Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:19 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn
Thứ 4, 24/02/2021 | 07:15:15 [GMT +7] A A
Cùng với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tiếp tục góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững...
Lớp đào tạo nghề điện dân dụng năm 2020 tại thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ. Ảnh: Hằng Ngần |
Những năm gần đây, đời sống kinh tế của nhân dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ ngày càng được nâng cao, vì thế nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, trong đó có lắp mới hệ thống điện trong gia đình ngày càng tăng. Nắm bắt thực tế đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với UBND xã Thanh Sơn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp đào tạo nghề điện dân dụng tại thôn Khe Lọng Ngoài, với khoảng 20 học viên. Thông qua lớp học, nhiều nhóm học viên đã thành lập các tổ đội xây dựng từ 15-20 lao động/tổ, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Huyện Ba Chẽ đã tiến hành tuyên truyền, rà soát nhu cầu của người lao động, sau đó tổng hợp, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trung tâm dạy nghề của tỉnh, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Thông qua chương trình đào tạo nghề đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp khoảng 400-500 lao động tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm mới mỗi năm.
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người học, của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH của cả nước, từng vùng, từng địa phương. |
Không chỉ ở huyện Ba Chẽ, việc nghiên cứu nhu cầu của người lao động nông thôn để mở các lớp dạy nghề phù hợp cũng được nhiều địa phương thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX Quảng Yên, từ năm 2010 đến nay, thị xã đã tổ chức 10 cuộc điều tra, khảo sát với tổng số hộ dân khảo sát điều tra 21.500 hộ.
Tổng số người được điều tra có nhu cầu và đã đăng ký học nghề trên 7.200 người. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp giai đoạn 2010-2019 là gần 7.900 người. Qua đó, định hướng nghề nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, ưu tiên nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động.
Các lớp dạy nghề cơ bản đáp ứng được nguyện vọng học nghề của lao động nông thôn cũng như định hướng phát triển KT-XH ở địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, nhất là trước đòi hỏi phát triển trong tình hình mới. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, một số cơ sở đào tạo quan tâm tuyển sinh đầu vào nhưng chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường lao động cần tuyển dụng, dẫn đến chất lượng đào tạo hạn chế, một bộ phận lao động nông thôn chưa thực sự cố gắng vươn lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn...
Dự báo trong 10 năm tiếp theo, việc đầu tư phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến yêu cầu lao động trong nông nghiệp cần phải được đào tạo cũng tăng cao. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội chiếm khoảng 18-20%.
Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho học sinh trên địa bàn TX Quảng Yên. |
Để thực hiện mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhất là theo xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề của các doanh nghiệp lớn ở ngành Than, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tăng cơ hội có việc làm cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với các mô hình sản xuất, doanh nghiệp, nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ.
Đồng thời, có cơ chế tài chính, thời gian đào tạo phù hợp để đảm bảo mức hỗ trợ đủ kinh phí đào tạo cho nông dân lành nghề, gắn mức độ chuyên môn hóa trong lao động nông nghiệp với việc sử dụng đất nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ đào tạo lao động theo nhu cầu của người sử dụng, gắn với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể và định hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp của địa phương; tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong hệ thống khuyến nông, trung tâm dạy nghề... Đồng thời, triển khai các chương trình khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các đơn vị cũng cần quan tâm đến việc hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp với các tỉnh, trường đại học, viện nghiên cứu để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất các đối tượng giống mới, đào tạo nguồn nhân lực. Trong quá trình đào tạo cần ưu tiên các nhóm đối tượng là thanh niên, phụ nữ, lao động là hộ nghèo và lao động không có chuyên môn kỹ thuật, tạo sinh kế bền vững.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()