Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 00:21 (GMT +7)
Nâng cao vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng - nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh
Thứ 4, 28/01/2015 | 19:59:45 [GMT +7] A A
Phát biểu tham luận của PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tại Hội thảo khoa học nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng.
PGS. TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. |
I- Nhận thức về nâng cao vai trò cầm quyền của Đảng trong điều kiện thực tiễn tỉnh Quảng Ninh
1- Định vị Quảng Ninh
Trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế: (1) Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. (2) Có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới Vịnh Hạ Long và những khác biệt đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long cùng hơn 500 di tích, danh lam thắng cảnh. (3) Có trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. (4) Xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. (5) Nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. Đây là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển; nhưng đi liền với đó là những thách thức về quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Quảng Ninh đang đối mặt với: Hai mâu thuẫn là giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than với phát triển du lịch trên cùng một địa bàn. Bốn thách thức là: vừa phải phát triển kinh tế vừa phải góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; giữa tăng trưởng nhanh với đảm bảo an sinh xã hội. 9 tồn tại hạn chế, yếu kém: Chưa kịp thời hiện thực hóa khát vọng to lớn của nhân dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển; tăng trưởng nóng, còn dựa nhiều vào ngành than và để lại hậu quả môi trường nghiêm trọng; đầu tư công còn dàn trải, chỉ số ICOR cao; khoảng cách giàu nghèo còn lớn, thu nhập người dân ở nông thôn còn thấp; bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới so với tình hình thực tế; tiêu cực, tham nhũng đã từng bước được khắc phục, đẩy lùi nhưng chưa thực sự bền vững; hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; chưa phát huy được lợi thế sẵn có để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn ít.
Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI và các Nghị quyết, Kết luận của TW khóa XI từ đầu nhiệm kỳ đến nay; với mục tiêu theo Thông báo 108-TB/TW của Bộ Chính trị: “Đến năm 2020 xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của Miền Bắc và cả nước… trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế”; với quan điểm phát triển là dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; với triết lý phát triển là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột chính: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, hội nhập; trên cơ sở đó xây dựng nền hành chính hiện đại, phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
II- Nhận thức về việc nâng cao vai trò cầm quyền của Đảng
Đảng ta đã có quá trình lâu dài đổi mới nhận thức về vấn đề cầm quyền, lãnh đạo. Trong tác phẩm Đường cách mệnh năm 1925, Hồ Chí Minh viết: “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công - nông - binh…”; Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền...”. Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX đến nay, Đảng ta đề cập nhiều hơn đến vấn đề cầm quyền. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu rõ: "Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền”. Sự chuyển biến đã thể hiện tại cấp độ cao nhất: từ Cương lĩnh 1991: “xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, … do Đảng cộng sản lãnh đạo”; đến Cương lĩnh 2011 đã được phát triển thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Để pháp điển hóa luận điểm trên, Hiến pháp 2013 quy định Đảng là “…lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Tuy nhiên, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta cũng đã chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”
Ở Quảng Ninh, đứng trên quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta: đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Tỉnh đã xác định trọng tâm cốt lõi của nhiệm vụ đổi mới, nâng cao vị thế cầm quyền của Đảng trong điều kiện của Tỉnh là: “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Đó là nội dung của Đề án được tỉnh chỉ đạo xây dựng, thực hiện từ tỉnh đến cơ sở một cách quyết liệt trong hơn 1 năm qua (Đề án 25). Tỉnh nhận thức rất rõ: đây là những vấn đề khó, phức tạp, nhiều nội dung chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề lý luận và khoa học đang trong quá trình tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, đứng trên tư tưởng có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt: “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; “vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc”; “xây dựng một nhà nước ít tốn kém”; “xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân và gọn nhẹ”, Tỉnh vẫn mạnh dạn đặt ra, nghiên cứu, từng bước giải quyết các vấn đề với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất.
