Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:37 (GMT +7)
Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày - Bài 2: Đủ mánh lới lừa bán người cần việc
Thứ 6, 13/10/2023 | 08:00:00 [GMT +7] A A
Để thoát nghèo, nhiều chàng trai, cô gái đã rời bỏ quê hương, đi mưu sinh nơi đất khách, quê người. Trong số họ, có những người không may rơi vào tay bọn buôn người, bị bán ra nước ngoài hoặc đi lao động khổ sai dài ngày trên biển.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 88 vụ mua bán người với 229 tội phạm, 224 nạn nhân, tương đương cả năm 2022 (90 vụ, 247 tội phạm, 222 nạn nhân). Mua bán người đang diễn ra khắp nơi, nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn, nam lẫn nữ. Loạt bài của Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh bức tranh toàn cảnh về vấn nạn này.
Đưa người ra biển lao động khổ sai
8g, bến xe Rạch Sỏi (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đông nghịt người qua lại, trong đó có những thanh niên từ các tỉnh khác đến tìm việc làm ở cảng cá hoặc các tàu đánh bắt xa bờ. Trong vai người từ miền Trung đến tìm việc, chúng tôi đứng trước bến xe Rạch Sỏi chưa đầy 5 phút thì có 1 người đàn ông tiếp cận: “Tìm việc phải không? Tụi anh quen tài công nè, lên xe anh chở đi”.
Tiếp đó, 1 người đàn ông chạy xe tay ga đến, hối thúc: “Lên xe đi, nó chở xuống gặp tài công chứ đứng đây nói một hồi, người ta tìm được người rồi thì không tuyển nữa”. 2 người này cho biết, công việc mà chúng tôi sẽ làm là lựa cá và đóng túi cá; sau 90 ngày, chúng tôi sẽ được chia tiền công theo tiền lời của chuyến đi biển: “Em sẽ làm với 20 người chứ không phải một mình. Mỗi chuyến biển lời chừng 1-1,5 tỉ đồng, chia từ tài công xuống cho bạn ghe, người thấp nhất cũng được 40-50 triệu đồng”.
Theo quan sát của chúng tôi, ở bến xe Rạch Sỏi, có khoảng 4-5 người đàn ông chuyên lởn vởn để tìm người đi biển.
Thế nhưng, sự thật không như những tay “cò” hứa hẹn. Bến xe này là nỗi ám ảnh của Đinh Nỗ, Siu Phan và 2 thanh niên khác ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đầu năm 2023, có 1 người lạ đến xã Ia Blang tuyển thanh niên đi tỉnh Kiên Giang làm nghề phơi cá, hứa hẹn mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Tin lời, Đinh Nỗ, Siu Phan và một số người khác đến tỉnh Kiên Giang, nhưng khi đến bến xe Rạch Sỏi, nhóm này bị sang tay cho “cò” và đưa lên làm việc trên các tàu đánh cá.
Sau 100 ngày làm việc gần như kiệt sức trên biển, dù ghe đầy ắp cá, nhóm của Đinh Nỗ, Siu Phan không nhận được đồng tiền công nào. Lý do là tiền công đã bị cấn trừ vào phí môi giới cho “cò” trước đó. Thất vọng, nhóm 4 người định đi bộ từ Kiên Giang về Gia Lai nhưng may được 1 nhóm khách du lịch cho tiền về quê. Về đến nhà, Đinh Nỗ hay tin vợ đã qua đời.
Trong tháng 8/2023, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã giải cứu 3 ngư dân bị đánh đập trên tàu đánh cá, thương tích đầy mình. 3 nạn nhân đều thất nghiệp, được “cò” giới thiệu đi làm việc trên tàu cá. Trước khi đi, mỗi người được cho mượn 2 triệu đồng để gửi về nhà.
“Trên tàu, chúng tôi bị vắt kiệt sức, bị dùng cây gỗ đánh vào đầu, tay, chân” - nạn nhân tên C. - 39 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre - kể. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra vụ việc này do xác định có đường dây chuyên dụ dỗ, môi giới, mua bán lao động đi biển.
