Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:55 (GMT +7)
Kỳ niệm 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929-2021) Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn: Bắt đầu từ việc chuẩn hóa đội ngũ
Thứ 4, 28/07/2021 | 08:43:42 [GMT +7] A A
“Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở” là chủ đề công tác năm 2021 do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra. Thực hiện chủ đề này, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) luôn được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện.
Những năm qua, LĐLĐ Quảng Ninh đã quan tâm cao độ nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn. Việc thực hiện chủ đề năm cũng tăng cường một bước, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ CĐCS ngang tầm nhiệm vụ, có năng lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia tổ chức công đoàn.
Khi những thủ lĩnh phát huy vai trò
Hiện LĐLĐ tỉnh có 2.161 CĐCS trực thuộc, với 116.340 đoàn viên. Tổng số cán bộ CĐCS là 12.865 người, trong đó có 2.161 chủ tịch CĐCS. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ CĐCS là khá cao.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (FDI) Hà Tử Văn có kinh nghiệm 27 năm công tác với các chủ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc. Thông thạo tiếng Trung, hiểu được văn hóa, lại từng trải qua các vị trí quản lý trong doanh nghiệp chủ là người Trung Quốc, nên đây là lợi thế giúp anh Hà Tử Văn có được tiếng nói với chủ doanh nghiệp; là cầu nối giúp ông chủ người nước ngoài và NLĐ có được tiếng nói chung, hạn chế tối đa những mâu thuẫn thường thấy trong các doanh nghiệp FDI.
Anh Hà Tử Văn cho biết: Trước đây, các vị trí quản lý trong công ty đều do người Trung Quốc nắm giữ, do bất đồng về ngôn ngữ, nên thường nảy sinh mâu thuẫn. Tôi đã đề xuất và được lãnh đạo công ty đồng ý thay thế bằng quản lý người Việt Nam, nên hạn chế tối đa các mâu thuẫn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, BCH Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long đã phối hợp với chuyên môn bố trí 18 xe ô tô đưa đón hơn 700 CNLĐ đi làm hằng ngày, trong đó có 191 người ở địa bàn Bắc Giang. Khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, Công đoàn cùng chủ công ty đã bố trí 191 công nhân quê Bắc Giang ở lại gia đình, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định, được trả lương tối thiểu vùng và đóng BHXH đầy đủ.
Bản Thỏa ước lao động tập thể của công ty cũng đạt chất lượng loại A, với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ, như: 3 năm nâng lương 1 lần; hỗ trợ phụ cấp nhà ở 200.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ tiền xăng xe đi lại 260.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền gửi con cho công nhân mức 50.000 đồng/cháu/tháng; ăn ca 25.000 đồng; trợ cấp ATVSLĐ; các chế độ tiền thưởng năng suất, tiền chuyên cần; chế độ thai sản...
Gần 3.000 CNLĐ làm việc, nhưng Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long không có đơn thư khiếu nại, hay các vấn đề phức tạp xảy ra. Thu nhập của CNLĐ trực tiếp đạt 7-12 triệu đồng/người/tháng. NLĐ được làm việc trong môi trường điều hòa mát mẻ, sạch sẽ. Không có giãn công, giảm tiền lương trong bối cảnh đại dịch.
Có trình độ, am hiểu pháp luật, có kỹ năng thương lượng với chủ doanh nghiệp và đặc biệt là làm tốt công việc chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cầu phà Quảng Ninh Phạm Thị Hương đã thuyết phục được lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như trở thành chỗ dựa tin cậy của NLĐ. 17 năm làm công tác công đoàn, 6 năm giữ vị trí Chủ tịch CĐCS, chị Hương luôn nỗ lực để thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra với bản thân mình.
Những năm qua, dù Công ty CP Cầu phà Quảng Ninh đã trải qua nhiều khó khăn thách thức, nhưng chị Hương và BCH Công đoàn luôn cùng với Ban lãnh đạo công ty bàn bạc, đưa ra những phương án tốt nhất phát triển doanh nghiệp, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Nhờ vậy, 100% CNLĐ của Công ty Cầu phà Quảng Ninh đều được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, ký HĐLĐ. Thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cầu phà Quảng Ninh, khẳng định: Công đoàn đã thực sự trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ, cũng như tham gia nhiều giải pháp hiệu quả trong kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm
Việc đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được LĐLĐ tỉnh và công đoàn các cấp đẩy mạnh thực hiện. Đội ngũ cán bộ CĐCS được tập huấn, phổ biến thông tin đầy đủ. Mọi hoạt động của tổ chức đều có sự chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. LĐLĐ tỉnh cũng tổ chức làm việc với các chủ sử dụng lao động, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, tạo điều kiện cho CĐCS và đội ngũ cán bộ công đoàn hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật.
Cán bộ CĐCS dù gặp nhiều khó khăn, phải hoạt động kiêm nhiệm, ở nhiều doanh nghiệp chủ sử dụng lao động chưa hoàn toàn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công đoàn... song nhờ có tinh thần trách nhiệm cao, những chủ tịch CĐCS nói chung đã và đang cố gắng hết mình, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, hoạt động hiệu quả, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của CNLĐ, xây dựng tốt phong trào thi đua trong CNVCLĐ Quảng Ninh, phát triển doanh nghiệp.
