Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 04:11 (GMT +7)
Nâng “chất” hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Thứ 5, 18/01/2024 | 11:13:13 [GMT +7] A A
Đổi mới, sâu sát trong hoạt động, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều kết quả nổi bật. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở xây dựng và hoạch định, thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
Việc xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã bám sát chương trình hành động, đồng thời linh hoạt điều chỉnh theo chủ đề năm công tác của tỉnh và tình hình thực tiễn, yêu cầu đặt ra được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Điển hình, trong năm 2023, lần đầu tiên Ủy ban MTTQ tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, thực hiện giám sát với 18 đại biểu HĐND tỉnh. Đoàn giám sát tiến hành thẩm định, xác minh, làm việc trực tiếp với cấp ủy của 17/18 cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, Ban Tiếp công dân và Ủy ban MTTQ các địa phương; lấy ý kiến trực tiếp tại các chi bộ ở khu dân cư nơi cư trú; tổ chức làm việc với các đại biểu được giám sát và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã báo cáo, kiến nghị đến Thường trực HĐND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trên cơ sở báo cáo và văn bản kiến nghị của MTTQ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo để chỉ đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, các tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, triển khai thực hiện và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị.
Cũng trong năm 2023, MTTQ tỉnh thực hiện 4 cuộc giám sát khác, chủ động phối hợp và tham gia cuộc giám sát của các cơ quan, đơn vị; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì, đã triển khai hoàn thành 8 cuộc giám sát. MTTQ cấp huyện, cấp xã đã cụ thể hóa, chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện 462 hoạt động giám sát. Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 371 cuộc giám sát, trong đó phát hiện 78 sai phạm; phối hợp giám sát 381 cuộc; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức 799 cuộc giám sát, trong đó phát hiện 248 sai phạm.
Hoạt động giám sát đã quan tâm lựa chọn những vấn đề nhân dân đang quan tâm, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để xác định các hình thức giám sát phù hợp, giám sát theo kế hoạch và đột xuất. MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện liên thông giữa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật với lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giám sát kịp thời.
Song song hoạt động giám sát, hoạt động phản biện xã hội được chú trọng thực hiện. Năm 2023, MTTQ tỉnh triển khai 3 nội dung phản biện xã hội, điển hình, phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở triển khai lấy ý kiến đối với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và một số sở, ngành liên quan; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức đi khảo sát, nắm tình hình trực tiếp tại 4 địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị phản biện xã hội để thống nhất ý kiến phản biện. Qua đó, đã có văn bản gửi UBND tỉnh với 4 nhóm kiến nghị cụ thể và được UBND tỉnh tiếp thu 3/4 nhóm kiến nghị, đồng thời chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến phản biện của MTTQ tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua.
Bên cạnh việc thực hiện các hình thức phản biện xã hội theo quy định của Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tích cực tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân đối với các dự án luật và tham gia ý kiến phản biện đối với 58 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 18 dự thảo văn bản khác do các ngành cấp tỉnh gửi xin ý kiến để hoàn thiện các dự thảo trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan.
Nổi bật trong đó, đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai, tổ chức được 2.561 hội nghị lấy ý kiến nhân dân với 130.225 lượt người tham dự và có 6.031 lượt ý kiến tham gia vào các nội dung của dự thảo luật; đồng thời triển khai lấy ý kiến qua các trang điện tử, cổng thông tin điện tử thành phần và các nhóm zalo của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các tổ chức thành viên của mặt trận, qua đó thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, các ý kiến tham gia khá đầy đủ vào tất cả các điều, chương của dự thảo luật.
Cùng với các hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ các địa phương trong tỉnh đã tập trung tổ chức 14 nội dung phản biện xã hội; tổ chức 612 hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo nghị quyết của HĐND các cấp trong tỉnh với những nội dung thiết thực, hiệu quả.
Thông qua giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, được các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()