Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:26 (GMT +7)
Mỹ thuật góp sức, chung tay cùng cộng đồng chống dịch
Thứ 3, 03/08/2021 | 16:43:18 [GMT +7] A A
Trong những ngày cả nước tập trung dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc… cũng cùng nhau đóng góp thông qua các hoạt động triển lãm, đấu giá trực tuyến sôi nổi và hiệu quả.
“Cây đời mãi xanh” là tên triển lãm do quỹ Gieo Gạo tổ chức, diễn ra trực tuyến dự kiến đến ngày 15/8, trên các diễn đàn Vietnam Art Space (VAS), All about Art and Artists (5A), Facebook cá nhân họa sĩ Ngô Trần Vũ, và được chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ bởi cộng đồng hoạ sĩ, người yêu hội họa.
Tên triển lãm được lấy theo tên một bức tranh của hoạ sĩ Vũ Mười, với ý nghĩa lòng tốt của con người bén rễ xanh cây mãi cùng năm tháng. Tính đến ngày 2/8, quỹ đã nhận được 765 triệu đồng, chuyển thành gạo và thực phẩm thiết yếu cho 2.139 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn ở TP Hồ Chí Minh.
Hơn 60 họa sĩ đã và đang tiếp tục gửi những bức tranh đẹp để tham gia triển lãm, quyên góp cho quỹ. Trong đó, có các họa sĩ: Lê Tường, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Triều Điển, Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Đinh Ngọc Thắng, Nguyễn Hồng Quân, Trần Cường, Hà Hùng Dũng, Nguyễn Đức Huy, Đặng Thị Thu An…
Hơn 100 tác phẩm đa dạng về chất liệu, kích thước, đề tài… nhưng có điểm chung là mang tinh thần lạc quan, tươi sáng, ca ngợi những vẻ đẹp của cuộc sống. Bên cạnh tranh, triển lãm còn giới thiệu những tác phẩm điêu khắc độc đáo của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.
Họa sĩ Ngô Trần Vũ, một thành viên sáng lập và điều hành quỹ Gieo Gạo, cho biết: "Tính từ ngày 9/7, triển lãm “Cây đời mãi xanh” đã đấu giá thành công 42 tác phẩm. Từ nguồn tiền bán tranh và quyên góp thêm, chúng tôi duy trì việc giúp đỡ ít nhất 100 gia đình nghèo mỗi ngày, mỗi phần hỗ trợ gồm 10 kg gạo và thực phẩm đủ dùng cho cả nhà trong vòng 7 ngày. Các họa sĩ tham gia triển lãm đều ủng hộ quỹ 50-100% giá bán. Các tác phẩm đều được giám tuyển kỹ càng, từ bộ sưu tập mới nhất của họa sĩ, và có giá thiện nguyện giảm nhiều so giá bán thương mại thông thường".
Một triển lãm nữa mà đam mê nghệ thuật song hành với tấm lòng hướng về cộng đồng là “Câu chuyện dòng sông” của quỹ Sống (Sống Foundation), đóng góp tích cực cho chiến dịch “Be Strong Vietnam 24/7”, với hai hướng chính là "Tiếp sức tuyến đầu" (vật tư y tế cho y, bác sĩ) và "Thực phẩm sẻ chia" (nhu yếu phẩm cho người khó khăn trong vùng dịch).
Sau 4 phiên đấu giá (các ngày 24, 25, 31/7 và 1/8), có 17 tác phẩm được bán, thu về tổng cộng 469 triệu đồng. "Câu chuyện dòng sông" trưng bày trên nền tảng số hơn 20 tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam và quốc tế, hầu hết là những cá nhân hoạt động tích cực trong công tác xã hội, bảo vệ môi trường, như các họa sĩ: Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Văn Thể, Phạm Bình Chương, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thắng, Trung Liêm, họa sĩ Nicolas D. Kanellos - cựu Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam, họa sĩ Hadi Soesanto người Indonesia...
