Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:24 (GMT +7)
Nền tảng cho phát triển bền vững
Thứ 4, 17/07/2013 | 04:24:11 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà và Hoành Bồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt này sẽ tạo cơ hội cho 2 huyện có điều kiện để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời góp phần hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh.
Đầm Hà - Đô thị hạt nhân phía Đông Bắc
Ngay từ khi tách huyện vào năm 2001, công tác quy hoạch xây dựng của huyện Đầm Hà đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm. Tuy nhiên việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch xây dựng của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối tổng thể giữa các xã, thị trấn với nhau vì chưa có quy hoạch chung xây dựng được duyệt. Chính vì vậy, việc lập, trình duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Đầm Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, làm cơ sở để lập quy hoạch vùng huyện Đầm Hà với tầm nhìn dài hạn nhằm xác định mục tiêu, dự báo phát triển; đồng thời là cơ sở pháp lý đồng bộ, hữu hiệu cho công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, là cơ sở khoa học cho công tác xây dựng các kế hoạch, chương trình, quy hoạch, dự án đầu tư cụ thể trong các giai đoạn tới.
Một góc khu đô thị mới Tây cầu Trới (Hoành Bồ). |
Theo đó, đề xuất mô hình, khung cấu trúc phát triển hệ toàn vùng huyện Đầm Hà, hướng tới một không gian kinh tế xanh, bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, hiệu quả trong khai thác các tiềm năng thế mạnh của khu vực, là đô thị hạt nhân phía Đông Bắc của tỉnh. Mục tiêu của quy hoạch vùng là phải định hướng chiến lược tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mục tiêu gần là đến năm 2020 xây dựng thị trấn Đầm Hà là đô thị loại IV. Trung tâm thị trấn sẽ được mở rộng và xây mới hiện đại, đảm bảo chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện. Các khu đô thị phụ cận mới nằm dọc theo tuyến Tân Bình - Đường Hoa phục vụ cho Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà được cập nhật cụ thể theo định hướng phát triển chung của quy hoạch vùng tỉnh được duyệt. Nhiệm vụ của quy hoạch vùng phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ với quy hoạch các vùng khác trong tỉnh, nhất là khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, khu kinh tế Vân Đồn và các địa phương khác trong khu vực Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ.
Quy hoạch vùng cũng tạo cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút đầu tư phát triển, định hướng gắn kết quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hoá và bảo đảm an ninh, quốc phòng; là địa phương có môi trường sống tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hoành Bồ - Đô thị vệ tinh
Hoành Bồ là huyện có diện tích rộng nhất trong các địa phương thuộc tỉnh (khoảng 823,6km2), gồm 1 thị trấn và 12 xã; vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang); phía Nam và Tây Nam giáp TP Hạ Long và một phần TX Quảng Yên; phía Đông giáp TP Cẩm Phả; phía Tây giáp TP Uông Bí. Do đó, Hoành Bồ được đánh giá như một huyện ngoại ô và vệ tinh của các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực mà huyện có lợi thế, như cung cấp thực phẩm, rau quả cho các khu công nghiệp, khu du lịch Hạ Long và các đô thị khác, đồng thời Hoành Bồ cũng có khả năng phát triển thêm nhiều tuyến điểm du lịch bên cạnh Di sản Vịnh Hạ Long.
Với những điều kiện đó, việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoành Bồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức quan trọng. Một mặt góp phần cụ thể hoá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; mặt khác xác định các khả năng cải tạo mở rộng đô thị hiện có và hình thành phát triển đô thị mới trên địa bàn, phát triển các khu chức năng trên địa bàn toàn huyện và khả năng liên kết vùng huyện với các đô thị khác trong tỉnh và khu vực; cân đối tỷ lệ đô thị hoá với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng đô thị trong các giai đoạn một cách bền vững, là điều kiện để huyện khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng. Tạo cơ sở để quản lý, kiểm soát phát triển không gian đô thị, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và hệ thống các công trình chuyên ngành trên địa bàn toàn huyện.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()