III- Một số vấn đề nổi lên trong thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh
1- Về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
Tỉnh đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thông qua: (1) Nâng cao năng lực nhận thức quy luật khách quan, năng lực dự báo và tầm nhìn; định vị lại, từ đó xác định được triết lý phát triển. (2) Vận dụng linh hoạt trong điều kiện thực tế của tỉnh để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. (3) Trong công tác cán bộ, đã đổi mới cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ; thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành; ưu tiên nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. (4) Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một cách có hệ thống. (5) Đẩy mạnh công tác tư tưởng, tổng kết lý luận; hoàn thành tổng kết lý luận qua 30 năm đổi mới ở Quảng Ninh; coi trọng nghiên cứu, vận dụng lý luận thông qua các hội thảo, hội nghị khoa học. (6) Tính chiến đấu được nâng lên, thể hiện qua việc mạnh dạn đổi mới tư duy; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém:
(1) Năng lực lãnh đạo tuy có chuyển biến bước đầu, nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp yêu cầu tình hình, nhiệm vụ. Nhiều cấp ủy gặp khó khăn trong việc dự báo, cập nhật những vấn đề mới, xác định, giải quyết những hạn chế, mâu thuẫn tại ngành, địa phương; và lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi đột phá, trọng tâm, trọng điểm.
(2) Sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên chưa cao và đồng đều. Một số cấp ủy chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; còn ỷ lại, chờ cấp trên; tình trạng tự phê bình và phê bình chưa thẳng thắn, nể nang, né tránh, ngại va chạm... còn tương đối phổ biến. Cơ chế tự kiểm tra, giám sát, phát hiện tiêu cực nhìn chung kém hiệu quả.
(3) Nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy nhiều nơi còn nặng về “rập khuôn” theo cấp trên, ít vận dụng sáng tạo theo tình hình cụ thể. Xây dựng bộ máy chưa tinh gọn, hiệu quả công tác không tương xứng. Công tác tuyên truyền chưa vận động, quy tụ được sức mạnh đoàn kết của quần chúng nhân dân.
2- Về xây dựng, vận hành hệ thống chính trị
Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị cơ bản được sắp xếp, kiện toàn theo đúng các quy định của Trung ương. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, yếu kém, bất cập:
(1)- Chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, ngành, đơn vị còn chồng chéo: (a) Tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu cấp ủy chưa thật tinh gọn. Bộ phận phục vụ chiếm tỷ lệ 33,5% biên chế. (b) Tổ chức bộ máy khối chính quyền còn cồng kềnh và có chỗ chưa phù hợp với thực tiễn. Một số sở, ngành hợp nhất quy mô lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng cơ cấu bên trong của các đơn vị tăng lên và thay đổi nhiều. Một số nhiệm vụ vẫn còn do nhiều sở ngành cùng thực hiện. (c) Khối MTTQ và các đoàn thể hiệu quả hoạt động chưa cao: Các tổ chức chính trị - xã hội chức năng nhiệm vụ còn trùng lấn, bộ máy còn cồng kềnh: cơ cấu bên trong trùng lặp, bộ máy nội sinh chiếm tỷ trọng cao (trên 30%). (d) Số lượng hội quần chúng nhiều (994 tổ chức hội ở 3 cấp), nhìn chung chưa đảm bảo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở, phương tiện làm việc; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới; khi có vấn đề phức tạp nảy sinh ít khẳng định được vai trò. (e) Đặc biệt, nổi lên rất rõ việc: chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan tham mưu giúp việc khối Đảng và cơ quan chuyên môn khối chính quyền, như: Kiểm tra - Thanh tra; Tổ chức - Nội vụ; Tuyên giáo với Thông tin truyền thông, Các văn phòng (3 bên)...
(2)- Tổ chức bộ máy và biên chế các đơn vị sự nghiệp nhiều (303 đơn vị, chiếm 76,24% trong tổng số biên chế), khả năng tự chủ thấp (trên 70% ĐVSN còn thụ hưởng NSNN 100%); hiệu quả cung ứng dịch vụ chưa cao. (a) Các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa vận dụng tốt khả năng tự chủ; việc cấp, khoán kinh phí chưa dựa theo "sản phẩm đầu ra”, chậm chuyển đổi mô hình để tăng tự chủ. (b) Các đơn vị sự nghiệp giáo dục: Số lượng điểm trường lớn (1489), quy mô nhỏ (17% điểm trường có quy mô dưới 10 học sinh ở 2,3 bậc học khác nhau), bố trí bất hợp lý (30% số điểm trường có khoảng cách đến trường chính dưới 5km). Một số tiêu chí “chuẩn” thiếu thực tiễn, hình thức, lãng phí. Cơ chế chính sách trong khu vực công lập và ngoài công lập còn bất bình đẳng, không huy động được các nguồn lực của xã hội vào việc cung ứng các dịch vụ. (c) Các đơn vị sự nghiệp y tế: còn cồng kềnh, nhiều đầu mối (cấp huyện có 5 đầu mối: phòng y tế, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trung tâm Dân số - KHHGĐ, trạm y tế xã) chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Có tình trạng “cào bằng” nhân lực, vật lực giữa các địa bàn, nhất là các trạm y tế tuyến xã.
