Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:35 (GMT +7)
Nâng chất và lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 03/08/2021 | 07:44:12 [GMT +7] A A
Từ năm 2016, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Sở NN&PTNT cũng đang xây dựng đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh. Đáng mừng hơn, gần đây nhiều tổ chức, cá nhân cũng chủ động xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp…
Tín hiệu vui từ khu vực doanh nghiệp nông nghiệp
Hiện nay toàn tỉnh đã có 20 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp với 59 sản phẩm được xác nhận. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; các nông sản trong chuỗi đều phát triển ổn định, tăng giá trị và bền vững.
Công ty CP nhựa Super Trường Phát (trụ sở đại diện tại TP Hạ Long) là đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm hệ nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng chất liệu nhựa HDPE. Trên tinh thần sớm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là thay thế hiện trạng phao xốp trong NTTS bằng vật liệu bền vững, Công ty CP nhựa Super Trường Phát đang chủ động “bắt tay” với Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh (Babavi Seafood) và người dân NTTS khu vực Vân Đồn, Hải Hà và Quảng Yên để tạo ra chuỗi liên kết. Trong đó Công ty CP nhựa Super Trường Phát là đơn vị cung ứng vật liệu hệ nổi, người dân NTTS, Babavi Seafood là tiêu thụ sản phẩm.
Nói về chuỗi liên kết này, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc điều hành Công ty CP nhựa Super Trường Phát kỳ vọng: Mặc dù chuỗi liên kết đang trong quá trình hình thành, nhưng tôi kỳ vọng đây sẽ là chuỗi liên kết bền vững, có lợi cho người dân. Bởi sản phẩm nhựa HDPE của Trường Phát có tuổi thọ 50 năm, được bảo hành 10 năm, được thu mua lại sau sử dụng, còn Babavi Seafood là đơn vị chế biến và xuất khẩu thủy sản có năng lực. Chính bởi vậy người dân NTTS - khâu sản xuất quan trọng trong chuỗi liên kết này có thể yên tâm sản xuất, phát huy khả năng canh tác trên biển của mình để đạt sản phẩm có chất lượng, sản lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung.
Hay như, Công ty TNHH thương mại XNK Vĩ Tuyến (trụ sở chính tại TP Móng Cái) đã phát huy lợi thế của mình là đơn vị sản xuất sản phẩm ống, phao, phi nhựa trong NTTS và xuất khẩu sản phẩm thủy sản để triển khai chuỗi liên kết. Tất cả các hộ NTTS sử dụng sản phẩm ống, phao, phi nhựa do Công ty sản xuất đều được đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm NTTS sau thu hoạch. Chính bởi vậy, chuỗi liên kết này đang nhận được sự tin tưởng và phấn khởi tham gia của người dân.
Cùng với đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, sở hữu các chuỗi liên kết hoàn thiện, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào (thức ăn, giống, vật liệu hệ nổi…) - sản xuất - sơ chế, chế biến, giết mổ - tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tiêu biểu như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty TNHH Long Hải, Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường… Hay ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina Hàn Quốc, Công ty CP sữa An Sinh...
Cần tăng tính bền vững cho các chuỗi liên kết
Mặc dù đã có chuyển động và đạt được kết quả như trên, tuy nhiên số lượng và chất lượng các chuỗi liên kết đã có so với thực tế sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh còn thiếu và yếu. Chỉ tính về số lượng, 20 chuỗi với 59 sản phẩm được xác nhận là rất hạn chế so với cả ngàn sản phẩm nông nghiệp hiện có. Riêng về tính bền vững trong các chuỗi liên kết chưa cao, dễ đứt gãy ngay từ gốc.
