Tại diễn đàn bàn về phương án phục hồi kinh tế ngày 5/12, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho biết, hai năm qua nếu không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam tăng 7%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến tăng 2,5% năm nay.
Như vậy, kinh tế thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng vào năm 2020 và 346.000 tỷ đồng năm 2021. "Tổng cộng hai năm qua, thiệt hại khoảng 507.000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD", ông nêu.
Vì thế, để giảm thiệt hại, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng cần gói giải pháp phục hồi tổng thể với bốn động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số.
"Động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu hiện nay là vừa đầu tư để tăng cầu, vừa tăng cung thông qua khuyến khích tiêu dùng nội địa", ông Nguyễn Thành Phong nhận xét.
Ở khía cạnh này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đồng tình, gói hỗ trợ tổng thể phục hồi phải tập trung "kích" cả phía cung và cầu đang suy yếu vì Covid-19.
Theo ông Thanh, liều lượng quy mô gói phục hồi phải đủ lớn, đủ mạnh. Gói này cũng phải thực thi nhanh và phối hợp hài hoà giữa các chính sách vĩ mô, đủ lớn và tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn. Việc này sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế, nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí.
Cũng nhấn mạnh cần gói chính sách hỗ trợ nhưng ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, lại quan tâm tới khả năng hấp thụ khi những nguồn lực này được "tung" vào nền kinh tế.
Theo ông, nền kinh tế đang có hiện tượng chuyển vốn chậm. Hiện tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, khi giải ngân đầu tư công đến nay mới đạt hơn 70%, năm nay khả năng khó về đích giải ngân. Tăng trưởng tín dụng hiện mới hơn 8%, thấp so với kỳ vọng.
Để tăng hấp thụ vốn cho kinh tế, về phía đầu tư công, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân gợi ý, ngoài các giải pháp đang thực hiện, Chính phủ nên đặt hàng tư nhân phát triển công trình và trả tiền cho họ bằng vốn đầu tư công.
Còn với tín dụng, phương thức tiếp cận vốn cho doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng giải ngân vốn vay theo các hợp đồng sản xuất, thay vì dựa trên tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo.
"Chính phủ dùng tiền vốn, đặt hàng tạo ra các ngành sản xuất mang tính trụ cột để tạo dư địa cho phát triển bền vững sau khi kinh tế phục hồi. Chương trình phục hồi phải gắn chặt chẽ với tái cấu trúc kinh tế", ông Cường gợi ý.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, lưu ý các chính sách hỗ trợ cần phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch. "Chúng ta muốn nhanh, rộng nhưng phải có cơ chế kiểm soát, kiểm toán để chính sách phát huy hiệu quả, tránh tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm", ông Thanh nói.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, cũng cho rằng cần giám sát để tiền "chảy" vào sản xuất, thay vì các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát theo tinh thần "từ xa, từ sớm" ngay từ khâu xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai gói hỗ trợ.
Theo ông Hồng Anh, cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế, cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vấn đề phát sinh.
Ý kiến ()