(3)- Biên chế dù đã có chủ trương tinh giản nhưng vẫn không tránh được xu hướng ”phình” ra (Từ 2007 đến nay Quảng Ninh tăng 30,87% so với 34,45% cả nước); Đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở đông do vận dụng cứng nhắc quy định chung (trung bình 17 vị trí/xã; 13 vị trí/thôn) mang tính bình quân không phụ thuộc quy mô, phạm vi, tính chất đặc thù về địa lý, dân số của các cơ sở, dẫn đến nơi đông dân thì quá tải, nơi rất ít dân, ít việc vẫn có đủ các vị trí. Tổng số vị trí cán bộ không chuyên trách toàn tỉnh xấp xỉ 33.000 (hiện đã bố trí 22.200). Việc phân cấp quản lý về tổ chức, biên chế chưa phù hợp, nhiều đầu mối, thiếu thống nhất. Trung ương (Ban Tổ chức và Bộ Nội vụ) quyết định biên chế công chức nhà nước đến cấp huyện, HĐND tỉnh quyết định biên chế viên chức sự nghiệp và UBND tỉnh ra quyết định giao số lượng công chức cấp xã.
(4)- Hệ thống tổ chức của Đảng có mặt còn chưa gắn với bộ máy cơ quan chuyên môn của chính quyền, làm giảm vai trò và hiệu quả lãnh đạo, nhất là Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Mô hình này thực tế không thực hiện được đầy đủ vai trò lãnh đạo sâu sát, toàn diện, từ tư tưởng, tổ chức đến kiểm tra giám sát; tạo ra khâu trung gian giữa hệ thống quản lý hành chính, chuyên môn với hệ thống quản lý của Đảng. Việc quyết định công tác cán bộ (về chuyên môn) không gắn bó chặt chẽ với việc đánh giá, quản lý đảng viên. Do công tác đảng không bám sát với nhiệm vụ chính trị nên tất yếu làm giảm sút vai trò cầm quyền lãnh đạo của tổ chức đảng.
(5)- Đảng cầm quyền nhưng không rõ trách nhiệm pháp lý: chưa có quy chế, quy định cụ thể về thực hiện sự giám sát của nhân dân, trong khi khoản 2 Điều 4, Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Đồng thời, chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để xác định trách nhiệm pháp lý của tổ chức Đảng, đảng viên như khoản 3 Điều 4, Hiến pháp năm 2013: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có quyền lực chính trị lớn nhưng chỉ chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng, không rõ trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra còn có nguyên nhân là tổ chức Đảng nhiều đầu mối, không gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị nên khó phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện; không phù hợp với tinh thần Điều 10 Điều lệ Đảng: "Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước". Đây đang là những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với vai trò cầm quyền của Đảng.
3- Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Một là: Chậm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chậm đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Quyết tâm chính trị, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa cao. Thực hiện dân chủ ở cơ sở có mặt chưa tốt, còn hạn chế trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Hai là: Hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, cán bộ còn có điểm cứng nhắc, khó tạo ra khả năng vận dụng linh hoạt theo điều kiện, đặc thù và yêu cầu phát triển của địa phương. Ba là: Công tác quản lý còn lỏng lẻo, chậm phát hiện ra những bất cập hạn chế về tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ; chưa quyết liệt nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, chưa coi trọng kiểm tra giám sát; còn tình trạng nể nang, không giữ vững nguyên tắc, có xu hướng vận dụng theo lợi ích cục bộ.
Tuy nhiên, các bất cập, vướng mắc trong vận hành hệ thống chính trị nêu trên chỉ là biểu hiện sinh động của một vấn đề có tính hệ thống, mà suy cho cùng là: chưa giải quyết đúng đắn các nội dung “cầm quyền”, “lãnh đạo” của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là đối với Nhà nước trong điều kiện nước ta. Sự lãnh đạo của đảng thể hiện đảng thực hiện chức năng lãnh đạo vừa từ “bên trong” với các tổ chức cơ sở đảng, vừa từ “bên ngoài” với việc cấp ủy ban hành nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo… Sự cầm quyền của đảng thể hiện qua việc đảng chi phối công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra giám sát. Vấn đề là ở chỗ: chưa làm rõ được nội dung, phương thức, mức độ “cầm quyền” như thế nào là phù hợp? là đủ liều lượng? Đây là vấn đề Đảng ta đã đặt ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Do Đảng “lãnh đạo” chính quyền chủ yếu từ “bên ngoài”, nên có thể xuất hiện đồng thời cả hai khuynh hướng: Đảng bao biện, làm thay chính quyền trong khi chính quyền sa vào thụ động; hoặc Đảng buông lỏng vai trò lãnh đạo đối với chính quyền; rất khó giữ được trạng thái “cân bằng động” giữa hai thái cực này. Giải quyết mối quan hệ này như thế nào chính là trọng tâm của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta trong điều kiện hiện nay.