Trong nhiều năm qua, quả na Đông Triều đã có mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, trên cơ sở chủ vườn na kết nối với hệ thống gần 200 thương lái thu mua. Tuy nhiên mối liên kết này là "cam kết miệng" với các thương lái vãng lai, các hoạt động liên kết chủ yếu là thu gom, vận chuyển. Thực tế không có các hoạt động chế biến, tiêu thụ tại chỗ hoạt động thương lái tại chỗ. Từ chuỗi liên kết yếu, lỏng lẻo nên khi có biến động rất dễ dàng bị đứt gãy, khiến cho việc tiêu thụ na gặp khó.
Hiện vùng na Đông Triều đang vào vụ thu hoạch. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát quy mô rộng toàn quốc, ảnh hưởng đến khâu thu mua, vận chuyển, tiêu dùng sản phẩm na, khiến cho gần 7.000 tấn na của toàn vùng có nguy cơ gặp khó. TX Đông Triều đã phải chủ động có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ quả na, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhờ đó mà vùng na Đông Triều thời điểm hiện nay chưa xảy ra tình trạng tồn đọng sản phẩm, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tình thế chứ không thể được tính là lâu dài, để quả na phát triển, giá trị cao vẫn phải có những chuỗi liên kết bền vững.
Cũng tại TX Đông Triều, trong chuỗi liên kết gạo nếp cái hoa vàng giữa Công ty CP giống cây trồng Quảng Ninh với người dân Hưng Đạo, đơn vị doanh nghiệp thu mua trong chuỗi phải chấp nhận không thu mua được đủ sản lượng mình cần, bởi một số người dân vẫn sẵn sàng phá vỡ cam kết để bán gạo cho thương lái khi được giá.
Trên toàn tỉnh, hiện nay chuỗi liên kết đối với con tôm, con hàu rất được coi trọng, do đây là 2 đối tượng nuôi chủ lực của Quảng Ninh. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Điểm yếu ở đây chính là việc thiếu đơn vị "cầm trịch" trong chuỗi, thường là các doanh nghiệp chế biến hoặc tiêu thụ.
Hiện nay phần lớn các hộ NTTS đều lựa chọn xuất bán sản phẩm cho các thương lái thay vì một doanh nghiệp cam kết bao tiêu cố định nào đó. Mối liên kết này sẽ không xảy ra vấn đề trong điều kiện thuận lợi, song nếu trong điều kiện bất lợi thì bên nhận hậu quả là các hộ NTTS.
Cùng với đó, ở khía cạnh khác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh đã và đang không thu mua được đủ nguồn hàng mình cần để đảm bảo sản xuất. Ngoài ra, các yếu tố xa hơn ảnh hưởng đến tính bền vững của chuỗi liên kết tôm, hầu của Quảng Ninh hiện nay như những bất cập trong công tác quy hoạch vùng nuôi hay công tác an toàn dịch bệnh, VSATTP…
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuỗi chưa đủ mạnh hoặc không phù hợp. Mặc dù, ngày 30/7/2019 HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 194/2019/NQ-HĐND “Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh”. Tuy nhiên đến thời điểm này, Nghị quyết chưa phát huy tác dụng, bởi chưa có chuỗi liên kết nào được hưởng lợi từ nghị quyết.
Có thể thấy việc hình thành các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp đang gặp khó bởi phần do năng lực, trách nhiệm của các bên tham gia chuỗi còn hạn chế, tính ràng buộc pháp lý thấp, các khâu liên kết vẫn chủ yếu trên tinh thần tự nguyện là chính, cùng với đó là sự chia sẻ lợi ích kinh tế chưa hài hòa, dẫn đến sự chênh lệnh trong chính các khâu sản xuất tham gia chuỗi, chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa được phát huy.
Theo nhận định của ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ thực trạng trên đặt ra vấn đề ngành nông nghiệp cần tập trung hơn nữa để gỡ những nút thắt đang có trong thời gian tới. Qua đó có thể đạt được mục tiêu hình thành và phát triển các chuỗi liên kết nông nghiệp chặt chẽ, bền vững, thúc đẩy phát triển và gia tăng giá trị của toàn ngành nông nghiệp.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()