Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:37 (GMT +7)
Khi thợ mỏ là văn nghệ sĩ
Thứ 3, 04/10/2022 | 15:03:21 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là vùng đất có nhiều ca khúc hay viết về thợ mỏ. Không chỉ có vậy, nhiều thế hệ thợ mỏ Quảng Ninh đã thành danh cũng chính nhờ thể hiện những bài hát về đồng nghiệp của mình.
Trong quá khứ, Quảng Ninh đã từng đón nhận đông đảo lớp nhạc sĩ Trung ương về thực tế sáng tác. Nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước, dưới sự hối thúc của trách nhiệm công dân và niềm hứng khởi của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhiều nhạc sĩ đã đến với Quảng Ninh và để lại nhiều tác phẩm hay như: “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Đường đi lên mỏ” của nhạc sĩ Tân Huyền, “Bài ca công nhân Vùng mỏ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bài ca thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng, “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh” của nhạc sĩ Chu Minh, “Đất mỏ anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao, “Cờ Đảng bay trên núi Bài Thơ” của nhạc sĩ Thế Bảo, “Những người lái xe trên tầng” của nhạc sĩ Thành Long .v.v..
Không ít ca khúc trong số đó đã trở thành niềm tự hào của những người thợ mỏ mỗi khi họ cất lên tiếng hát. Một trong những tác phẩm như thế là “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Theo nhạc sĩ Đỗ Hoà An, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bài hát “Tôi là người thợ lò” là một trường ca có vai trò “đóng đinh” một giai đoạn âm nhạc viết về thợ mỏ, đã trở thành điểm tựa, là hướng phấn đấu của mỗi nhạc sĩ hôm nay khi viết về thợ mỏ.
Quảng Ninh cũng sản sinh ra nhiều nghệ sĩ từng công tác ở ngành Than như: Lê Chí Phúc, Văn Tuất, Thanh Việt, Vân Anh, Phan Cầu, Trần Câu, Quý Sinh, Văn Tích, Đức Nhuận, Lê Nguyên Thêm, Hoa Lý, Thu Thủy, v.v.. Họ đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ công nhân mỏ, phục vụ các huyện biên giới, hải đảo và vào Trường Sơn phục vụ chiến trường. Trên sân khấu ca nhạc, có những người công nhân mỏ đã đi lên con đường chuyên nghiệp như: Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, ca sĩ Hoàng Thái, Lương Ngọc Diệp, v.v..
Sáng tác âm nhạc phải kể đến các nhạc sĩ như: Lê Nguyên Thêm, Văn Tích, Vũ Đạm, Đức Nhuận, Tuấn Đạt, Phạm Hữu Thắng, v.v.. Nhiều nhạc sĩ trong và ngoài ngành Than đã để lại cho Quảng Ninh một gia tài ca khúc đồ sộ. Nhạc sĩ Hoàng Vân có: "Tôi là người thợ lò" và "Tình ca thợ mỏ". Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có "Bài ca tuổi trẻ thợ lò". Nhạc sĩ Đỗ Hòa An có các ca khúc: "Đảng là mùa xuân người thợ", "Thơ thợ lò", "Vùng than nhớ Bác", "Tâm sự vùng than", “Tình em cô gái sàng than", “Những cô gái nhà đèn hát”, “Cô gái thợ sơn tàu", "Gửi em gái nhà đèn Mông Dương", "Lòng dất gọi", v.v..
Nhiều ca khúc của họ đã thể hiện tình cảm gắn bó của nhạc sĩ với vùng đất Quảng Ninh như: “Khúc cha cha cha của người thợ mỏ”, “Hòn than nhớ Bác”, "Yêu anh người thợ" của nhạc sĩ Lê Thêm; “Gửi người một khúc ca Than”, “Vinh quang Than Việt Nam”, “Tình yêu biển và than” của nhạc sĩ Lê Đăng Vệ; “Tâm tình người thợ mỏ”, “Thợ mỏ đến với Tây Nguyên”, “Vùng Than, tiếng hát mùa xuân”, “Tiếng hát từ Vùng Than”, “Hòn Gai, đất mỏ mến yêu” của nhạc sĩ Lê Chí Phúc; “Bài ca gửi anh thợ lò” của nhạc sĩ Phạm Dũng; ca khúc "Bay lên ngọn cờ Than - Khoáng sản Việt Nam" của nhạc sĩ Tuấn Đạt. Vùng đất của than và biển Quảng Ninh với những suối than lấp lánh tuôn trào dưới bàn tay người thợ mỏ. Than và biển tạo nên một bức tranh âm nhạc Quảng Ninh riêng biệt và đầy màu sắc.
Theo ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, hiếm có ngành kinh tế nào ở nước ta lại sản sinh ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật như ngành Than. Khi thợ mỏ là văn nghệ sĩ nghĩa là cái tầm văn hoá được nâng cao. Ngành Than đã nhìn ra quá trình "nghệ sĩ hóa" thợ mỏ và tạo chất xúc tác để cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn, tạo điều kiện cho công nhân phát triển yếu tố trí tuệ, tính cách cá nhân, để thợ mỏ có đam mê, có ý thức sáng tạo thì họ thành văn nghệ sĩ.
Ngược lại, khi đã trở thành văn nghệ sĩ, những cựu thợ mỏ quay trở lại đóng góp cho ngành Than. Họ đã đưa hình ảnh đất và người Vùng mỏ hiện lên sinh động trong mỗi tác phẩm, tạo ra sự kết nối bền chặt, có giá trị to lớn không chỉ phục vụ cuộc sống trước mắt mà là lâu dài.
