Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 05:32 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
Thứ 6, 07/04/2023 | 09:07:52 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 16/6/2020) của Ban Chấp hành Trung ương “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngày 21/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Qua đó nhằm nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM và tái cơ cấu nghành nông nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng; xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hợp tác đa dạng, bền vững giữa tổ hợp tác (THT), HTX với các chủ thể kinh tế khác.
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp HTX, 643 HTX, 210 tổ hợp tác; trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 70% tổng số HTX, THT. Doanh thu bình quân 650 triệu đồng/HTX, 270 triệu đồng/THT; lãi bình quân 290 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân lao động HTX 68 triệu đồng/người/năm, THT là 39,6 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đăng ký của 3 liên hiệp HTX là 66,1 tỷ đồng. Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các liên hiệp HTX đã dần chứng minh được tính hiệu quả, dẫn dắt vai trò kinh tế tập thể nòng cốt HTX phát triển liên kết theo hướng bền vững.
HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) thành lập năm 2010 với 7 thành viên. Đến năm 2014, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. HTX hiện tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định. Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX cho biết: HTX luôn quan tâm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. HTX sản xuất theo chuỗi kép kín từ khâu chọn con giống, quy trình sản xuất, chăm sóc, bảo quản đến đưa ra thị trường. HTX hiện có các sản phẩm chủ lực: Rau an toàn, gạo, bột sắn, hành sấy khô… Năm 2022 HTX sản xuất khoảng 700 tấn nông sản, doanh thu gần 300 tỷ đồng.
Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng NTM; tham gia hiệu quả vào chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 72 HTX tham gia vào chương trình OCOP, chiếm 11,1% tổng số HTX. Nhiều HTX quan tâm hỗ trợ thành viên khi gặp khó khăn, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định ANTT địa bàn.
Mặc dù kinh tế tập thể đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn chưa đáp ứng được so với kỳ vọng. Các HTX phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý hạn chế; nguồn vốn hoạt động còn thiếu; chất lượng sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường; HTX thành lập mới chủ yếu tập trung lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể còn mang tính hình thức, chưa khai thác được tiềm năng thế mạnh địa phương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, giải pháp trước tiên là tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng; xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hợp tác đa dạng, bền vững giữa THT, HTX với các chủ thể kinh tế khác. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả ngành, lĩnh vực, địa bàn; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn; nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 230 THT với trên 1.000 thành viên; 650 HTX với khoảng 60.000 thành viên; 5 liên hiệp HTX với 50 HTX thành viên hoạt động ổn định, hiệu quả. Trong đó có ít nhất 50% HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; từ 20-30% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa nông sản xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Mục tiêu đến 2045, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực với trên 90% HTX hoạt động hiệu quả, 75% HTX tham gia các chuỗi liên kết.
Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN; thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia THT, HTX để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()