Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:34 (GMT +7)
Phòng, chống dịch phải từ mỗi người dân
Thứ 6, 25/02/2022 | 08:34:59 [GMT +7] A A
Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua là sức mạnh để Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đặc biệt khi các ca F0 tăng nhanh như hiện nay, thì ý thức, trách nhiệm, chủ động, tự giác của mỗi người dân là rất quan trọng.
Mỗi người dân là một "chiến sĩ" trên mặt trận chống dịch
Mặc dù Quảng Ninh đã “phủ vắc-xin” diện rộng, tuy nhiên dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Số ca mắc ghi nhận thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn có chiều hướng gia tăng, nhất là số ca mắc trong cộng đồng, tập trung tại các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả...
Theo số liệu thống kê, từ ngày 11/10/2021 đến 22/2/2022 trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 31.000 ca F0; những ngày gần đây số ca mắc mới luôn có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, người dân không nên hốt hoảng, lo lắng. Điều này hoàn toàn được dự báo từ trước khi Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn bình thường mới và nhờ có vắc-xin, bệnh không đe dọa nhiều đến sức khoẻ và tính mạng của người dân. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này người dân càng không được chủ quan, mà cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; kiên trì với phương châm mỗi khu dân cư, mỗi gia đình là một "pháo đài", mỗi người dân là một "chiến sĩ" trên mặt trận phòng, chống dịch.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Phố, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Bình Dân (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) thường xuyên cùng các tổ viên Tổ phòng, chống dịch Covid-19 của khu đi rà soát tại các tổ dân phố trên địa bàn. Ông Phố cho biết: Dịch hiện diễn biến rất phức tạp, nên khu tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của chính quyền, không lơ là, chủ quan. Khu lên danh sách các trường hợp từ F0 đến F1, F2, để theo dõi, quản lý, hỗ trợ khi cần thiết, làm sao để người dân nắm chắc hơn về diễn biến dịch, phòng ngừa cho bản thân cũng là cho cả xã hội.
Nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong cuộc chiến với dịch Covid-19 ngày càng được nâng cao. Trong đó phải kể đến việc giám sát, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp F0 để nắm bắt, kiểm soát. Chị Đào Huyền Trang (tổ 4, khu 6, phường Hà Tu, TP Hạ Long) chia sẻ: "Gia đình tôi có con nhỏ là F0. Tôi đã đưa cháu tới Trạm Y tế phường để xét nghiệm và làm các thủ tục khai báo, cách ly theo đúng quy định. Tôi thấy việc khai báo nhanh chóng là rất cần thiết để chính quyền nắm thông tin và có biện pháp hỗ trợ cũng như đảm bảo các điều kiện chống dịch tốt nhất, không để dịch lây lan đến cộng đồng".
Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người dân đã dần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; có ý thức chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Anh Nguyễn Văn Tuấn (khu 3, phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho biết: "Gia đình tôi luôn chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, test nhanh, khẩu trang và nhắc nhở mỗi thành viên khi ra ngoài hay tiếp xúc với người khác đều phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Mỗi người đều có trách nhiệm, tự giác, chắc chắn sẽ góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh".
Sau nghỉ Tết Nguyên đán có sự biến động dân cư, các hoạt động của người dân tăng, nguy cơ bùng phát dịch tại các địa phương càng cao. Vì vậy, trong khoảng thời gian này để làm tốt công tác phòng chống dịch, bên cạnh những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động phòng chống dịch, cân nhắc khi sử dụng các dịch vụ và hoạt động phải bỏ khẩu trang, như đám cưới, liên hoan, mừng thọ… Bên cạnh đó, thực hiện tốt quy định 5K, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người thân, nhất là đối tượng người bệnh lý nền, người già; khuyến khích người dân chủ động và tăng cường tự thực hiện test nhanh tại nhà, quét mã QR, khai báo y tế đầy đủ.
