Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:28 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể
Thứ 3, 13/06/2023 | 10:26:00 [GMT +7] A A
Với sự quan tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể từ hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn, đến xúc tiến thương mại, đào tạo... thời gian qua, số lượng HTX, tổ hợp tác trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng tăng, hoạt động hiệu quả; qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh triển khai các chính sách của Trung ương, Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, trong đó trọng tâm là các HTX. Hằng năm, các chính sách về tài chính, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý... được các sở, ban, ngành, địa phương và Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Từ năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh và Sở NN&PTNT đã mở 18 lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 540 người là thành viên HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát, kế toán, cán bộ quản lý, cán bộ làm công việc chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX. Nội dung tập trung vào việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá và thương mại sản phẩm; phân tích thị trường và lựa chọn địa điểm kinh doanh; xây dựng chuỗi giá trị nông sản và vai trò của HTX trong sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng KHKT trong lĩnh vực nông nghiệp…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường chính sách giúp các HTX, tổ hợp tác tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân, tổ hợp tác với tổng kinh phí phê duyệt 21.642,9 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 12.997 triệu đồng, đối ứng 8.645,9 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX cũng được triển khai tích cực. Từ năm 2022 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 20 HTX nông nghiệp thành lập mới, với kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng; qua đó góp phần giúp HTX mới thành lập tìm hiểu thông tin, tư vấn tuyên truyền chính sách, pháp luật, mua sắm trang thiết bị văn phòng ban đầu phục vụ cho hoạt động của HTX.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên), cho biết: Thời gian qua, HTX luôn nhận được sự quan tâm của huyện, của xã. Chúng tôi đã được xã quy hoạch gần 600ha mặt nước để chăn nuôi vịt. Mỗi hộ gia đình khi tham gia mô hình chăn nuôi theo hướng mới đều được cung ứng 125 con vịt biển giống, hỗ trợ 50% kinh phí thức ăn và thuốc thú y; hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi. Hiện HTX Chăn nuôi vịt Đồng Tiến có 30 hộ tham gia mô hình nuôi vịt biển lấy trứng, với tổng đàn khoảng 17.000 con, cung ứng ra thị trường 13.000 quả trứng vịt biển mỗi ngày.
Hoạt động hỗ trợ HTX, tổ hợp tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng được tỉnh và các địa phương triển khai mạnh. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh hỗ trợ 4 HTX ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới. Quảng Ninh còn thường xuyên quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Một số địa phương hỗ trợ kinh phí cho các HTX thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, in bao bì sản phẩm như: Na dai, cam, vải, gạo nếp cái hoa vàng, chè, trà hoa vàng, ba kích, miến dong…
Trong tổng số 72 HTX tham gia Chương trình OCOP của tỉnh có 70 HTX nông nghiệp với 153 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm, hàng hóa đã được xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng, được thị trường chấp nhận, đóng góp thiết thực trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Quảng Ninh còn tăng cường thu hút, vận động các HTX, tổ hợp tác đầu tư, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia; trong đó, một số HTX đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) liên kết với Công ty TNHH OISY đầu tư sản xuất và tiêu thụ củ khoai tây với diện tích 40ha; HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) liên kết với Công ty CP Than Mạo Khê cung cấp rau, gạo, trứng, thịt, cá an toàn cho bếp ăn của công ty; Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh (TP Hạ Long) liên kết với Công ty CP Sachainchi Việt Nam, Công ty CP Trà Tân Cương Hoàng Bình, Công ty CP Tinh dầu và dược liệu Việt Nam, Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh để cung cấp nguyên liệu, chế biến và kỹ thuật trồng trọt, cũng như chế biến sản phẩm bánh, kẹo...
Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế tập thể của tỉnh, các địa phương và sự tự lực của các HTX, tổ hợp tác, thời gian qua, số HTX, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 408 hợp tác xã đang hoạt động. Doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt 850 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng. Toàn tỉnh còn có 215 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp và 230 trang trại. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/năm. Giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()