Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:25 (GMT +7)
Nâng giá trị từ rừng
Thứ 5, 11/05/2023 | 06:54:59 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tỉnh Quảng Ninh triển khai bằng nhiều giải pháp. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/1/2017) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Qua đó, đã từng bước nâng cao giá trị từ rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế địa phương...
Tỉnh đã triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, quản lý chặt chẽ rừng ngập mặn, lập quy hoạch tổng thể và xây dựng kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên vùng bãi triều hợp lý; duy trì trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới, nhất là tại khu vực Tuần Châu, vịnh Cửa Lục… Đối với những khu vực có tuyến đường cao tốc, như: Vân Đồn - Móng Cái, đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3 đi qua, tỉnh chỉ đạo bảo vệ nghiêm ngặt dải cây xanh và hệ sinh thái rừng.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động được trên 444 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác và nâng cao chất lượng, năng suất trồng rừng. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung, tăng hơn so với giai đoạn 2011-2016, tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 3,16 triệu m3; năng suất rừng trồng đạt 17,8m3/ha/năm. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng tập trung ước đạt 5.972ha, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, lim, giổi, lát ước đạt 382,1ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 265.000m3, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2022.
Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp cũng được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 22 nhiệm vụ liên quan đến công tác khảo nghiệm giống, chuyển giao công nghệ sản xuất giống công nghệ cao, bảo tồn gen. Đến nay, toàn tỉnh có 44 vườn ươm cố định, 201 vườn ươm tạm thời, trong đó có 2 cơ sở nuôi cấy mô. Công tác tiếp nhận giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện chặt chẽ thông qua việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con và giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống. Từ năm 2017 đến nay, tổng năng lực sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp của các cơ sở trên địa bàn tỉnh đạt 80 triệu cây.
Bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 25/11/2021) và Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 18/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong năm 2022 toàn tỉnh đã trồng được 2.288ha rừng lim, giổi, lát. Các địa phương cũng chủ động xây dựng Đề án trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát giai đoạn 2022-2025 tại các khu vực có điều kiện phù hợp, đảm bảo mỗi khu vực trồng tập trung có diện tích từ 10ha trở lên. Mục tiêu của tỉnh trồng tối thiểu 2.000ha lim, giổi, lát trong năm 2023 và phấn đấu đến năm 2025 trồng mới ít nhất 5.000ha rừng cây gỗ lớn lim, giổi, lát.
Cùng với đó, trong 2 năm (2021-2022), tỉnh đã thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đến nay, đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách trồng trên 1.700ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa; cho vay ưu đãi trồng rừng gỗ lớn thông qua Ngân hàng CSXH với kinh phí 8,48 tỷ đồng. Nhờ đó, chất lượng rừng được nâng lên đáng kể thông qua việc trồng được trên 7.580ha cây bản địa thay thế cây keo.
Với mục tiêu tái sinh phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản và tăng khả năng phòng hộ từ rừng, tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng; đồng thời phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho người dân vùng có rừng và đất rừng sinh sống, làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp nghề rừng, gia tăng giá trị từ rừng trên đơn vị diện tích. Qua đó, đã hình thành và củng cố hơn 700ha diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, trong đó nhiều dược liệu quý như: Ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, khôi tía… 5 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác gần 20.000 tấn lâm sản ngoài gỗ. Thực hiện Chương trình OCOP, đã có 499 sản phẩm với sự tham gia của 188 đơn vị với đa dạng sản phẩm thảo dược, dược liệu được đóng gói, như: Trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc…
Với nhiều giải pháp nâng cao giá trị rừng, nhất là trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng ngập mặn…, đã góp phần nâng cao chất lượng rừng, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()