Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:06 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Thứ 7, 24/09/2022 | 11:37:33 [GMT +7] A A
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chất lượng, vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng nhiều và đa dạng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 53.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh nên khó khăn trong việc kiểm soát ATTP và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về vệ sinh ATTP, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đối với sức khỏe con người; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn... Cụ thể, trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu..., công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng. Việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp đã góp phần giảm sự chồng chéo trong chỉ đạo thực hiện. Qua các đợt thanh, kiểm tra, các ngành chức năng cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực hiện tốt các quy định về bảo đảm ATTP.
Để công tác quản lý nhà nước về ATVSTP được thông suốt và đạt hiệu quả cao, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để quản lý, thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về ATTP từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn, ngày càng phát huy hiệu quả. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được quan tâm chú trọng.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân cùng giám sát chất lượng VSATTP, các sở, ngành có chức năng quản lý ATTP còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, Sở NN&PTNT duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin của 61 đơn vị, 314 sản phẩm thực phẩm vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản; đăng tải 197 sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; phối hợp cùng Sở TT&TT, Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa thông tin hơn 400 cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm nông nghiệp lên một số sàn thương mại điện tử trong nước. Sở Công Thương thường xuyên thông tin các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; kết nối khoảng 80% sản phẩm OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử có uy tín...
Ngành Y tế tỉnh duy trì nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP nhằm phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước về ATTP; đầu tư kiện toàn, củng cố phòng thí nghiệm ATTP (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017, ISO/IEC 15189: 2012; duy trì tốt 165 chỉ tiêu kiểm nghiệm ATTP; kiểm nghiệm nhanh ATTP được thực hiện tại 13/13 địa phương. Bên cạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngành Y tế tỉnh phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân về đảm bảo ATTP. Từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức hàng chục hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho trên 2.500 người là cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; gần 1.700 buổi tọa đàm, nói chuyện lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho trên hàng trăm nghìn lượt người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng. Ngày 5 hằng tháng, Sở Y tế tổng hợp toàn bộ danh sách cơ sở bị xử lý, xử phạt vi phạm về ATTP báo cáo UBND tỉnh, gửi Trung tâm Truyền thông tỉnh công khai trên sóng phát thanh, truyền hình.
Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc trong công tác đảm bảo ATTP; phát động phong trào thực hiện các tiêu chí về VSATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục duy trì hiệu quả 345 câu lạc bộ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 13 mô hình điểm phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các cấp chính quyền, đơn vị chức năng tỉnh đang nỗ lực hết mình để đảm bảo cho sức khỏe của nhân dân và du khách, góp phần nâng cao chất lượng sống, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Có thể thấy, Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác ATTP trên địa bàn, góp phần quan trọng để mỗi người dân được thực hiện quyền cơ bản đối với mỗi con người là quyền được tiếp cận với thực phẩm an toàn. Tại Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh”. Đây sẽ là những định hướng rất quan trọng để xây dựng tỉnh Quảng Ninh là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho hàng chục triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Theo đó, công tác ATTP tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Bởi vậy, thời gian tới, mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục có trách nhiệm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong thực hiện pháp luật về ATTP.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()