Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:44 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng hoạt động của các KKT, KCN
Thứ 5, 16/11/2023 | 08:51:13 [GMT +7] A A
Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế quan trọng mà Quảng Ninh tập trung ưu tiên phát triển. Từ định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn liền với phát triển bền vững các KCN, KKT được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra trong Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020, thời gian qua tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các KCN, KKT trên địa bàn.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, trên địa bàn Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 5 KKT, 23 KCN; trong đó có 15 KCN thuộc địa bàn các KKT.
Hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích là 3.951,22ha; 8 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp thuê và đi vào hoạt động, gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà (giai đoạn 1), Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong. Cả 5 KKT trên địa bàn nằm trong quy hoạch được phê duyệt đều đã có quyết định thành lập, gồm 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển.
Để thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các KCN, KKT trên địa bàn, thời gian qua Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN; đầu tư đồng bộ hệ thống điện, viễn thông, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các KCN, KKT.
Cùng với đó, tỉnh triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT tỉnh giảm từ 98 thủ tục xuống còn 47 thủ tục. Cả 47 thủ tục này đều được tích hợp mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh, trong đó nhiều thủ tục tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ban Quản lý KKT tỉnh đã thực hiện tốt công tác đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh việc hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp hồ sơ qua mạng, ứng dụng phương pháp làm việc hiệu quả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, như: Làm việc và hỗ trợ trực tuyến với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường thực hiện TTHC toàn trình và một phần; tiếp nhận, giải quyết TTHC qua mạng; duy trì liên lạc và phối hợp với đơn vị chuyên môn của các sở, ngành và UBND các địa phương hướng dẫn những nội dung chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án; nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dự án hoạt động trên địa bàn KCN, KKT...
Ban Quản lý KKT tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ dự án đầu tư vào các KCN, KKT với nhiều cách làm mới, thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, nhằm mục tiêu thu hút những dự án chất lượng, ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, phù hợp với chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương và tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, Ban Quản lý KKT tỉnh cũng phối hợp cùng các sở, địa phương, doanh nghiệp quản lý, thu hút lao động vào các KCN; tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động, BHXH, ATVSLĐ, lao động người nước ngoài cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác nhân sự, cán bộ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp trong KCN; thực hiện cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài trong KCN. Hiện có khoảng 1.600 lao động người nước ngoài có mặt trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, thu hút vốn đầu tư FDI, vốn đầu tư trong nước vào các KCN đã chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường. 10 tháng năm 2023, Ban Quản lý KKT tỉnh tham mưu UBND tỉnh đón tiếp, làm việc với 12 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và chủ trì tiếp xúc, làm việc với khoảng 50 lượt đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, như: Autoliv (Thụy Điển); Foxconn, Vỹ Trọng (Đài Loan); TCL (Hồng Kông); Bumjin (Hàn Quốc); Yazaki (Nhật Bản)...
Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, tổng vốn thu hút vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý KKT tỉnh đạt gần 114.329,06 tỷ đồng, đạt 228,66% kế hoạch thu hút đầu tư theo Kịch bản tăng trưởng năm 2023.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 70 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN, trong đó có 41 doanh nghiệp FDI. Số lao động trong các KCN là khoảng 37.000 người. Thu nhập bình quân của lao động trong khối FDI là 7,9 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác quản lý, phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp và kinh tế - xã hội của Quảng Ninh; hình thành được hệ thống quy hoạch tổng thể các KCN, KKT. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 11,77%; đóng góp 1,49 điểm % tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()