Hằng năm, đã có 2.500 lượt cán bộ công đoàn khu vực ngoài nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công đoàn, kiến thức pháp luật, kỹ năng tổ chức các hoạt động của CĐCS.
Ông Đỗ Cao Thượng, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, cho biết: LĐLĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chủ đề, xây dựng kế hoạch tập trung một số nội dung. Trước tiên, rà soát, đánh giá lại số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ CĐCS, từ cấp tổ trở lên; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tùy theo từng đối tượng, loại hình doanh nghiệp, từng cơ sở; đồng thời, phân cấp việc đào tạo, bồi dưỡng cụ thể. Dự kiến năm 2021, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn sẽ tổ chức trên 500 hội nghị tập huấn cho cán bộ công đoàn, tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ cũng như công tác tham gia quản lý...
Có thể khẳng định, việc thực hiện chủ đề công tác năm 2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được LĐLĐ Quảng Ninh và các cấp công đoàn nỗ lực triển khai hiệu quả, góp phần thiết thực nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ CĐCS tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Phạm Hoài Ân:“Chọn lựa cán bộ CĐCS thực sự là thủ lĩnh của tập thể lao động”
Công đoàn cấp trên cơ sở không ngừng đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho cán bộ CĐCS, gắn lý luận với thực tiễn; đặc biệt kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong quan hệ lao động, những vấn đề mới về chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, NLĐ.
Làm tốt nhiệm vụ này, tổ chức công đoàn sẽ lựa chọn được những chủ tịch CĐCS có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, đại diện cho tập thể lao động, luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ.
Điều này sẽ giải quyết tận gốc các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần hài hòa các lợi ích giữa người sử dụng lao động và NLĐ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) Nguyễn Quang Mâu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS giỏi chuyên môn”
Đội ngũ cán bộ công đoàn công ty chúng tôi đều kiêm nhiệm và giữ các vị trí, chức vụ chủ chốt trong ban lãnh đạo công ty, cũng như tại các phân xưởng, tổ đội sản xuất. Hằng năm công ty xây dựng kế hoạch sản xuất, chỉ tiêu doanh thu đều có sự tham mưu, đóng góp của tổ chức Công đoàn.
Cán bộ công đoàn là người giỏi chuyên môn, nên nhìn nhận, đánh giá năng lực của từng tập thể, cá nhân NLĐ để giao kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mỗi khi Công đoàn đưa ra đề xuất các vấn đề, đều rất sát sườn, thiết thực, gắn với quyền lợi của NLĐ.
Vì vậy, ở mỗi doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ CĐCS phải là những người giỏi chuyên môn để gắn kết tập thể NLĐ trong đơn vị. Nhờ đó, nhiều năm qua hoạt động sản xuất của công ty chúng tôi vẫn duy trì ổn định. Sản phẩm gốm cao cấp của công ty đã mở rộng và chinh phục được 54 thị trường khó tính trên thế giới.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) Bùi Đức Tùng: “Cán bộ CĐCS được đào tạo, tập huấn thường xuyên để nâng cao trình độ”
Qua 6 năm làm Chủ tịch Công đoàn ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 5.000 CNLĐ, tôi cho rằng đội ngũ cán bộ CĐCS phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về pháp luật lao động.
Điều này rất quan trọng, nhất là trong KCN tập trung đông CNLĐ làm việc ở doanh nghiệp FDI. Có những vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, dẫn đến tranh chấp về hợp đồng lao động, lương, thưởng, môi trường làm việc, BHXH...
Vì vậy, cán bộ CĐCS nếu không được trang bị tốt kiến thức kỹ năng về tuyên truyền, thuyết phục, hướng dẫn, nắm bắt thông tin, truyền đạt cho NLĐ, thì sẽ rất khó giải quyết được vấn đề nảy sinh giữa các bên. Đồng thời, cán bộ CĐCS phải nắm rõ bản chất vấn đề, từ đó đề xuất với người sử dụng lao động để thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Công nhân Phân xưởng In Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng:“CĐCS phải chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động”
Cán bộ CĐCS là những người trực tiếp sâu sát với NLĐ tại nơi làm việc trong tổ, đội, phân xưởng sản xuất ở doanh nghiệp. Cán bộ CĐCS phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ về điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, khám sức khỏe, thu nhập... Từ đó có những giải pháp đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Cùng với đó, CĐCS thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, phổ biến kiến thức pháp luật cho NLĐ. Qua đó giúp NLĐ nắm bắt đầy đủ thông tin, nội dung chủ trương, chính sách, pháp luật lao động, để chấp hành nghiêm theo quy định. Ngược lại, khi có những vướng mắc trong quá trình làm việc trái với quy định pháp luật, NLĐ sẽ kiến nghị đề xuất đến tổ chức Công đoàn để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Thanh Hằng - Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()