Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:24 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thứ 6, 29/12/2023 | 10:28:17 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Lê Cao Long, tổ Đại biểu thành phố Cẩm Phả chất vấn: Công tác xây dựng và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội... của tỉnh ta hiện nay còn bất cập, một số nội dung còn chậm triển khai, có nội dung chưa đi vào thực tiễn hoặc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, Sở có giải pháp gì trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh.
Sở Tư pháp trả lời như sau:
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã và đang được Trung ương quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, vào tháng 4/2021, Chính phủ đã dành riêng một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng hoàn thiện thể chế.
Đối với Quảng Ninh, công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Điển hình như:
Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 32-CTHĐ/TU ngày 1/6/2023 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 11/7/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tư pháp trong tình hình mới, trong đó có nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Về kết quả công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 193 văn bản (trong đó 52 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 141 Quyết định của UBND tỉnh) để kịp thời quy định cụ thể những nội dung được Trung ương giao chính quyền địa phương, đồng thời thể chế hóa các chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó đã tập trung xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số nội dung còn chậm triển khai, có nội dung chưa đi vào thực tiễn hoặc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Là cơ quan chuyên môn giúp việc UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Tư pháp cũng đã đánh giá, phân tích và xác định bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như: Còn có văn bản QPPL do Trung ương ban hành chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nên địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định khi tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy định chi tiết; Việc không thành lập được phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là:
Thứ nhất: Một số sở, ngành chưa thực sự quan tâm, chú trọng rà soát các văn bản QPPL cấp trên giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi.
Thứ hai: Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, còn có cơ quan, đơn vị chưa kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực ngành quản lý để đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách.
Thứ ba: Việc thực hiện quy trình xây dựng văn bản QPPL, còn xảy ra tình trạng thiếu chủ động, chưa làm tốt khâu đánh giá tác động của chính sách.
Thứ tư: Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 43/CT-TTg ngày 11/12/2020, Văn bản số 301/TTg-PL ngày 6/4/2022 và của UBND tỉnh tại Văn bản số 3659/UBND-PC ngày 9/6/2022 về công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Từ những đánh giá, nhận định nêu trên; để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh trong thời gian tới, Sở Tư pháp đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
Một là: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Theo đó, yêu cầu chặt chẽ đối với hoạt động tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách.
Hai là: Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thẩm định văn bản QPPL, đảm bảo dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp nhất là tính khả thi của văn bản đối với những cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh; kiên quyết trong việc không tham mưu trình cấp có thẩm quyền đối với những dự thảo chưa đảm bảo chất lượng và trình tự thủ tục ban hành. Ba là: Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh trong việc theo dõi tiến độ, quy trình soạn thảo xây dựng dự thảo văn bản QPPL theo chỉ đạo của Thường trực HĐND và UBND tỉnh để kịp thời tham mưu chỉ đạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả dự thảo văn bản QPPL.
Bốn là: Chủ động phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh trong công tác tự kiểm tra văn bản QPPL do HĐND và UBND các cấp ban hành trên địa bàn tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc xử lý đối với các văn bản trái quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản QPPL đã hết hiệu lực, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm là: Tích cực tham mưu cho tỉnh quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế trong toàn tỉnh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()