IV- Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp
1- Một số giải pháp đã và đang tổ chức thực hiện ở Quảng Ninh:
(1) Kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu quả: Hợp nhất, sáp nhập các chi cục với các phòng chuyên môn trong cùng sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc chồng chéo; tổ chức lại, một số phòng, ban, đơn vị đảm bảo không tăng đầu mối, không tăng biên chế. Nhưng vẫn linh hoạt thành lập mới các cơ quan chuyên môn phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển mang tính đột phá của tỉnh, như hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư…
(2) Đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm từng bước tách dịch vụ công ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp sang mô hình hoạt động theo doanh nghiệp. Tạo môi trường bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ; Mở rộng các mô hình hợp tác công - tư. Đối với sự nghiệp giáo dục: Rà soát, sắp xếp lại trường, điểm trường lẻ, lớp ghép; đẩy mạnh thực hiện mô hình bán trú, bán trú dân nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đối với sự nghiệp Y tế: Thực hiện tập trung 1 đầu mối quản lý ở cấp huyện; điều chỉnh đồng bộ cả về chức năng nhiệm vụ, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại từng trạm y tế cấp xã...
(3) Đổi mới tổ chức, hoạt động của các hội quần chúng, theo hướng khắc phục sự “hành chính hóa”, thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo; Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.
(4) Đẩy mạnh tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ: Tăng cường nhất thể hóa chức danh, tăng cường kiêm nhiệm, giao tăng nhiệm vụ; thực hiện thuê khoán đối với một số công việc; thực hiện khoán kinh phí hoạt động, thôi chi trả phụ cấp thường xuyên đối với những người hoạt động không chuyên trách. Tuyển dụng mới không quá 50% số người được nghỉ chế độ, ưu tiên tuyển dụng chất lượng cao. Ở cấp thôn bố trí không quá 03 người theo quy định NĐ29/2012/NĐ-CP; bỏ chính sách chi trả riêng của Tỉnh để thực hiện theo quy định chung.
(5) Đẩy mạnh thực hiện hoặc thí điểm một số mô hình mới: đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy; cơ bản thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch HĐND cấp xã; nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện tại một số huyện có đủ điều kiện. Nhất thể hóa một số chức danh một số chức danh thủ trưởng cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc thực hiện ngay việc phân công phó các ban chuyên môn giúp việc cấp ủy là thủ trưởng cơ quan giúp việc của UBND; Trưởng các đoàn thể đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ. Ở thôn, khu phố, thực hiện mô hình Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn/khu; với cách làm: chi bộ giới thiệu đảng viên đủ điều kiện, năng lực ra tranh cử Trưởng thôn/khu cùng với các ứng viên khác, có số dư ứng viên; nếu được nhân dân bầu thì tiến hành đại hội chi bộ để bầu trực tiếp làm Bí thư chi bộ thôn/khu. Thực tế nhìn chung các ứng viên đều trúng cử với số phiếu cao, nhân dân đồng thuận, phấn khởi, cho thấy tính đúng đắn của việc mở rộng dân chủ trực tiếp, phát huy vai trò của nhân dân tham gia lựa chọn bí thư cho tổ chức cơ sở đảng.
