Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:23 (GMT +7)
Để nâng cao giá trị kinh tế của rừng
Thứ 3, 24/10/2023 | 13:56:58 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, làm giàu rừng, chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây đặc sản, đẩy mạnh các mô hình kinh tế dưới tán rừng... là giải pháp Quảng Ninh đang triển khai để nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích rừng một cách hiệu quả.
"Làm giàu rừng” làm nền tảng
Quảng Ninh có một thời kỳ dài thi đua triển khai các dự án trồng rừng. Những cánh rừng được gọi theo tên của các dự án trồng rừng như: 661, Việt Đức, JICA nối tiếp nhau hình thành, phủ xanh những vùng đồi núi trọc cằn cỗi, những vùng đất ngập nước, ven biển. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh từ chỗ chưa đầy 40% những năm trước 2000 đến nay đã đạt trên 55%. Toàn tỉnh hiện nay, những diện tích đất quy hoạch thành đất lâm nghiệp có thể trồng rừng đều đã có rừng, đặc biệt là trên 175.000ha diện tích rừng trồng là những cánh rừng keo, bạch đàn, thông, hồi, sở, quế... xanh ngắt tốt tươi. Mỗi héc ta rừng trồng như vậy sau mỗi chu kỳ khai thác đạt 70-200 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Gần đây, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc trồng mới, trồng xen, trồng bổ sung trên diện tích rừng phòng hộ. Thông qua các nguồn vốn ngân sách, vốn sự nghiệp lâm nghiệp, vốn trồng rừng thay thế, vốn của chủ rừng... những diện tích rừng đầu nguồn, rừng biên giới, rừng cảnh quan môi trường được làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng. Kể từ năm 2019 đến nay, Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh về trồng rừng gỗ lớn đi vào triển khai, không chỉ 2 địa phương hưởng lợi nghị quyết là Ba Chẽ và Hạ Long mà trên toàn tỉnh đều nhân rộng diện tích rừng gỗ lớn, rừng cây bản địa với các loại cây thông, hồi, sở, quế, sa mộc, lim, giổi, lát... Đến nay Nghị quyết 337 đang được tỉnh xem xét theo hướng mở rộng, theo đó, người trồng rừng, doanh nghiệp lâm nghiệp toàn tỉnh đều được hưởng lợi từ chính sách. Đặc biệt kể từ năm 2022 đến nay, việc tỉnh Quảng Ninh khuyến khích lấy cây lim, giổi, lát là lựa chọn ưu tiên trong trồng rừng gỗ lớn đã khiến Quảng Ninh có hàng ngàn héc ta loại rừng này, bao gồm cả diện tích rừng lim, giổi, lát trồng trên đất rừng sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Rừng có nhiều giá trị, tuy nhiên giá trị nào cũng phải bắt đầu từ chất lượng rừng tốt, đa dạng sinh học, đa tầng tán. Trong điều kiện hiện nay, Quảng Ninh đang có diện tích rừng lớn và chất lượng rừng tốt, đây là nền tảng để gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi héc ta rừng.
Khuyến khích các mô hình sản xuất dưới tán rừng
Trong 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của Quảng Ninh, diện tích rừng sản xuất là 175.000ha, đây là con số lớn, có khả năng cung ứng lượng gỗ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất phục vụ xã hội. Tuy nhiên đến trên 90% diện tích rừng sản xuất của Quảng Ninh đều là rừng keo và các chủ rừng thường chặt keo non, keo nhỏ để bán, mang lại giá trị thấp.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, cây keo là cây mọc nhanh, quá trình sinh trưởng của cây tốt cho đất, cây đạt chất lượng gỗ khá tốt, đạt chuẩn để làm gỗ nội thất khi thu hoạch ở tuổi trưởng thành (10-12 năm), tức để rừng ở dạng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên khi thu hoạch keo non (5-6 năm), là rừng gỗ nhỏ như hiện nay, gỗ keo chỉ có thể băm dăm gỗ hoặc ở dạng mùn cưa, giá trị thấp, ngoài ra còn ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí. Chênh lệch kinh tế giữa rừng keo gỗ nhỏ và rừng keo gỗ lớn là rất cao, thường thì 1ha keo gỗ nhỏ đạt 50-60 triệu đồng, trong khi 1ha keo gỗ lớn đạt 100-150 triệu đồng.
Mặc dù nhận thức khá rõ vấn đề này, tuy nhiên từ nhiều nguyên nhân hiện toàn tỉnh mới có khoảng gần 10% diện tích trồng keo là rừng gỗ lớn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường chuyển hoá từ rừng keo gỗ nhỏ sang rừng keo gỗ lớn, hoặc ngay từ đầu trồng mới rừng keo gỗ lớn. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng điều này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh gần như toàn bộ rừng trồng của Quảng Ninh hiện nay đang là rừng keo. Không chỉ chuyển hoá rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn là mà diện tích rừng sản xuất hiện nay còn cần phải được cấp chứng chỉ rừng, vì đây là điều kiện để gỗ nguyên liệu có thể được xuất khẩu, đảm bảo về đầu ra và mang lại giá trị cao hơn hiện nay.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 175.000ha rừng trồng mới có khoảng 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng, còn trên 165.000ha rừng trồng của toàn tỉnh hiện nay cần cấp chứng chỉ rừng. Được biết mới đây, các địa phương đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025 là 23.000ha rừng. Như vậy đến hết năm 2025, Quảng Ninh mới có chưa đến 40.000ha rừng được cấp chứng chỉ, chiếm 23% tổng diện tích rừng sản xuất, con số này là chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Cùng với việc nhân rộng các cánh rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ cho rừng, Quảng Ninh cần đẩy mạnh loại hình kinh tế rừng kết hợp với những mô hình cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng, du lịch sinh thái rừng... Thực tế hiện nay tại một số địa phương đã xuất hiện một số mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp cây ăn quả trên vùng đồi thấp, trồng dược liệu dưới tán rừng ở khu vực rừng núi cao, xây dựng một số điểm phục vụ ăn uống, vui chơi trong rừng... Tuy nhiên những mô hình này chủ yếu là nhỏ lẻ và có tính tự phát, chưa được chứng nhận hay cấp phép phù hợp với những thủ tục hành chính theo quy định. Điều này cho thấy cần có những hướng dẫn cụ thể, có hành lang pháp lý một cách rõ ràng cho các đơn vị quản lý rừng và chủ rừng thực hiện. Cùng với đó việc ban hành những chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho chủ rừng tiếp cận những chính sách hỗ trợ thiết thực để đẩy mạnh kinh tế rừng, phát triển những mô hình sản xuất dưới tán rừng, lấy đây là trợ lực nâng cao giá trị kinh tế rừng... là giải pháp cần phải tính đến.
Việt Hoa
- Quyết tâm xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm lâm nghiệp của tỉnh
- Thông báo tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023
- Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
- Tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023
Liên kết website
Ý kiến ()