Trước đó, cuộc triển lãm và đấu giá tranh online “Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương” được Vietnam Art Space (VAS) tổ chức từ ngày 17 đến 21/7 cũng thành công tốt đẹp với 24 trong số 145 bức tranh được bán. Ban Tổ chức dùng 415 triệu đồng thu được để gửi cho các quỹ từ thiện mua thực phẩm, đồ dùng thiết thực hỗ trợ người nghèo tại TP Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Trần Thảo Hiền (Ban Quản trị VAS) chia sẻ về tiêu chí lựa chọn tác phẩm: “Mỗi họa sĩ gửi từ 3-7 tranh tham gia triển lãm với thông điệp tình yêu, hạnh phúc, hòa bình. Tranh bảo đảm các điều kiện về mỹ thuật như màu sắc, bố cục, tạo hình, đồng thời cần có sự gần gũi, dễ treo trong nhà, để bất kỳ ai yêu nghệ thuật cũng có thể mua. Những tranh không đạt yêu cầu sẽ bị loại".
Ngoài ra, nhóm họa sĩ "Sài Gòn mình thương nhau" do vợ chồng họa sĩ Võ Trân Châu (TP Hồ Chí Minh) sáng lập và điều hành, thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, bán tranh cũng nhận được hơn 1 tỷ đồng quyên góp. Nhóm đã chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, y, bác sĩ tuyến đầu… khoảng 751 triệu đồng. Đặc biệt, quỹ rất quan tâm đến những trường hợp mẹ đơn thân, gia đình có con nhỏ, và tích cực kết hợp, trợ giúp các cộng đồng này.
Họa sĩ Võ Trân Châu cho biết do giãn cách xã hội và nhiều nơi phong tỏa nên việc đóng gói, vận chuyển, phân phát tạm thời gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các thành viên nhóm xác định “cuộc chiến” với dịch Covid-19 còn dài, sự trợ giúp trong giai đoạn sau cũng cấp thiết không kém, do đó nhóm sẽ tuân thủ nghiêm túc mọi quy định về phòng, chống dịch và tiếp tục hoạt động ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuổi nhỏ nhưng làm việc không nhỏ, họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007) cũng tổ chức thành công hai phiên đấu giá trực tuyến, đóng góp 2 tỷ 950 triệu đồng để mua vật tư, thiết bị y tế cho Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, đồng thời mua thực phẩm tiếp sức cho các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trong công tác khám, chữa bệnh mùa dịch.
Họa sĩ Lê Huy (studio Lamphong, Hà Nội) lấy cảm hứng từ hình ảnh em bé Điện Biên đi cách ly trong bộ đồ bảo hộ thùng thình từng khiến cộng đồng mạng xúc động, sáng tạo bức tượng “Em bé Điện Biên - Em bé Việt Nam” và đã bán được hơn 130 sản phẩm để góp vào quỹ Sống… Những triển lãm, đấu giá nghệ thuật trực tuyến ở nhiều quy mô vẫn đang liên tục diễn ra nhằm đồng hành, tương trợ với lực lượng y tế và những người dân gặp khó khăn vì dịch.
Trong khi nhiều hoạt động nghệ thuật, sân khấu khác gần như “đóng băng” do dịch, các họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, đồ họa… vẫn có thể cho ra đời các tác phẩm mới tại nhà hoặc xưởng vẽ của mình. Việc triển lãm tác phẩm online tuy không thể so sánh với triển lãm truyền thống, nhưng cũng góp phần tích cực để duy trì mạch nguồn sáng tạo của các họa sĩ, nghệ sĩ, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội. Đồng thời, đưa nghệ thuật đến với công chúng có nhu cầu thưởng thức. Khi hiểu biết về hội họa và và các họa sĩ tăng lên thì nhu cầu sở hữu tranh gốc để trang trí, sưu tập cũng tăng theo.
Theo ước tính của một nhà đấu giá, trong khoảng 1,5 năm dịch Covid-19 diễn ra, đã có khoảng 1.500 bức tranh được giới mỹ thuật đấu giá, qua đó đã đóng góp cả chục tỷ đồng vào công cuộc phòng, chống dịch. Các tác phẩm này không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn lan tỏa những cảm xúc đẹp và nguồn năng lượng tích cực, chia sẻ một phần khó khăn với cộng đồng cũng như các lực lượng chống dịch.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()