Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:02 (GMT +7)
Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai
Thứ 5, 09/09/2021 | 06:55:19 [GMT +7] A A
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, trong đó thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Chính vì thế, trong những năm qua, Quảng Ninh luôn xác định nâng cao năng lực phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.
Theo đó, công tác phòng chống thiên tai được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai và được triển khai theo 3 bước cơ bản (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả); từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và theo đúng quy định của pháp luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 39-CT/TU ngày 4/6/2020 về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh còn phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và phương án bảo vệ các vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai...
Hằng năm, tỉnh cũng chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Đối với mỗi đợt thiên tai, cùng với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, tỉnh cũng ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó một cách kịp thời. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai được đẩy mạnh.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi có thiên tai xảy ra. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh kiên cố hóa trên 248km kênh mương, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên đến gần 1.890km; trong đó, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình cơ bản đã được kiên cố hóa. Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 290 công trình kênh mương được xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh còn tập trung sửa chữa nâng cấp gần 97km đê, 35,85km kênh, 162 cống tiêu dưới đê, trong đó có các tuyến đê quan trọng, như: Đê Hà Nam và đê Yên Giang (TX Quảng Yên), đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn); xây mới, nâng cấp sửa chữa 84 hồ chứa nước; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 22 trạm bơm tiêu...
Hệ thống công trình thủy lợi cũng được nâng cao, phần nào đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Quảng Ninh còn phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm: Vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập, để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiên phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2.
Hằng năm, các địa phương luôn chủ động nạo vét, mở rộng hệ thống thoát nước; nâng công suất trạm bơm tiêu; thực hiện các giải pháp xử lý tiêu thoát nước chống ngập úng ở các khu dân cư tập trung, vùng thấp, trũng.
Để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, Quảng Ninh còn tích cực trồng và bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Trung ương. Từ giữa năm 2017 đến nay, tỉnh không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng, không khai thác, tận thu gỗ rừng tự nhiên; ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng; giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nhờ vậy, đến nay diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ nguyên trạng với hơn 122.000ha.
Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực vận động người dân trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhờ đó, điện tích rừng các loại của Quảng Ninh tăng khá nhanh, đến nay đạt hơn 370.380ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Điều này góp phần hạn chế biến đổi khí hậu xảy ra, bảo vệ được nguồn nước ngọt trên địa bàn, hạn chế tình trạng sạt lở, xói mòn đất.
Việc nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của Quảng Ninh góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mỗi khi có thiên tai xảy ra; qua đó giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()