Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 18/12/2024 15:34 (GMT +7)
Người đảng viên trung kiên
Thứ 3, 03/02/2015 | 12:55:59 [GMT +7] A A
Sinh đúng năm thành lập Đảng (1930), mùa xuân này, ông Nguyễn Mạnh Tường bước sang tuổi 85. Tôi đoán rằng cũng như tôi, ai gặp ông cũng sẽ ngạc nhiên bởi sự tinh anh, nhanh nhẹn, tinh thần lạc quan, yêu đời của ông. Được nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, tôi thật sự khâm phục tinh thần trung kiên trước sau như một của người đảng viên nay đã bước sang tuổi Đảng thứ 65 này.
Ông Nguyễn Mạnh Tường cùng vợ giới thiệu về những phần thưởng mà ông vinh dự được nhận trong quá trình hoạt động cách mạng. |
Cũng như nhiều người dân yêu nước khác ở huyện Kim Thành (Hải Dương), ông Nguyễn Mạnh Tường khi còn trẻ rất căm phẫn những hành động ác ôn của thực dân Pháp và tay sai. Thế nên, khi lớn lên, ông đã tích cực tham gia hoạt động trong đoàn thanh niên cứu quốc ở địa phương. Năm 1951, trong một lần đi xây dựng cơ sở cách mạng ở xã Tuấn Hưng cùng huyện, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Hải Dương. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông quyết không khai, không làm hại các đồng chí của mình. Mặc cho cai ngục tra tấn dã man, dùng mọi thủ đoạn để lung lạc tinh thần, mặc cho cơm hoà với máu nhưng ông và các đồng chí trong trại giam vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Thực dân Pháp xếp ông vào loại “phạm nhân nguy hiểm”, “tù không án”. Ở trong tù, ông và các đồng chí đảng viên bí mật thành lập chi bộ để tiếp tục hoạt động, đấu tranh với kẻ thù. Các ông đã vận động được một số cai ngục là người Angiêri ủng hộ lựu đạn và các phương tiện để vượt ngục. Cuộc vượt ngục không thành, ông và các đồng chí bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc. Ở đây, ông Nguyễn Mạnh Tường và các đồng chí của mình tiếp tục đấu tranh anh dũng với kẻ thù cho đến ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (1954).
Ra tù, về Hải Dương, ông tiếp tục hoạt động cách mạng trên nhiều cương vị công tác khác nhau. Năm 1979, vì bản thân bị căn bệnh xuất huyết dạ dày và vợ ông cũng đau ốm liên miên nên ông được tổ chức cho nghỉ hưu sớm. Nhưng khi thấy xã mấy đợt tổ chức cho dân đi kinh tế mới không thành, là đảng viên, ông xung phong đi. Cán bộ xã cản ông không được, và thấy rằng có đảng viên xông xáo như ông đi thì chắc chắn sẽ thành công nên để ông đi. Và đúng như vậy, ông Nguyễn Mạnh Tường cùng gia đình và các hộ dân khác trong xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành đã gắn bó, tích cực xây dựng quê hương mới ở xã Tân Bình, huyện Đầm Hà. Ở đây, vừa tham gia làm kinh tế gia đình, ông còn đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ thôn, phụ trách trung đội du kích của xã. Xã Tân Bình, huyện Đầm Hà ổn định, phát triển như ngày nay có công sức đóng góp không nhỏ của đảng viên Nguyễn Mạnh Tường và những người dân xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành.
Năm 1990, ông Nguyễn Mạnh Tường về TP Cẩm Phả sinh sống để phụ giúp con cháu việc kinh doanh và trông nom nhà cửa. Về đây, ông vẫn tích cực tham gia các công việc của khu dân cư, tham gia hoạt động trong Ban liên lạc tù binh Phú Quốc của địa phương. Ngày 27-4-2012, ông và các đồng chí khác trong tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Trại giam Phú Quốc được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Dù tuổi đã cao nhưng người đảng viên Nguyễn Mạnh Tường vẫn một lòng trung kiên với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Chí Linh
Liên kết website
Ý kiến ()