“Chuộc” phụ nữ ở tiệm massage, karaoke để bán
Cuối tháng 8/2023, Cao Bá Tuấn - 28 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - nhận được điện thoại của 1 người tên Tiện, cho biết 1 tiệm massage ở tỉnh Bình Dương cần người chuộc 1 cô gái với giá 30 triệu đồng. Thấy món hời, Tuấn rủ bạn mình là Nguyễn Lý Hồng Hiệp (23 tuổi) và Huỳnh Tiến Anh (21 tuổi) góp tiền chuộc cô gái ra để đem bán, kiếm lời.
Sau một hồi thương thảo, người tên Tiện đồng ý giảm giá chuộc người còn 19 triệu đồng. Nhóm Tuấn rủ thêm Dương Minh Ngọc (24 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) góp vốn làm chung. Ngọc đã cầm xe máy lấy 9 triệu đồng, cùng nhóm của Tuấn “chuộc” N.T.P.T. - 21 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai.
Cũng với cách thức trên, nhóm của Cao Bá Tuấn rủ thêm Vũ Văn Giáp (29 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) bỏ ra 17 triệu đồng để mua lại V.T.Y. - 15 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai - từ 1 quán karaoke. Sau khi “chuộc” T. và Y., nhóm này chở 2 nạn nhân đi trang điểm cho đẹp để dễ bán. Sau đó, nhóm này được Trần Thanh Gởi - 19 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp - môi giới để trò chuyện với 1 tài khoản trên Facebook tên Minh Đăng, là người Việt Nam đang sống ở Campuchia. Sau khi thỏa thuận, Minh Đăng đồng ý mua 2 nạn nhân với giá 130 triệu đồng. Nhóm của Tuấn thỏa thuận chi cho Gởi 30 triệu đồng phí môi giới và trực tiếp đưa 2 nạn nhân tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh để đưa sang Campuchia bán cho Minh Đăng.
Ngày 29/8, cơ sở bí mật của đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã nắm được hoạt động chuẩn bị đưa người qua biên giới bán của các đối tượng nên đã báo cáo lực lượng chức năng. Tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhóm 6 đối tượng trên chiếc xe mang biển kiểm soát 65A-336.95. Lúc này, 2 đối tượng đưa các nạn nhân đi trên xe khác thấy động nên đã quay đầu vào nội địa.
Nhận định đây là vụ mua bán người có tổ chức, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh đã thành lập ban chuyên án mang bí số TN823p. Khuya 31/8, ban chuyên án đã phối hợp với công an địa phương giải cứu 2 nạn nhân khi họ bị giữ ở 1 căn nhà trên đường Độc Lập, xã Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Hiện tại, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán người, bàn giao hồ sơ, vật chứng, người bị tạm giữ cho Công an huyện Bến Cầu thụ lý, đồng thời chuyển 2 nạn nhân cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tây Ninh.
Thiếu tướng Chhay SoKha - Phó cục trưởng Cục Tham mưu hành chính thuộc Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia Campuchia - cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã triệt phá 56 vụ bắt giữ người trái pháp luật, giải cứu gần 100 nạn nhân bị bọn buôn người lừa bán sang Campuchia.
Người lao động bị cấn trừ hết tiền công Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ban chỉ đạo 138) cho biết, có tình trạng mua bán lao động đi biển. Theo đó, các đối tượng mua bán người đã cấu kết với tài xế xe ôm ở nhiều tỉnh, thành để tìm người. Những tài xế xe ôm này tiếp cận người có nhu cầu tìm việc, chở họ tới bàn giao cho các đối tượng mua bán người, nhận tiền công. Hồ Lê Đưa người trái phép sang Lào qua ngõ Hướng Hóa Đại tá Phan Thanh Minh - Trưởng phòng Trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, phòng này đã phối hợp phá thành công 5 chuyên án, vụ án đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép, trực tiếp bắt giữ 51 đối tượng (gồm 26 người Trung Quốc, 9 người Lào, 16 người Việt Nam), giải cứu nhiều phụ nữ từ 18-25 tuổi. Theo đại tá Phan Thanh Minh, thay vì đưa người trái phép qua biên giới các tỉnh phía Bắc như trước đây, tội phạm chọn đưa người qua biên giới Việt - Lào ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - nơi có nhiều đường mòn, lối mở. Chúng thường lợi dụng lúc mưa to gió lớn, thay đổi ca trực để đưa người vượt biên trái phép qua những đường mòn dọc sông Sê Pôn. Thuận Hóa |
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()