Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:05 (GMT +7)
Nâng tầm cụm di tích núi Bài Thơ
Chủ nhật, 14/04/2024 | 16:47:21 [GMT +7] A A
TP Hạ Long vừa khởi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ, mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai). Đây là một trong những dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng sẽ là những dự án làm xanh hóa thêm cụm di tích núi Bài Thơ, hài hòa không gian xanh với các công trình kiến trúc.
Cụm di tích lịch sử, văn hoá núi Bài Thơ nằm trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Hồng Gai, gồm núi Bài Thơ và các công trình trên núi, như: Nơi cắm cờ Đảng ngày 1/5/1930, hang số 6 là nơi sơ tán của nhân dân Hồng Gai thời chống Mỹ, chùa Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Đài quan sát và trận địa phòng không 12,7 ly của Đại đội tự vệ Bạch Đằng, hang Bưu điện, Sở chỉ huy Phòng không, phòng mổ Bệnh viện tỉnh, giếng nước 100 năm tuổi đầu phố Chợ Cũ và di chỉ một số bài thơ cổ khắc trên vách đá. Cụm di tích lịch sử, văn hoá núi Bài Thơ được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992.
Núi Bài Thơ cùng lúc mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, thẩm mỹ và văn hoá. PGS.TS Trần Lâm Biền, Tổng Biên tập Tạp chí Di sản văn hóa, Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, giữa TP Hạ Long, núi Bài Thơ được coi như người lính xung kích, một ngọn hải đăng rọi chiếu suốt từ cửa sông Bạch Đằng tới khắp vùng duyên hải Quảng Ninh. Hiện tượng tụ cư ở cả hai vùng Nam - Bắc Quảng Ninh đã tạo bệ đỡ cho sự đông đúc dân cư vùng trung tâm Hòn Gai, sau này là TP Hạ Long.
Từ đó, dòng văn hóa theo chân của các dòng người tứ phương đổ về để dệt nên một vùng văn hóa riêng đậm đà bản sắc của vùng duyên hải mà nay hội tụ vào các di tích liên quan tới các anh hùng giữ nước và các chùa, đền gắn với sinh hoạt tâm linh của người dân như đền Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên đều lấy núi Bài Thơ làm trung tâm. Hầu như các di tích này, nay đã trở thành những ngọn tuệ đăng soi rọi cho các tâm hồn yêu quê hương, Tổ quốc. Đó cũng là điểm dừng chân của du khách khắp mọi miền trong và ngoài nước.
Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của Cụm di tích lịch sử, văn hoá núi Bài Thơ trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho nhân dân và du khách về giá trị di tích lịch sử, thành phố đã tổ chức lập và triển khai thực hiện dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ, mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn. Trong đó, dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ với quy mô diện tích gần 1,2ha, bao gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống... Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Riêng dự án "Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn" được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc. Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án này.
Theo kế hoạch, thời gian thi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn trong khoảng 300 ngày và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2025. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích núi Bài Thơ, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điểm tham quan du lịch, văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, thành phố di sản, thành phố của hoa và lễ hội.
Phạm Học
- UNESCO sẽ cử chuyên gia tới khảo sát Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
- Chủ động, sáng tạo trong số hóa di tích
- Lan tỏa giá trị di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử
- Hạ Long: Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích
- Đề xuất công nhận núi Bài Thơ là di tích quốc gia đặc biệt
- Nguồn tài nguyên quý từ các di tích khảo cổ tại Hạ Long
Liên kết website
Ý kiến ()