Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:33 (GMT +7)
Nền tảng của nông thôn hiện đại
Thứ 3, 19/12/2023 | 06:47:16 [GMT +7] A A
Công nghệ số là đường dẫn cốt lõi đưa người dân nông thôn tiệm cận gần hơn với cuộc sống hiện đại, tiện ích. Đó cũng chính là cách thức mà chính quyền các địa phương lựa chọn để triển khai mô hình thôn, xã thông minh. Mục tiêu không dừng lại ở việc áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, mà còn mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân nông thôn, qua đó, xây dựng khu vực tam nông hiện đại và phồn thịnh lâu dài.
Những thôn, xã 4.0
Tháng 3/2022, mô hình thôn thông minh Tân Thanh (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) được ra đời. Từ đây, những chuyển mình từ nông thôn truyền thống sang nông thôn mới, hiện đại đã được người dân bắt nhịp một cách nhanh chóng. Nhờ sự trợ giúp của tổ công nghệ số cộng đồng, những cái lướt tay trên điện thoại thông minh của người dân đã dần nhanh nhạy hơn, các thông tin chỉ đạo của xã, của thôn cũng được chuyển tải nhanh chóng hơn. Người dân cũng được hướng dẫn cài đặt tài khoản công dân số để thực hiện giao dịch hành chính với chính quyền mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước. Nhiều người cũng sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch thay vì dùng tiền mặt như trước kia, giúp tiết kiệm thời gian.
Ngoài việc sử dụng thành thạo những tiện ích của công dân số trên điện thoại thông minh, người dân thôn Tân Thanh cũng được hướng dẫn sử dụng công nghệ để đăng tải các nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để mở rộng kênh tiêu thụ.
Theo bà Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thanh, thôn thông minh là khi mỗi công dân trên địa bàn đều phải trở thành một công dân số. Với sự vào cuộc của tổ công nghệ số cộng đồng, việc sử dụng thanh toán điện tử khi mua sắm, trả phí y tế, giáo dục... đều dần trở nên quen thuộc hơn trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trên địa bàn thôn đã bước đầu đưa vào khai thác các thiết bị công nghệ mới, như hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa cộng đồng, mạng lưới camera giám sát ATGT dọc tuyến đường trục chính với 3 mắt camera của xã đầu tư và huy động tất cả các hộ bám mặt đường có sẵn camera gia đình... Đây chính là những tiền đề ban đầu để mô hình thôn thông minh được hiện thực hóa.
Ngoài thôn thông minh, mô hình xã thông minh cũng đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như tại xã Việt Dân (TX Đông Triều). Bà Đặng Thị Sen, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: Chúng tôi xây dựng xã thông minh theo 3 trụ cột chính, bao gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, với 22 nhiệm vụ. Bước đầu, xã sẽ triển khai 100% sử dụng biên lai điện tử thay thế toàn bộ biên lai giấy; gắn mã địa chỉ số cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thí điểm tổ chức họp trực tuyến từ UBND xã tới các thôn, khu phố.
Ngoài ra, các hàng quán, hộ kinh doanh trên địa bàn xã cũng đã triển khai nộp hoá đơn điện tử, thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua QR code... Đa phần các hộ sản xuất lớn trên địa bàn đều đã có tài khoản để thực hiện các giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Hiện xã cũng đang thực hiện thống kê tới từng hộ, cá nhân trong gia đình, từ việc sử dụng tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh, mạng internet..., để có sự đầu tư hạ tầng thông tin phù hợp trong lộ trình xây dựng xã thông minh.
Hay như tại xã Cẩm La, TX Quảng Yên, với mục tiêu xây dựng xã thông minh thông qua phương thức chuyển đổi số, địa phương này đã trợ giá cho người dân khi mua sắm điện thoại thông minh, đồng thời, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng các điểm nạp, rút kết hợp thanh toán; tư vấn và trang bị cho tiểu thương, hộ kinh doanh sử dụng mã QR để đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn tạo lập điểm đến và quảng bá hình ảnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên bản đồ Google Maps.
Những tiện ích từ thôn, xã thông minh mang lại đã giúp cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được xích lại gần hơn với người dân thành thị, xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh. Ông Đặng Văn Sáu (thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) phấn khởi cho biết: Người dân nông thôn giờ đã khác xưa nhiều lắm! Xây dựng thôn thông minh, chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ số và áp dụng vào sinh hoạt, lao động sản xuất. Các thông tin chỉ đạo của xã, thôn chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể cập nhật được hết. Trong nuôi tôm, ngoài việc có thể biết được những thông tin về giống, thức ăn, thuốc men... giờ đây việc tìm kiếm bạn hàng và ngay cả việc thanh toán tiền cũng thuận tiện hơn khi thực hiện qua mạng.
Cơ hội để nông thôn chuyển mình
Mô hình thôn thông minh là một trong những tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt tiêu chí này, xã cần có ít nhất một mô hình thôn thông minh có ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành; tỷ lệ dân số trong thôn theo độ tuổi lao động có thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt ít nhất 60% ở các địa bàn vùng miền núi, biên giới, hải đảo và trên 80% với các xã vùng đồng bằng. Các hộ gia đình đều được gắn mã số, địa chỉ số; thôn có truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, có camera an ninh gắn kết với hệ thống quản lý an ninh của xã; có kênh trao đổi thông tin trực tuyến giữa người dân và chính quyền qua các nền tảng ứng dụng công nghệ số.
Theo đánh giá, các mô hình thôn, xã thông minh đang triển khai trên địa bàn Quảng Ninh bước đầu đã đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần sớm đưa các xã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển mô hình thôn thông minh sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nông thôn nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là giúp người dân nông thôn tiếp cận nhanh và hiệu quả các dịch vụ công cơ bản cũng như các cơ hội phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Thời gian qua, sự vào cuộc tích cực của 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh với 11.255 thành viên tham gia đã và đang phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở, đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng chính là những bước chuyển mình đầu tiên để hình thành nên các công dân của thôn, xã thông minh.
Trong xây dựng thôn, xã thông minh, các địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như tại Đông Triều, nhiều đơn vị, HTX và hộ dân đã và đang ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định.
Hay như tại các vùng nuôi thủy sản ở Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà, các hộ nuôi cũng được phổ biến và chuyển giao công nghệ để quản lý chăm sóc, dịch hại trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn tại vùng cam Vân Đồn, các hộ dân đã khai thác mạnh lợi thế từ chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu nông sản, kết nối thêm được nhiều bạn hàng. Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình chăm sóc như một phương thức tất yếu để giảm công lao động, tăng năng suất.
Ông Đồng Quang Cường, chủ trang trại chăn nuôi vịt tại xã Cẩm La (TX Quảng Yên), cho biết: Nông thôn thông minh khi người nông dân cũng học cách để trở nên hiện đại hơn trong lao động sản xuất. Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất kỳ ở đâu tôi cũng có thể dễ dàng nắm rõ tình hình sản xuất, trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên ứng dụng, qua đó xử lý những tình huống phát sinh. Các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại.
Cách mạng 4.0 không chỉ được coi là xu hướng hiện đại, mà còn được xem là cuộc cách mạng mang đến nhiều cơ hội phát triển một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tận dụng cơ hội đó trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh chính là mục tiêu được nhiều thôn, xã trên địa bàn Quảng Ninh đang lựa chọn để phát triển bền vững, để ở đó, mọi tiện ích từ mô hình này đều là dân làm, dân thụ hưởng.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()