* Hiệu quả bước đầu: khi thực hiện đầy đủ (hiện một số nội dung chính đã thực hiện xong), sẽ đạt được: (1) Về chính trị: Khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; củng cố được năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. (2) Về tổ chức: bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả; Giảm 83 đầu mối cấp ban, sở ngành, 67 đầu mối thuộc cấp ủy, UBND cấp huyện; Chuyển đổi mô hình hoạt động đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp hoặc hợp tác công-tư: 39 đơn vị và 15 trường học … Giảm được 8,4% biên chế; 1.164 những người hoạt động không chuyên trách; không thực hiện chi trả phụ cấp cho số lượng người hoạt động không chuyên trách theo chính sách riêng của Tỉnh là 17.697. Nâng cao được chất lượng đội ngũ. (3) Về kinh tế: tạo thể chế, mô hình mới, bình đẳng giữa các khu vực công và tư; thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư cho khu vực công; khích lệ sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả chi ngân sách; tiết kiệm được 350 tỷ đồng, (bằng thu ngân sách của 6 huyện miền Đông). (4) Về xã hội: nhân dân nhận được sự phục vụ có tránh nhiệm hơn từ cán bộ, cơ quan nhà nước; bước đầu đã được thụ hưởng những dịch vụ, tiện ích tốt hơn (giáo dục, y tế…)
2- Một số ý kiến đề xuất về phương hướng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò cầm quyền của Đảng ở địa phương
Từ thực tiễn và đánh giá như trên, đã đến lúc cần đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng các yếu tố hợp lý của mô hình “đảng cầm quyền” để đổi mới căn bản mô hình “đảng lãnh đạo” hiện nay. Theo đó, giữ vững các nguyên tắc, các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị; đồng thời đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo thông qua tổ chức, bộ máy, cán bộ theo hướng: tổ chức Đảng phải gắn kết hơn nữa, “hiện thân” trong tổ chức Nhà nước, đoàn thể; tăng cường tối đa sự tác động “từ bên trong” để cầm quyền, lãnh đạo. Những giải pháp có thể nghiên cứu là:
(1)- Nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND địa phương.
(2)- Tổ chức lại hệ thống cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền (trước hết là Kiểm tra - Thanh tra, Tổ chức - Nội vụ, Tuyên giáo - TT&TT, các cơ quan văn phòng…) theo hướng mỗi lĩnh vực lập một cơ quan thống nhất để vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp việc cho cấp ủy, vừa thực hiện chức năng chuyên môn của chính quyền; kết hợp tối đa các quy trình, thủ tục, nghiệp vụ có tính chất tương đồng.
(3)- Điều chỉnh hệ thống tổ chức Đảng, bỏ những khâu trung gian kém hiệu quả (như Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh), lập hệ thống tổ chức Đảng gắn với tổ chức hành chính, chuyên môn.
(4)- Mở rộng dân chủ trực tiếp để lựa chọn được người đứng đầu có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý. Đảng đào tạo, giới thiệu nhân sự đủ phẩm chất để nhân dân lựa chọn, bầu trực tiếp người đứng đầu chính quyền, qua đó cũng lựa chọn được người đứng đầu cấp ủy.
(5)- Xây dựng thể chế pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sử dụng chính hệ thống, cơ chế kiểm tra giám sát trong bộ máy chính quyền (giữa các cơ quan với nhau, giữa nhân dân với chính quyền…) để giám sát tổ chức Đảng và đảng viên hiện diện trong bộ máy đó.
Tóm lại: Từ việc lựa chọn đúng vấn đề, đổi mới tư duy nhận thức, định vị lại giá trị của tỉnh, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, yếu kém, xác định đúng triết lý, mục tiêu và quan điểm phát triển; từ đó quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ; bước đầu cho thấy hiệu quả trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ở Quảng Ninh: Những năm qua xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ; hội nhập quốc tế sâu rộng; an ninh quốc phòng được giữ vững; kinh tế - xã hội có bước phát triển vững chắc: (1) Tăng trưởng GDP của Tỉnh năm 2014 đạt 8,8%; GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt khoảng 3.500 USD, tăng gần 2 lần so với năm 2010; (2) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tỷ trọng công nghiệp giảm từ 59% năm 2011 đến 2014 là 50%, dịch vụ tăng từ 34% năm 2011 đến 2014 là 45%); (3) Thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang ”xanh” đạt kết quả (giảm thu ngân sách từ than và đất từ 77% năm 2011 xuống 47% năm 2014, thu dựa vào du lịch từ 2,6% năm 2011 lên 5,2% năm 2014...). (4) Thu ngân sách luôn đứng trong tốp đầu cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 16 bậc, đứng thứ 4 cả nước, đứng đầu các tỉnh miền Bắc; Chỉ số phát triển con người thuộc nhóm 5 cả nước (tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,68% năm 2010 xuống 1,75% năm 2014). (5)- Cơ bản hoàn thành xây dựng quy hoạch chiến lược để kiến tạo phát triển bền vững: hoàn thành 7 quy hoạch chiến lược và công bố vào ngày 13/9/2014.
Liên kết website
Ý kiến ()