng tới chấm dứt chiến sự lâu dài". Song những sửa đổi đó chưa đủ thuyết phục Mỹ chấp thuận.
Bên trong phòng họp kín ngày 20/12, đại diện Nga và Trung Quốc cho rằng HĐBA nên đưa nghị quyết ra bỏ phiếu để nhấn mạnh sự đơn độc của Mỹ. Song các thành viên khác lập luận rằng điều quan trọng hơn là hướng tới một nghị quyết hiệu quả được tất cả các bên thông qua.
Phiên bản gần như cuối cùng của dự thảo nghị quyết ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và một nhà nước của người Palestine cùng tồn tại trong hòa bình. Tuy nhiên, điều này cũng có thể trở thành điểm vướng mắc, khi Israel phản đối.
Khi thể hiện sự ủng hộ với Israel, Mỹ đang lâm vào thế đối nghịch với cộng đồng quốc tế, điều rất mâu thuẫn với cam kết khôi phục chủ nghĩa đa phương của Nhà Trắng sau bốn năm "Nước Mỹ trên hết" của cựu tổng thống Donald Trump. Những lằn ranh đỏ của Israel, được Mỹ vạch ra chi tiết ở HĐBA, có thể làm chệch hướng dự thảo nghị quyết do UAE đề xuất trong các cuộc thảo luận cuối cùng.
"Chúng tôi cam kết tinh thần xây dựng và minh bạch trong quá trình thảo luận để đạt đồng thuận về nghị quyết", một thành viên phái đoàn Mỹ tại LHQ nói đầu tuần này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "UAE biết chính xác những gì có thể được phê duyệt hoặc không. Kết quả sẽ tùy thuộc vào việc họ muốn thế nào".
Một nghị quyết của HĐBA cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có bất kỳ nước nào trong 5 thành viên thường trực Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh và Nga phủ quyết.
Những tranh luận về câu từ trong nghị quyết đã khiến nhiều người không lạc quan về một kết quả Mỹ sẵn sàng ủng hộ để giảm đau khổ cho người dân Gaza. Các nguồn tin ngoại giao nói Washington quyết tâm không làm suy yếu khả năng chiến đấu của Israel bằng cơ chế giám sát viện trợ.
Trước đó, vào ngày 8/12, Washington đã phủ quyết nghị quyết của HĐBA kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức giữa Israel và Hamas. Bốn ngày sau, Đại hội đồng LHQ với 193 thành viên đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn với 153 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc.
Maria Antonia Sanchez-vallejo, nhà phân tích của El Pais, cảnh báo khi thương vong ở Gaza ngày một tăng và Mỹ liên tiếp bác các nghị quyết ở HĐBA, "uy tín của Mỹ tại LHQ có thể hứng đòn giáng mạnh".
Ý kiến ()