Từ khi xung đột bùng phát hôm 7/10, nhóm Hamas ở Dải Gaza đã phóng lượng lớn rocket về phía lãnh thổ Israel, ước tính lên tới hàng trăm quả mỗi ngày, buộc hệ thống phòng không Vòm Sắt liên tục khai hỏa để đánh chặn. Điều này khiến kho dự trữ tên lửa Tamir dùng cho hệ thống Vòm Sắt của Israel dần cạn kiệt.
Trước tình hình trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ chuyển giao 200 tên lửa Tamir trong kho cho Israel, đồng thời cho Tel Aviv thuê lại hai khẩu đội Vòm Sắt mà Mỹ đang sở hữu.
Nhà thầu quốc phòng RTX Corp của Mỹ và tập đoàn Rafael của Israel ngày 26/10 cũng thông báo sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất tên lửa ở Đông Camden, bang Arkansas. Nhà máy này sẽ sản xuất đạn tên lửa Tamir cho hệ thống Vòm Sắt của Israel và phiên bản SkyHunter của Mỹ.
Công trình dự kiến được khởi công cuối năm nay và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2025, nhằm cung cấp tên lửa Tamir cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cũng như quân đội các nước đồng minh.
Do tập đoàn Rafael phát triển, hệ thống phòng không Vòm Sắt là thành phần trung tâm trong lưới phòng thủ đa tầng của Israel. Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến.
Phần lớn hoạt động của hệ thống Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành. Đây là một trong những hệ thống phòng không trải qua thực chiến nhiều nhất thế giới, ước tính đã đánh chặn thành công hàng nghìn quả rocket từ khi được triển khai vào năm 2011.
Lục quân Mỹ năm 2019 ký thỏa thuận mua hai khẩu đội Vòm Sắt từ Israel nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của đảo Guam trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở khu vực. Hai khẩu đội được Tel Aviv lần lượt bàn giao cho Washington vào năm 2020 và 2021.
Lực lượng này sau đó quyết định không mua thêm Vòm Sắt để chuyển hướng sang phát triển Enduring Shield, hệ thống phòng không do tập đoàn nội địa Leidos phát triển. Vũ khí này được Lầu Năm Góc cho là phù hợp hơn cho hoạt động ở Thái Bình Dương, do có thể đánh chặn tốt hơn tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ bay cao.
Enduring Shield vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, dự kiến bắt đầu được bàn giao cho lục quân Mỹ từ cuối năm nay.
Việc lục quân Mỹ ngừng đầu tư vào hệ thống Vòm Sắt đã gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp phụ trợ dành cho loại vũ khí này. Tập đoàn Rafael và RTX năm 2020 từng công bố kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy lắp ráp tên lửa Tamir tại Mỹ, song sau đó đã hủy bỏ.
Tuy nhiên, chiến sự Israel - Hamas một lần nữa cho thấy nhu cầu và hiệu quả của Vòm Sắt, thúc đẩy Mỹ quan tâm và đầu tư hơn cho hệ thống phòng không này.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ sẽ phải mất nhiều tháng để có thể tái mở rộng dây chuyển sản xuất đạn Vòm Sắt. Dù vậy, Washington cũng có một số thuận lợi, như việc tên lửa Tamir sử dụng động cơ được chế tạo nội địa, không gặp vấn đề về nguồn cung ứng linh kiện giống như tên lửa Javelin và các vũ khí dẫn đường tiên tiến khác mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Một lợi thế khác là tập đoàn RTX của Mỹ hiện vẫn đảm nhiệm việc chế tạo 70% thành phần của tên lửa Tamir.
Việc tăng cường sản xuất tên lửa Tamir còn có thể phục vụ cho lợi ích của quân đội Mỹ. Theo các tài liệu ngân sách, lực lượng Thủy quân lục chiến nước này có kế hoạch mua ba khẩu đội và gần 2.000 tên lửa Tamir để tích hợp vào hệ thống phòng không Năng lực Đánh chặn Tầm trung (MIRC).
Ý kiến ()