Tạo điều kiện để văn nghệ sĩ ngành Than tích cực sáng tác, biểu diễn văn học nghệ thuật, ngay từ năm 1979, Chi hội Văn học nghệ thuật Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của Tổng Công ty Than Việt Nam, sau này là TKV) ra đời và là chi hội văn học nghệ thuật đầu tiên của một đơn vị kinh tế trong cả nước. Năm 1995, ngành Than đã thành lập Câu lạc bộ Văn hoá công nhân. Nhờ sự quan tâm đó, lực lượng văn nghệ sĩ ngành Than đã và đang được bổ sung và có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều hội viên đã nhận được những danh hiệu cao quý của tỉnh, của Trung ương. Đến nay, trong ngành Than đã có 1 nghệ sĩ nhân dân, 1 nghệ sĩ ưu tú, 50 người là nghệ sĩ Vùng mỏ, nhiều người được tặng huy chương tại các kỳ hội diễn.
Nổi bật nhất là Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ từng là thợ điện mỏ Cọc Sáu. Những năm tháng thanh xuân, Quang Thọ cùng với Lê Dung thường xuyên hát cho công nhân nghe, giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất. Họ đã hát giữa công trường, hát ngay cả trong những căn hầm, hát dưới màn đêm không ánh sáng đèn chỉ có ánh chớp và tiếng nổ của bom đạn. Vùng than thời ấy vất vả và gian khó, nhưng với Quang Thọ và Lê Dung luôn là vùng đất ân tình, nơi lưu giữ những ký ức rất đẹp. Và như thể chính vùng than, chính những đêm thức cùng thợ mỏ đã tạo ra tiếng hát Quang Thọ, nhiều năm rồi giọng hát ấy vẫn vẹn nguyên một tình yêu quê hương xứ sở. Tiếng hát Quang Thọ đã làm vơi đi sự vất vả của người thợ lò. Và ở chiều ngược lại, chính sự cổ vũ, động viên của những người thợ đã làm cho tiếng hát Quang Thọ được chắp cánh để bay cao, bay xa hơn.
Những ngày bom Mỹ đánh phá miền Bắc, công nhân không được thắp điện, băng chuyền ngừng hoạt động, thợ mỏ vẫn phải dùng cuốc, xẻng khai thác than, đảm bảo tiến độ. Trong đêm tối, Quang Thọ thức trắng, say sưa hát, làm vơi đi những nhọc nhằn của họ. Nắng, gió, bụi than đất mỏ tôi luyện giọng ca, con người Quang Thọ. Ông còn kể những lần đi hát cùng anh chị em, đứng trên xe thùng đi trên những con đường dốc, xóc từ các mỏ Mông Dương đến Uông Bí. Có những hôm ông và các ca sĩ vừa đi, vừa hát, hát các show từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm.
Người thứ hai cần nhắc đến là Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long. Ông tên đầy đủ là Đỗ Đức Long, sinh năm 1960. Ông mồ côi cha mẹ từ khi 8 tuổi và từng làm đủ mọi nghề như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... để nuôi sống mình và có tiền ăn học. Sau này, ông vào làm công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai). Từ những lần xem ké đoàn văn công diễn chèo và cải lương, Đức Long đã bắt đầu đam mê ca hát. Khi làm công nhân, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động âm nhạc quần chúng của tỉnh. Đức Long từng đoạt được rất nhiều giải thưởng.
“Nói là làm công nhân mỏ nhưng tôi hầu như không phải lao động chân tay mà quanh năm đi biểu diễn phục vụ công nhân Vùng mỏ. Hồi ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ đi hát động viên, khích lệ công nhân hoàn thành chỉ tiêu mà Xí nghiệp giao phó. Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào về thời đã qua được cùng đội ca hát của Xí nghiệp liên tiếp giành vị trí đầu bảng trong các hội diễn ca nhạc không chuyên ở cả ba miền” - Nghệ sĩ Đức Long nhớ lại.
Nghệ sĩ Vùng mỏ Trần Minh Câu từng là đồng nghiệp với Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long ở ngành Than kể: “Trong hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành Than năm 1984, Đức Long không có tên trong danh sách tham dự. Nhưng mọi người vì quá say mê giọng hát của Đức Long nên đã điền tên anh trong phút chót, thế chân cho người khác. Không ngờ bắt đầu từ hội diễn đó, Đức Long đã khẳng định được mình với huy chương vàng và ngày càng trở nên nổi tiếng”.
Để có được phong trào nghệ thuật quần chúng phát triển mạnh và nhiều hạt nhân văn nghệ thành danh, ngành Than đã quan tâm đầu tư rất lớn. Tập đoàn đã tổ chức nhiều chương trình liên hoan nghệ thuật với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn TKV, cho biết, thời gian qua, Công đoàn TKV tổ chức rất nhiều hoạt động chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Những hoạt động đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động, tạo sân chơi bổ ích, tiếp thêm năng lượng cho công nhân để tiếp tục hăng say lao động, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm.
Không chỉ về số lượng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhận định: Trong phong trào quần chúng ở Quảng Ninh có nhiều hội diễn ngành mà ấn tượng nhất với chúng tôi là các hội diễn của ngành Than. Những hội diễn này là cái nôi, là vườn ươm, là nơi tập hợp lực lượng rất đông đảo, tự giác, có tổ chức với hiệu quả nghệ thuật cao.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()