TV, tủ lạnh
Theo Eye Networks, việc đặt bộ phát Wi-Fi cạnh TV khá phổ biến tại nhiều hộ gia đình, nhất là những phòng có diện tích nhỏ. Tuy nhiên, khi TV hoạt động, sóng từ trường sẽ phát ra tần số mạnh khiến hầu hết modem hoặc router hiện nay bị nhiễu, sóng Wi-Fi phát ra không ổn định.
Tương tự, đặt bộ phát cạnh tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị phát ra từ trường khác khi hoạt động cũng khiến sóng mạng chập chờn.
Tủ kính, gương soi
Một số người dùng đặt bộ phát Wi-Fi trước gương, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là điều không nên. Theo CNBC, việc để gần vật dụng như gương hoặc đồ có lớp tráng bạc tương tự khiến sóng Wi-Fi bị phản ngược lại thay vì xuyên qua, đồng thời tạo ra nhiễu, khiến những thiết bị ở phía sau nhận tín hiệu kém.
Tương tự, kính gây tác động xấu đến sóng Wi-Fi do vừa là vật cản, vừa gây phản tín hiệu, nên người dùng không nên đặt bộ phát Wi-Fi trong tủ kính.
Bể cá
Nước có khả năng hấp thụ một phần sóng vô tuyến như Wi-Fi, do đó bộ phát đặt cạnh bể cá hoặc nơi chứa nước có thể làm tín hiệu yếu hơn so với những vị trí khác. Ngoài ra, khu vực này còn có độ ẩm cao - "kẻ thù" của các thiết bị điện tử.
Lò vi sóng
Hầu hết bộ phát Wi-Fi hiện dùng chuẩn Wi-Fi 6 (tần số 2,4 GHz - 5 GHz), hoặc Wi-Fi 6E mới hơn (tần số 6 GHz). Do lò vi sóng sử dụng sóng điện từ 2,4 GHz để làm nóng thức ăn với tần suất cao, chúng có thể gây xung đột sóng với thiết bị phát Wi-Fi đời cũ.
Ngoài lò vi sóng, các thiết bị như bộ đàm, radio cũng có thể gây nhiễu do cũng hoạt động trên băng tần 2,4 GHz. Với các thiết bị dùng công nghệ Wi-Fi mới, tác động của lò vi sóng thấp hơn.
Thiết bị Bluetooth
Các thiết bị không dây dùng Bluetooth như tai nghe, bàn phím và chuột có thể làm nhiễu tín hiệu Wi-Fi, nhất là bộ phát đời cũ 2,4 GHz. Theo MetaGeek, khi thiết bị sử dụng Bluetooth nhảy vào dải tần của thiết bị sử dụng Wi-Fi, nó sẽ làm cản trở và gây ra độ trễ. Bộ phát Wi-Fi cũng có thể cản trở hoạt động của chuột không dây và các phụ kiện Bluetooth khác.
Ý kiến ()