Chủ động ứng phó với mọi diễn biến
Bài học từ sự tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, lấy người dân, khu dân cư làm chủ thể chống dịch, nhất là phát huy tốt các tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng, đã giúp Quảng Ninh vững vàng vượt qua các làn sóng dịch trong hơn 2 năm qua. Tinh thần này cần được nêu cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn “sống chung an toàn với Covid-19” dự báo còn nhiều gian nan phía trước.
Tại các cuộc họp cũng như các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch mới đây của tỉnh đều khẳng định quyết tâm tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi mạnh mẽ, bền vững ngành Du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục kiên trì, sáng tạo thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa vừa phòng chống, giám sát, kiểm soát, xét nghiệm tầm soát dịch bệnh thường xuyên, hằng ngày với không ngừng hoàn thiện các phương án đã được chuẩn bị, phù hợp với tình hình, diễn biến ở các cấp độ dịch để kịp thời ứng phó ngay từ cơ sở, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả và ở phạm vi nhỏ nhất, kiên quyết không để dịch lan rộng, bùng phát, gia tăng các ca mắc mới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Các đơn vị, địa phương khẩn trương đưa phần mềm quản lý F0 vào khai thác, sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h của ban chỉ đạo phòng, chống dịch và trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.
Để kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án chuyển trạng thái học trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh tiểu học và mầm non, nhất là trong giai đoạn thời tiết đang rét đậm, rét hại, gây bất lợi cho học sinh đến trường. Đối với các học sinh đã tiêm vắc-xin, ngành GD&ĐT tính toán kỹ phương án tổ chức dạy và học theo hình thức phù hợp (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến); trao quyền tự chủ hoàn toàn cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương cấp xã, hằng ngày từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau xem xét, thống nhất, linh hoạt quyết định hình thức học cho phù hợp với điều kiện thực tế thích ứng an toàn, linh hoạt, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích về sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, nhu cầu đến trường cho học sinh cũng như bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục có các giải pháp củng cố năng lực y tế, tập trung cho tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế học đường. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng chống dịch; xây dựng các phương án, tình huống giả định với các mốc, số ca F0 trong ngày, trong tuần cao hơn nữa, để có phương án triển khai ứng phó kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá lại công tác phân loại, thu dung, điều trị, hỗ trợ điều trị F0 ở các mô hình khác nhau; tiếp tục củng cố đội ngũ nhân lực y tế, tuyệt đối không để trường hợp F0 nào có nhu cầu mà không được hỗ trợ, không được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ cơ sở.
Cùng với đó là kiện toàn tổ phân luồng F0 tới cấp xã với sự tham gia sâu sát của tuyến trên; gắn trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND cấp xã trong công tác phân luồng các ca bệnh, đảm bảo mục tiêu không quá tải hệ thống y tế. Đẩy mạnh hoạt động của tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng, thực hiện đầy đủ chức năng, bao gồm cả hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị, F1 cách ly tại nhà. Tăng cường biện pháp bảo vệ trọng điểm đối với người già, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai chưa được tiêm vắc-xin; kiên quyết hoàn thành dứt điểm tiêm mũi 1 cho những người có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm, tiêm mũi 2 đối với những người mới được tiêm mũi 1 và tiêm mũi 3 đối với các trường hợp còn lại chưa tiêm trước ngày 27/2/2022.
Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người đứng đầu cơ quan y tế cấp huyện, cấp xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để sót bất kỳ trường hợp nào hoặc để xảy ra tình trạng những người có nguy cơ cao và rất cao, có chỉ định tiêm, có thể tiêm mà không được tiêm, do thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát dẫn tới bị nhiễm SARS-CoV-2 trở nặng và tử vong.
Song song với đó, các đơn vị, địa phương cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân Quảng Ninh và người ngoại tỉnh, kể cả không phải trường hợp F0, F1, F2, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đau người, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy, khó thở… cần báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ sở y tế để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định; đồng thời khuyến cáo không sử dụng các dịch vụ công cộng, dịch vụ ăn uống, không tham gia hiếu, hỉ, các hoạt động tập trung đông người...
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực kiên cường của các lực lượng tuyến đầu và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Quảng Ninh chắc chắn sẽ sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.
Nguyễn Thanh - Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()